Xây dựng nông thôn mới:

Cần thận trọng khi xây chợ! - Kỳ 2: Những ý kiến tâm huyết

Cập nhật lúc 07:49, Thứ Năm, 28/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Xung quanh phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) nói chung và tiêu chí chợ nói riêng, chúng tôi đã thu thập được nhiều ý kiến tâm huyết. Xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, bộ tiêu chí là chuẩn để các ban ngành, địa phương "soi" vào đấy thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng ta cần lắng nghe những ý kiến từ thực tế để từ đó có những nghiên cứu, xem xét, góp phần mang lại hiệu quả thực chất cho Chương trình MTQG xây dựng NTM.

>> Kỳ 1: Chợ bỏ hoang... thực trạng và nguyên nhân

Mỗi xã một chợ đạt chuẩn: Quá lãng phí!

Ông Lê Văn Bình (xã Hiền Ninh, Quảng Ninh) khẳng định: Nếu xây chợ theo chuẩn Bộ Xây dựng (diện tích 3.000m2 trở lên đối với đồng bằng và 1.500m2 đối với miền núi; diện tích xây dựng nhà chợ chính tối đa hơn 40%, diện tích mua bán ngoài trời tối thiểu 25%, diện tích đường giao thông nội bộ dưới 25% và diện tích sân, cây xanh ít nhất 10%...; có các khu kinh doanh theo ngành hàng, gồm nhà chợ chính, diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, bãi đỗ xe, cây xanh, nơi thu gom rác...) là quá lớn và lãng phí đối với nhiều địa phương.

Chợ Cảnh Dương được đầu tư xây dựng quy mô  và hoạt động rất hiệu quả.
Chợ Cảnh Dương được đầu tư xây dựng quy mô và hoạt động rất hiệu quả.

Theo ông, với đặc thù của người dân nông thôn chủ yếu sống bằng nông nghiệp, nhu cầu về đời sống hàng ngày không cao, nên đi chợ chỉ tốn thời gian và kinh phí không lớn. "Buổi sáng chạy ra chợ khoảng 30 phút là đã mua đủ đồ ăn cho cả ngày. Tranh thủ chợ búa nhanh rồi còn phải lo việc đồng áng. Vì vậy chợ nông thôn thường chỉ họp một buổi rồi tan. Mà gọi là một buổi thế thôi chứ thực ra chỉ vài tiếng đồng hồ. Thời gian còn lại chợ bỏ không nên nếu xây dựng quy mô lớn thì phí lắm. Năm thì mười họa hay lễ tết gì mua sắm nhiều thì mới có nhu cầu đi chợ lớn!", ông Bình trao đổi.

Và theo ông, nên chăng thay vì mỗi xã xây dựng một chợ thì chỉ nên xây dựng chợ quy mô vừa phải, đáp ứng đủ nhu cầu dân sinh trong khu vực, đồng thời chấn chỉnh các chợ tự phát. Thay vào đó sẽ đầu tư vào một số chợ đầu mối. Bên cạnh việc tập trung được lượng hàng hóa lớn, thu hút được nhiều khách hàng, đi chợ đầu mối còn có cái thú hấp dẫn như ngày xưa trẻ con lâu lâu được mẹ cho đi chợ huyện, chợ tỉnh... Như vậy, chợ vừa đáp ứng được các tiêu chí của giai đoạn phát triển mới, song đồng thời cũng lưu giữ và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của người nông thôn...
 
Không nhất thiết xã nào cũng phải xây chợ

Ông Lê Hùng Phi, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh trao đổi: Liệu có nhất thiết xã nào cũng phải xây chợ hay không? Vì có những xã, người dân chủ yếu còn ở dạng tranh thủ thời gian nông nhàn, nhóm họp để trao đổi, mua bán chớp nhoáng những thứ thiết yếu nhất cho gia đình hàng ngày. Nhiều chợ xây lên rồi để bỏ hoang phế. Có thể có xã 2 - 3 chợ nhưng cũng có những xã không có chợ nào, vì người dân có thói quen đi chợ ở xã bên cạnh. Ví dụ như: chợ Tréo không chỉ dành cho người dân ở Kiến Giang mà cả vùng trũng, vùng giữa của huyện Lệ Thủy hay như chợ Côộc (nay là chợ Cổ Hiền) đâu phải chỉ có người dân xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) mà các xã lân cận cũng quen đi chợ này.

Chợ không phải chỉ là nơi để giao thương buôn bán, chợ còn là nơi sinh hoạt văn hóa, thể hiện truyền thống, bản sắc riêng của từng vùng miền, như yếu tố giao thông cung ứng, hạ tầng (ví dụ như trên bến dưới thuyền ở chợ Côộc  Hiền Ninh, Quảng Ninh), yếu tố ẩm thực, sản vật, văn hóa đi chợ của người dân Lệ Thủy với những câu ca truyền thống về các chợ trên địa bàn như: Trâu, chè, thơm, mít: chợ Đôộng/ Tôm, cua, cá bống: chợ Chè/ Cam, quýt, đậu, mè: chợ Trạm/ Chim, ốc, hến, rạm: chợ Thùi/ Bún, thịt heo tràn đầy: chợ Tréo/ Cá biển khắp nẻo: chợ Tuy/ Thu, ngừ, mực, nuốt chi chi: chợ Cưởi/ Sắn, khoai, mật ong, thị, ổi: chợ Mỹ Đức/ Ai về Lệ Thủy mặc sức tiêu tiền!".

Liên quan đến khía cạnh này, sự ra đời hàng loạt chợ trong thời gian qua đã manh nha hình thành một thứ "văn hóa chợ" theo hướng tiêu cực. Đó là khi có quá nhiều chợ, tiểu thương gặp phải sự cạnh tranh gay gắt. Vì vậy, khi những tiểu thương ở địa bàn khác đến buôn bán ở chợ của mình, họ bị làm khó đủ điều từ thuế chợ, chỗ ngồi, gửi xe..., nhằm mục đích cản trở việc buôn bán của người lạ, tạo thế "độc quyền" cho tiểu thương vùng mình trong kinh doanh. Với hành vi "bế quan tỏa cảng" này, hoạt động giao thương sẽ ngày càng hạn chế. Bên cạnh đó, văn hóa chợ truyền thống bị mai một, thay vào đó là những thói quen phản văn hóa, ảnh hưởng lớn đến tình làng nghĩa xóm...
 
Chợ là tiêu chí "mềm"

Qua trao đổi với ông Trần Văn Tuân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh, ông khẳng định: Đây là một tiêu chí "mềm" nên không nhất thiết xã nào cũng phải xây chợ đạt chuẩn. Đối với những xã "vệ tinh" của thị trấn Ba Đồn hay Kiến Giang, nếu tiếp tục xây hàng loạt chợ quy mô, chắc gì đã hiệu quả khi chợ Ba Đồn, chợ Tréo đã và đang được mệnh danh là "dạ dày" của miền Trung với đầy đủ các chủng loại hàng hóa?

Tương tự, ông Hồ Thanh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, Chánh văn phòng điều phối Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM, cũng đồng tình với ý kiến này. Ông Ngọc cho biết, quy hoạch chợ là phải có, nhưng nếu địa phương chưa thực sự có nhu cầu thì chưa nhất thiết phải xây chợ. Trên thực tế, cho dù chưa có chợ, nhưng nhu cầu giao lưu mua bán phục vụ đời sống người dân trên địa bàn được đáp ứng đầy đủ thì trong quá trình xét công nhận xã NTM sẽ có những hướng dẫn cụ thể về việc hoàn thành các tiêu chí đến mức độ nào...

Cảnh đìu hiu ở chợ Nam Long.
Cảnh đìu hiu ở chợ Nam Long.

Mới đây, trong chương trình "Đối thoại chính sách" phát trên sóng VTV1, chuyên đề về xây dựng NTM, ông Tăng Minh Lộc, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM Trung ương, đã có những giải đáp về một số tiêu chí, trong đó có tiêu chí chợ. Ông Lộc khẳng định: Đối với tiêu chí chợ sẽ có sự hướng dẫn lại, tránh cách hiểu "cứng" của các địa phương, dẫn đến việc xây dựng chợ tràn lan, vừa lãng phí vừa kém hiệu quả. Trong tương lai, quy trình đánh giá các tiêu chí sẽ "mềm" hơn với việc có thể chấm điểm cho các tiêu chí. Tiêu chí nào bức xúc nhất, cần thiết nhất cho người dân sẽ được cho điểm cao... Hiện tại, có một số tiêu chí đang được đề nghị sửa đổi để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

Còn theo ý kiến của một cán bộ chuyên ngành thương mại, tất cả các địa phương đều phải quy hoạch chợ. Hiện tại, nhu cầu xây dựng chợ của một số xã có thể chưa bức thiết, nhưng đến 5 năm, 10 năm nữa, khi kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu xây chợ trở nên cấp bách, chúng ta sẽ không bị động trong vấn đề quy hoạch. Chợ phản ánh mặt bằng đời sống kinh tế của người dân, do đó, khi nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất đạt được một cách thực chất, chắc chắn địa phương sẽ có nhu cầu xây chợ để đáp ứng các hoạt động thương mại trên địa bàn. Khi nhu cầu nảy sinh từ thực tế và trở nên "chín muồi", chắc chắn chợ sẽ hoạt động hiệu quả.
 
Lời kết

Xây dựng NTM là một sự nghiệp lớn. Mục đích cuối cùng của NTM là thay đổi bộ mặt nông thôn, trong đó thước đo duy nhất là đời sống của người nông dân. Vì vậy, trong quá trình triển khai các tiêu chí nói chung, tiêu chí chợ nói riêng, nếu không có sự linh hoạt, mềm dẻo, xây dựng NTM sẽ chỉ là phong trào và chúng ta sẽ có những bản báo cáo với các con số, sự kiện đẹp mà thôi.

Hy vọng rằng, với những bài học kinh nghiệm đắt giá, những ý kiến tâm huyết được rút ra từ thực tiễn xây dựng NTM, chúng ta sẽ có những bước đi cẩn trọng để trong tương lai, Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh sẽ gặt hái nhiều hiệu quả, góp phần mang lại khởi sắc cho bộ mặt nông thôn...    

                                                                                  Ngọc Mai

                 











 

,
.
.
.