Nỗi lo người nuôi lợn

Cập nhật lúc 15:57, Thứ Ba, 26/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đã hơn 3 tháng trôi qua kể từ ngày các cơ quan chức năng phát hiện một số hộ chăn nuôi ở miền Nam có sử dụng hóa chất tạo lợn siêu nạc, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, thị trường tiêu thụ thịt lợn trong nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đã thoát khỏi tình trạng "khủng hoảng thừa" và đang dần lấy lại thế bình ổn. Tuy nhiên, những "hệ lụy" của nó đối với người chăn nuôi vẫn còn khá nặng nề.                

Thị trường ế ẩm

Giải đáp về thông tin hóa chất tạo nạc, ông Lê Kim Hoàng, Chi cục phó Chi cục quản lý chất lượng nông sản và thủy sản khẳng định: “Cho tới thời điểm này ở tỉnh ta chưa phát hiện được trường hợp nào có sử dụng hoóc-môn tăng trưởng trong quá trình chăn nuôi.

Vì vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn mà không cần phải lo lắng”. Qua tìm hiểu từ ông Phan Văn Thường, Giám đốc Sở Công thương, chúng tôi được biết thêm: Sau “cú sốc” lợn siêu nạc, hiện tại, thị trường tiêu thụ thịt lợn ở tỉnh ta đã thoát khỏi tình trạng “cung nhiều hơn cầu”.

Tuy nhiên, do “dư âm” còn sót lại của “cú sốc siêu nạc” cộng với thời tiết nắng nóng, nhiều biến động về kinh tế, giá cả thị trường, nên mức tiêu thụ thịt lợn trên thị trường vẫn không thực sự khả quan. Tại các sạp bán thịt lợn ở chợ Đồng Hới, nhiều tiểu thương “nhăn nhó” vì đã mấy tuần liền, mức tiêu thụ thịt lợn vẫn “chậm rì rì”.

Lợn hơi rớt giá mạnh khiến nhiều người chăn nuôi không dám đầu tư nuôi mới nhiều.
Lợn hơi rớt giá mạnh khiến nhiều người chăn nuôi không dám đầu tư nuôi mới nhiều.

Chị Mai Thị Phưởng, một tiểu thương lâu năm ở chợ cho biết: “Trước đây, trung bình mỗi ngày tôi mổ bán 15 con lợn với gần 1 tấn thịt. Nhưng từ khi rộ lên thông tin về lợn siêu nạc thì số lượng giảm hẳn, mỗi ngày chỉ mổ bán được 10 con với khoảng 6,5 đến 7 tạ thịt. Thậm chí mấy ngày đầu lợn chất đầy sạp mà chẳng có ai ngó ngàng cả. Thời gian gần đây nhờ có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhanh chóng trấn an dư luận nên người tiêu dùng cũng an tâm hơn khi đưa thịt lợn vào thực đơn bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, nếu so với trước đây, thì mức tiêu thụ như hiện nay vẫn không ăn thua”.

Ghé qua các quầy bán rau quả, thủy hải sản thấy người mua kẻ bán tấp nập; nhưng đến quầy thịt lợn thì người bán lại khá “nhàn rỗi”. Chị Võ Thị Thủy, một tiểu thương ở phường Hải Thành than thở: “Mấy tuần nay buôn bán ế ẩm lắm. Mỗi ngày có 40, 50 kg mà bán mãi vẫn không hết. Như trước đây chỉ cần bán trong một buổi sáng là đã hết thịt, nhưng bây giờ, cũng với số lượng chừng ấy mà phải bán đến chiều”.

Không riêng gì chợ Đồng Hới mà hầu như ở các chợ huyện, xã, thị trấn như chợ Ba Đồn, chợ Mai, chợ Hoàn Lão, chợ Cộn... đều có chung tình trạng ế ẩm như thế. Sức tiêu thụ tại các chợ đều khá ảm đạm. Chính điều này đã đẩy giá thịt lợn đi xuống. Trước đây, giá bán lẻ thịt nạc vai, sườn thăn là 100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 90.000 đồng/kg. Mức này hiện nay giảm khoảng 5-10% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Thị trường tiêu thụ cầm chừng, giá thịt lợn giảm kéo theo đó là giá lợn hơi giảm mạnh và người chăn nuôi phải gánh chịu.

Người nuôi lo âu

Liên tiếp mấy tuần liền giá bán lợn hơi giảm từ 55.000-57.000 đồng/1kg xuống mức 40.000-44.000 đồng/1kg. Với mức giá này người nuôi đang lỗ từ 500.000-700.000 đồng/con lợn. Trong khi đó, giá các loại thức ăn chăn nuôi lại không hề giảm. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, người chăn nuôi bị thiệt hại nặng do giá lợn hơi giảm sâu.

Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ trang trại cảm thấy hoang mang khi lợn đã đến kỳ xuất chuồng mà giá lại liên tục “rớt”. Tâm lý chờ giá lên mới bán của nhiều người khiến cho tình trạng lỗ càng thêm nặng. Vì chờ mãi chẳng thấy giá lên, ngược lại, ngày một thêm hạ, chi phí cho thức ăn tăng trong khi lợn đến thời kỳ này hầu như không còn tăng trọng là bao. Giá thịt lợn giảm, sức mua của người tiêu dùng bị “cầm chừng” nên nhiều thương lái ngần ngại, không dám mạnh tay mua nhiều lợn hơi như trước đây.

Chị Nguyễn Thị Thơm, một người nuôi lợn hộ gia đình ở Nghĩa Ninh, Đồng Hới nói: “Trước kêu một tiếng là thương lái đến mua ngay, nay cả tuần vẫn không thấy đến. Càng để lâu chúng tôi càng lỗ nặng. Đây chính là cái cớ để thương lái ép giá. Biết là rứa nhưng chúng tôi cũng đành chịu vì lợn tới lứa giá mô cũng phải bán”. Nhiều hộ chăn nuôi đang “khóc dở, mếu dở” khi đến kỳ xuất chuồng mà lợn bán chẳng ai mua, nếu có bán được thì giá quá thấp. Do vậy, một số người đã tự mổ lợn đi bán mà không cần qua tay thương lái. Giải pháp này chỉ mang tính tạm thời vì với những hộ nuôi số lượng lớn sẽ rất khó áp dụng; hơn nữa, nó gây không ít khó khăn cho công tác quản lý thị trường.

Ghé thăm trang trại của anh Đào Văn Toàn (Nghĩa Ninh, Đồng Hới), chúng tôi khá ngạc nhiên vì trong dãy chuồng có nhiều ô bỏ trống. Trước đây, trong 10 ô nuôi của gia đình hầu như ô nào ít nhất cũng phải từ 5 đến 7 con lợn. Thấy chúng tôi thắc mắc, anh giải thích: “Đợt ni, lợn giảm ghê quá nên gia đình không dám đầu tư nuôi nhiều. Thức ăn đắt, lợn lại rẻ, nuôi nhiều sợ tìm đầu ra khó, sợ lỗ lắm. Như đợt trước tôi nuôi hơn 50 con, khoảng 3 tháng rưỡi xuất chuồng, trừ chi phí thức ăn lãi được hơn 50 triệu đồng. Rứa mà đợt ni trừ hết chi phí chỉ lãi được hơn 15 triệu. Tính ra thất thu đến hơn 30 triệu đồng”. Tìm đầu ra cho lợn thịt không chỉ là lo lắng của riêng anh Toàn mà là trăn trở chung của người chăn nuôi. Đối với những hộ nuôi với số lượng lớn, trăn trở về đầu ra lại càng bức thiết vì cứ như công thức tỷ lệ thuận “nuôi ít lỗ ít, nuôi nhiều lỗ nhiều”.

Chúng tôi có dịp trở lại trang trại của chị Hoàng Thị Hòa ở thôn Thuận Vinh, xã Thuận Đức, TP. Đồng Hới. Đây làm một trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn với trên 1.000 con. Trong đợt sụt giá lợn hơi vừa rồi, trang trại của chị Hòa thất thu không ít. Trước đây, 1 tháng trang trại của chị xuất chuồng 2 lần, một lần  khoảng 120 con thu được hơn 460 triệu đồng, nhưng đến thời điểm hiện nay thì một đợt xuất chuồng chị chỉ thu được khoảng 350 triệu đồng. Như vậy tính chung 1 tháng chị lỗ trên 220 triệu đồng. Cũng trong tình trạng tương tự là trang trại của chị Nguyệt ở thôn Phúc Tự Đông, Đại Trạch, Bố Trạch, ông Đinh Xuân Tính ở tiểu khu 8, TT Quy Đạt...

Giá lợn hơi giảm sâu đẩy người chăn nuôi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, bỏ nghề thì không được mà đeo bám cũng đầy bất ổn khi mà họ phải liên tục đối mặt với không ít rủi ro. Luôn phải đau đáu với nỗi lo dịch bệnh, giờ đây, người chăn nuôi phải “gánh” thêm nỗi lo lợn hơi rớt giá. Không biết đến bao giờ nỗi lo ấy được “giải tỏa” để người chăn nuôi thôi thấp thỏm, yên tâm phát triển tổng đàn.

                                                                                          Đào Vân










 

,
.
.
.