Các biện pháp đối phó với dịch bệnh ở tôm

Cập nhật lúc 07:50, Thứ Tư, 27/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian gần đây nhiều địa phương trong tỉnh có tình trạng tôm chết chưa rõ nguyên nhân. Nhiều hộ nuôi đã tỏ ra lo lắng và thiệt hại cũng không nhỏ. Vậy cơ quan chức năng đã có những động thái nào để ngăn chặn dịch bệnh, làm người nuôi yên tâm?

Theo báo cáo của ngành chức năng, từ cuối tháng 5-2012 dịch bệnh trên tôm xuất hiện rải rác ở một số địa phương và đến đầu tháng 6-2012 rộ lên ở các địa phương trong tỉnh trên tổng diện tích 18,7 ha. Cụ thể, ở Quảng Trạch 12,96 ha, Bố Trạch 4,81 ha và Quảng Ninh 0,5 ha. Ngay khi có thông tin cấp báo từ cơ sở, Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo các trạm thú y huyện, thành phố nắm bắt tình hình, lấy mẫu và xét nghiệm để có biện pháp xử lý.

Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, sau khi tiến hành các thủ tục xét nghiệm (56 mẫu) kết quả như sau: 4,65 ha của 9 hộ nuôi bị bệnh do virut bệnh đốm trắng còn lại 13,6 ha chết do nguyên nhân khác. Cụ thể, bệnh đốm trắng ở Quảng Trạch trên diện tích 2,72 ha (xã Quảng Tiên 0,5 ha, xã Quảng Thuận 1,47 ha, xã Quảng Lộc 0,75 ha), tôm chết chưa rõ nguyên nhân 10,24 ha (Quảng Hải 5,49 ha, Quảng Tiên 3,6 ha, Quảng Thuận 0,7 ha); ở Bố Trạch bị bệnh đốm trắng 1,45 ha (Đồng Trạch 0,65 ha, Mỹ Trạch 0,8 ha), bệnh chưa rõ nguyên nhân 3,36 ha ở xã Đồng Trạch; tại huyện Quảng Ninh, tôm bị bệnh đốm trắng 0,5 ha tại xã Hàm Ninh.

Nói chưa rõ nguyên nhân là khi Chi cục đã tiến hành xét nghiệm các loại dịch bệnh khác, kết quả cho thấy các mẫu đều âm tính với các bệnh như Taura (TSV), đầu vàng...  Chi cục cũng đã phối hợp với cơ quan Thú y vùng III để kiểm chứng kết quả nhằm tìm ra căn bệnh cụ thể đối với những diện tích trên. Qua kiểm chứng đều đúng như xét nhiệm của Chi cục Thú y tỉnh là các mẫu đều cho âm tính với các bệnh gan tuỵ do vi khuẩn (NHP), bệnh hoại tử (IMNV), Taura (TSV).

Thường xuyên kiểm tra tình trạng tôm nuôi để phát hiện dịch bệnh.
Thường xuyên kiểm tra tình trạng tôm nuôi để phát hiện dịch bệnh.

Tuy nhiên, từ điều tra dịch tễ, đo các chỉ tiêu môi trường ao nuôi bị bệnh và triệu chứng lâm sàng ban đầu tại hiện trường cho thấy tôm có hiện tượng rớt đáy, chết trong thời gian ngắn; khi bóc gan tuỵ có hiện tượng mềm, sưng to, bị bỡ vụn, gan chuyển màu (đỏ gạch); một số tôm có hiện tượng bị phân trắng; ở đốt bụng thứ 5-6 phần đuôi có xuất hiện màu trắng đục; khi đo các tiêu chuẩn môi trường nước: độ mặn 15-20%o; pH 8,7-9,3, nhiệt độ 31-33oC, đặc biệt NH3 ở mức 0,4-0,8 mg/l trong khi lượng bình thường là  nhỏ hơn 0,1 mg/l... từ đó có thể nhận định ban đầu là tôm bị nhiễm độc dạng cấp tính.

Nguyên nhân gây nên hiện tượng tôm nhiễm độc có thể do từ nguồn thức ăn, hoá chất, thuốc... người nuôi đã sử dụng trong quá trình nuôi tôm cùng với chất độc hại trong môi trường ao nuôi. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý là trong giai đoạn này tôm chết sau những đợt mưa giông đột ngột. Có thể mưa đã làm phân tầng nước, phân huỷ mùn bả hữu cơ đáy ao nhiều làm tăng nồng độ khí độc NH3...cùng với những chất độc hại nói ở trên làm tôm bị nhiễm độc cấp tính.

Trước thực trạng trên, ngay khi dịch bệnh xẩy ra Chi cục Thú y tỉnh, các trạm thú y huyện cùng với lãnh đạo các địa phương tích cực xử lý theo đúng quy trình. Chúng tôi đã có các cuộc nói chuyện với lãnh đạo một số địa phương có dịch bệnh trên tôm.

Tại xã Đồng Trạch, ông Phan Văn Mạc, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết, việc xử lý tôm bị bệnh đã được các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc. Mặc dù dịch bệnh xẩy ra trên tôm đã đến lúc thu hoạch nhưng thiệt hại vẫn xẩy ra, ước tính khoảng 30% giá trị. Hiện nay người dân đang muốn thả con giống ngay nhưng địa phương đang băn khoăn về dịch bệnh nên cũng không khuyến khích việc thả tôm giống. Là địa bàn có diện tích nuôi tôm khá lớn với trên 68 ha, người dân đề xuất tỉnh hỗ trợ hoá chất để xử lý ao nuôi... tại xã Quảng Hải, ông Đoàn Xuân Thiện, Chủ tịch UBND xã cho biết dịch bệnh trên tôm ở địa phương đã được xác định rõ ràng và đã tiến hành xử lý theo hướng dẫn của cơ quan thú y, tuy nhiên thiệt hại cho các hộ nuôi (33 hộ) là khá lớn, người dân cũng đang cần thêm hoá chất để xử lý môi trường...

Về vấn đề hoá chất, chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Việc sử dụng hoá chất phải thực hiện theo quy định của Sở Nông nghiệp và PTNT và hướng dẫn của Chi cục Thú y để bảo đảm an toàn, nếu quá lạm dụng hoá chất Chlorine có thể gây hậu quả không tốt. Chi cục Thú y tỉnh luôn đáp ứng nhu cầu hoá chất nhưng phải theo quy định.

Vừa qua tại xã Đồng Trạch, 6 hộ nuôi tôm bị chết trên diện tích 3,36 ha, lượng giống thả là 2,1 triệu con thì có đến 1,2 triệu con giống không có kiểm dịch. Đây là bài học về con giống cho bà con nuôi tôm.

Về các biện pháp xử lý cụ thể cho từng loại dịch bệnh, ông Sơn cho biết: Đối với những diện tích bị bệnh đốm trắng, Chi cục Thú y đã chỉ đạo các trạm thú y phối hợp với chính quyền địa phương triển khai dập dịch đúng quy trình như đóng cống không để nguồn nước vùng có dịch lan tràn ra xung quanh, tiến hành xử lý bằng vôi, bằng hoá chất Chlorine...

Đối với những ao nuôi có tôm chết vì nguyên nhân khác, hộ nuôi tôm đã trên 2 tháng có thể tiến hành thu hoạch ngay để hạn chế thiệt hại và tiến hành xử lý ao nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Còn với các ao đang nuôi tôm còn nhỏ, cần quản lý, chăm sóc tốt ao nuôi, như bơm thêm nước, đồng thời theo dõi khả năng sử dụng thức ăn của tôm để có biện pháp tăng, giảm thích hợp tránh dư thừa; nhằm tăng sức đề kháng cho tôm có thể trộn chung các loại vitamin C và Glucan vào thức ăn... Khi có hiện tượng tôm chết, chủ hộ nuôi phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở và chính quyền địa phương để kịp thời xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý thích hợp.

Đối với ao nuôi có tôm chết đã thu hoạch bà con không nên vội thả tôm giống ngay mà phải triển khai vệ sinh ao hồ thật kỹ, nạo vét bùn đáy, phơi ao  từ 5-7 ngày, tiến hành bón vôi để nâng độ pH> 9,5; bừa kỹ, ngâm 2-3 ngày, thau rửa để giảm các chất độc hại trong bùn đáy ao. Bà con cũng nên dành diện tích làm ao chứa, ao lắng để chứa, xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi. Mặt khác không nên sử dụng hoá chất cấm, hoá chất chưa rõ nguồn gốc, thuốc có nguồn gốc bảo vệ thực vật để xử lý nước. Đặc biệt về tôm giống phải mua ở những cơ sở có uy tín, có chất lượng, tuyệt đối không mua giống trôi nổi giá rẻ trên thị trường, không có giấy kiểm dịch...

                                                                                  Văn Hoàng



 

,
.
.
.