Hỗ trợ cho nông dân vượt khó

Cập nhật lúc 09:33, Thứ Sáu, 11/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Mưa lũ vào đầu tháng 10-2011 đã làm hư hỏng hàng nghìn tấn lúa giống của bà con nông dân huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh dẫn đến nguy cơ thiếu lúa ăn và lúa giống để sản xuất vụ đông - xuân 2011-2012.

Theo lịch, vụ đông - xuân năm nay Lệ Thủy gieo cấy gần 10.000 ha  và cần lượng giống khoảng 1.200 tấn. Hằng năm, số giống này người dân tự túc khoảng 500 tấn, số còn lại Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên,  do mưa lũ nên lượng giống người dân tự túc gần như con số không. Vì vậy việc thiếu giống đang đặt ra hết sức cấp bách.

Chúng tôi về xã An Thủy, nơi có trên 1.200 ha diện tích đông - xuân, Ông Trần Đức Tài, Chủ tịch UBND xã cho hay: "Gần như ai cũng đang lo ngay ngáy về giống lúa. Vì thiếu nhiều quá nên không biết có lo đủ kịp cho bà con không. Mọi năm thì có thể chủ động, còn năm nay thì khá bị động. Tính ra chúng tôi đang cần khoảng 100 tấn giống chủ yếu  như X21, X23, NX30...Việc hỗ trợ tiền giống của huyện và tỉnh cho nông dân là cần thiết vào lúc này".

Anh Nguyễn Tiến Thiệp, Chủ nhiệm HTX Quy Hậu (Liên Thủy) cùng có nỗi lo đó: "Với 315 ha vụ đông - xuân, chúng tôi thiếu khoảng 70 tấn giống".  Anh Bùi Sơn (xã Lộc Thủy), người có gần 10 ha ruộng canh tác không khỏi băn khoăn: "Không lo sao được. Nhà tôi chí ít cũng cần đến  cả tấn giống để xuống vụ. Ruộng thì cần giống mà tiền thì eo hẹp quá. Lũ xong, cái chi cũng thấy thiếu...".

Để tháo gỡ cái thiếu của các loại giống cây trồng vụ đông - xuân sau cơn lũ lớn, huyện Lệ Thủy cũng đã có nhiều động thái tích cực. Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Huyện đang chỉ đạo quyết liệt việc bắt tay vào sản xuất vụ đông-xuân, trong đó chú trọng các loại rau màu ngắn ngày. Động viên những xã vùng cao ít bị ảnh hưởng lũ lụt gầy giống khoai lang để chu cấp cho các vùng lũ. Khuyến khích những hộ gia đình làm con giống, cây giống nhanh chóng ổn định sản xuất để cung cấp cho nhân dân trong khu vực khôi phục sản xuất. Chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương cân đối và đăng ký giống lúa các loại. Chủ trương của huyện là kiên quyết không để dân thiếu giống và sử dụng giống kém chất lượng. Huyện sẽ trích ngân sách để trợ giá cho nông dân một số giống kỹ thuật, giống lúa chất lượng cao, giống lúa lai...Tổng số tiền hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp (kể cả nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trang trại) khoảng 1 tỷ đồng".

Sản xuất giống cho vụ đông - xuân ở Nhà máy chế biến hạt giống Quảng Bình. Ảnh: Tâm Phùng
Sản xuất giống cho vụ đông - xuân ở Nhà máy chế biến hạt giống Quảng Bình. Ảnh: Tâm Phùng

Nông dân huyện Quảng Ninh cũng gánh chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ gây ra. Hiện bà con cũng đang bị thiếu giống sản xuất cho vụ đông-xuân. Theo ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện thì kế hoạch vụ đông-xuân 2011-2012, Quảng Ninh gieo cấy 4.900 ha lúa. Do bị lũ lụt nên bà con nông dân thiếu khoảng 500-600 tấn giống. Vì vậy, việc hỗ trợ giá giống cho bà con là rất cần thiết. Đây cũng là biện pháp tích cực nhằm giúp người dân tháo gỡ khó khăn, dồn sức cho vụ đông-xuân thắng lợi. Cũng theo ông Thụ, huyện Quảng Ninh chủ trương cơ cấu bộ giống theo phương châm: giảm giống dài ngày (như X23, X21, NX30), tăng giống trung ngày (XT28, TBR1, TBR45) và giống ngắn ngày (DV 108, PC6, HT1), để tránh thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại. "Mặc dù huyện đang gặp nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo huyện cũng đang bàn bạc để có phương án hỗ trợ cho nông dân đưa vào sản xuất các loại giống mới chất lượng và năng suất cao"- ông Thụ cho biết thêm.

Tỉnh ta đã có kế hoạch phân bổ 30 tấn lúa giống, 10 tấn rau đậu các loại hỗ trợ bà con vùng lũ, khôi phục sản xuất rau màu vụ đông. Chủ trương của tỉnh là không để bà con thiếu lúa giống sản xuất vụ đông-xuân, những nơi bị ngập nặng được hỗ trợ 100% giống các loại. Ngành Nông nghiệp đã có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các địa phương và  bà con nông dân trong việc tích cực vượt khó, đẩy mạnh sản xuất. Đối với cây trồng thì rau màu vẫn được coi là chủ lực để cứu đói trong giai đoạn giáp hạt.

Về chăn nuôi, sau lũ sẽ dễ có dịch bệnh nên các địa phương chỉ đạo khẩn trương thực hiện vệ sinh chuồng trại, không chủ qua lơ là, nhất là việc xử lý phòng bệnh cho  gia súc, gia cầm đúng quy trình phòng dịch.

Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Công ty CP Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình chuẩn bị 2.400 tấn giống lúa các loại với các dòng năng suất, chất lượng cao để đáp ứng đủ nhu cầu cho nông dân trong tỉnh. Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho hay: "Hiện nay, Nhà máy chế biến hạt giống đã sản xuất trên 2.400 tấn giống chất lượng cao. Trong đó, giống Xi23 là 600 tấn, X21 570 tấn, P6 170 tấn, QX2 120 tấn, XT28 110 tấn, Nhị ưu 100 tấn...Hiện đang tập hợp nhu cầu đăng ký của các địa phương để thực hiện kế hoạch đưa giống đến tận tay bà con nông dân".

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: "Ngành NN-PTNT đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ giống cho nông dân với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Trong đó, chú trọng các loại giống năng suất và chất lượng cao như QX2, XT28, X33...với khoảng 450 tấn, mức trợ giá 2.000 đồng/kg. Ngoài ra, chú trọng một số giống chủ lực khác như lúa lai Nhị ưu khoảng 80 tấn và một số giống chất lượng cao; mức trợ giá 5.000 đồng/kg. Mức hỗ trợ về giống lạc 10.000 đồng/kg và giống ngô 20.000/kg. Đối với vùng bị ngập lụt nặng và vùng đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ các loại giống cây trồng, phân bón ở mức cao hơn"...

Với sự hỗ trợ kịp thời và sự chỉ đạo hợp lý, quyết liệt, người nông dân trong tỉnh đang được tiếp sức vượt lên khó khăn để phấn đấu có được vụ mùa bội thu.

                                                                                                         Tâm Phùng

,
.
.
.