Sản xuất công nghiệp năm 2011: Khó đạt kế hoạch đề ra

Cập nhật lúc 11:25, Thứ Tư, 12/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Mặc dù vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá nhưng giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) toàn tỉnh qua 9 tháng đầu năm nay vẫn không đạt kế hoạch đề ra. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và theo đó, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2011, ngành Công thương phải thực hiện các giải pháp đồng bộ để phát huy hết công suất và năng lực các dự án đã có, tạo mọi điều kiện để thúc đẩy các dự án chậm tiến độ đi vào sản xuất trong thời gian sớm nhất.
Số liệu về tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp toàn tỉnh qua 9 tháng đầu năm 2011 cho thấy, mặc dù tốc độ phát triển của toàn ngành vẫn đạt mức tăng trưởng 16% so với cùng kỳ, nhưng giá trị sản xuất chỉ đạt 2.859,7 tỷ đồng, bằng 67% kế hoạch năm.

Trong giá trị sản xuất toàn ngành, công nghiệp quốc doanh đạt 1.224,5 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ), công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 1.622,5 tỷ đồng (tăng 16%) và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 12,7 tỷ đồng (tăng 48%). Phân theo các ngành thì công nghiệp khai thác đạt 77,4 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 2,7%), công nghiệp chế biến đạt 2.722 tỷ đồng (chiếm 95,2%) và công nghiệp điện, nước 60,1 tỷ đồng (chiếm 2,1%). Các sản phẩm vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: xi măng tăng 17%, quần áo may sẵn tăng 20%, nước mắm tăng 27%, phân bón các loại tăng 18%, dăm giấy tăng gần 18%, thanh nhôm tăng 21%... Những sản phẩm đạt thấp và giảm sút so với cùng kỳ là công nghiệp sản xuất phương tiện vận tải (giảm 37%), nước khoáng (giảm trên 26%), gạch nung các loại (giảm 36%)...

Nguyên nhân dẫn đến giá trị sản xuất công nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra là do một số dự án sản xuất có qui mô lớn dự kiến đi vào sản xuất ổn định và làm tăng giá trị sản xuất của ngành trong năm nhưng bị chậm tiến độ hoặc có kết quả đóng góp không đáng kể như: Nhà máy xi măng Áng Sơn 1, 2 và Nhà máy tuyển cao lanh xuất khẩu Đồng Hới-Quảng Bình.

Ngoài ra, có một số doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm hoặc thị trường bị thu hẹp do sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm từ những nơi khác vào nên sản xuất bị cầm chừng hoặc giảm sút như: hải sản đông lạnh, bia, lắp ráp xe máy, nước khoáng, gạch nung. Với nhiều biện pháp thắt chặt tài chính, kiềm chế lạm phát của Chính phủ nên lãi suất tín dụng cho vay tăng cao liên tục, một số doanh nghiệp phải huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân hàng để sản xuất đã gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả kinh doanh thấp. Vấn đề nữa là giá nguyên vật liệu cho sản xuất luôn biến động và thất thường đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp.

Công ty CP bia Hà Nội-Quảng Bình áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện nhằm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Ảnh: N.T.H
Công ty CP bia Hà Nội-Quảng Bình áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện nhằm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Ảnh: N.T.H

 

Ngoài những nguyên nhân nói trên thì cơ sở hạ tầng đầu tư phục vụ sản xuất công nghiệp triển khai còn chậm; đặc biệt là công tác đầu tư các khu công nghiệp, cụm điểm TTCN đến nay vẫn chưa triển khai hoàn thiện, hoặc đã hoàn thành nhưng chưa phát huy hiệu quả đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức sản xuất và thu hút sự đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tăng nhưng chủ yếu với quy mô nhỏ, công nghệ máy móc thiết bị còn lạc hậu nên giá trị tăng thêm không lớn.

Về công tác quản lý, do một số ngành và địa phương chưa đặc biệt quan tâm đến việc chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình phát triển CN- TTCN và NNNT nên hiệu quả về đào tạo nghề chưa cao, người dân khó duy trì và phát triển thêm một số nghề mới. Việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất còn chậm và chưa đồng bộ; công tác xúc tiến đầu tư đã có sự chuyển biến nhưng hiệu quả vẫn còn thấp đã góp phần làm giảm giá trị sản xuất chung của toàn ngành.

Theo kế hoạch năm 2011, ngành Công thương phải phấn đấu đạt giá trị sản xuất 4.275 tỷ đồng. Như vậy, trong 3 tháng cuối năm toàn ngành phải thực hiện 1.415,3 tỷ đồng nữa mới đạt 100% kế hoạch. Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu và kế hoạch đề ra, ngành Công thương đang triển khai các giải pháp tích cực, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngành sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan và doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, quyết tâm đưa vào vận hành trong quý IV/2011 để tăng giá trị sản xuất toàn ngành.

Về lâu dài, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế HTX và kinh tế tư nhân, ngành tiếp tục khuyến khích và kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước như: Tổng công ty bia Hà Nội, Tổng công ty bia Sài Gòn, Tập đoàn Dệt may Việt Nam tham gia mở rộng thị trường và phát triển sản xuất CN- TTCN trên địa bàn, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hướng tới xuất khẩu.

Về công tác qui hoạch, ngành sẽ phối hợp với các ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu của chương trình phát triển CN-TTCN và NNNT giai đoạn 2011-2015; đồng thời tập trung phối hợp với BQL Dự án Điện lực dầu khí Vũng Áng và các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, cung cấp điện và nước bảo đảm cho nhà đầu tư triển khai các nội dụng của dự án đúng tiến độ.

                                                                                                               N.T.H

,
.
.
.