Nỗi niềm người trồng sắn

Cập nhật lúc 10:39, Thứ Năm, 06/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo bước chân của những người dân mở đất, cây sắn đã leo lên đồi, vào tận các xã vùng sâu cách xa nhà máy hàng chục cây số và giữ vị trí không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của nhiều gia đình, nhiều địa phương vùng gò đồi. Thế nhưng, những ngày này, hàng nghìn bà con nông dân trồng sắn nguyên liệu ở huyện Bố Trạch đang dở khóc, dở mếu vì giá sắn nguyên liệu rớt thảm hại, nhiều vùng đồi trồng sắn vẫn chưa thể thu hoạch. Trong khi đó, mùa mưa lại đang bắt đầu.

* "Được mùa mất giá"

Đi dọc đường Hồ Chí Minh, qua Phú Định, Nông trường Việt Trung là bạt ngàn màu xanh của những vựa sắn đang bước vào vụ thu hoạch. Theo lịch thời vụ, cuối tháng 9/2011, việc thu hoạch vụ này cơ bản hoàn tất, ấy vậy mà trên nhiều ngọn đồi, cây sắn vẫn trơ mình với nắng, mưa. Về xã Phú Định, lác đác trên vài ngọn đồi có nhiều hộ dân đang mải miết thu hoạch sắn. Niềm vui sắn được mùa đã vơi đi quá nửa khi mùa sắn năm nay họ đang phải đối diện với muôn vàn những khó khăn và thách thức. Sắn rớt giá trong khi đó, giá phân bón và công chăm sóc, thu hoạch đua nhau đội giá lên cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Viết Thủ, Phó chủ tịch UBND xã Phú Định (Bố Trạch) cho hay, những năm gần đây, cây sắn giữ vị trí không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của nhiều gia đình và của cả địa phương. Chính vì thế, nghị quyết phát triển kinh tế xã hội của Đảng bộ xã đã xác định cây sắn là cây chủ lực chỉ sau cây cao su. Hiện toàn xã Phú Định có 373 ha đất trồng sắn, trong đó có 50% diện tích đất chuyển đổi từ các loại cây trồng ngắn ngày khác. "Nhận thấy những hiệu quả kinh tế do cây sắn mang lại, năm nay, 85% hộ dân ở Phú Định đều trồng sắn. Người dân tận dụng hết mọi diện tích đất để trồng, năng suất đạt hơn 22 tấn/ha thế nhưng, vụ sắn này lại có khả năng mất giá nhất", ông Lê Văn Thủ cho hay.

 

Người dân Hòa Trạch (Bố Trạch) vội vã thu hoạch sắn
Người dân Hòa Trạch (Bố Trạch) vội vã thu hoạch sắn "chạy mưa". Ảnh: Diệu Hương

Vụ mùa 2010, giá sắn tăng cao đột biến, có khi cao nhất lên đến 2.000 - 2.300 đồng/kg. Do cây sắn dễ trồng, vốn đầu tư thấp và không kén đất, cùng những sức hút về giá trị kinh tế mà cây sắn mang lại, người dân của các vùng gò đồi Bố Trạch như Phú Định, Hòa Trạch, Xuân Trạch, Vạn Trạch... đua nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng sắn. So với niên vụ 2010, diện tích trồng sắn của toàn huyện Bố Trạch tăng lên đáng kể. Chỉ trừ ba xã vùng biển: Hải Trạch, Đức Trạch, Đồng Trạch còn tất cả xã, thị trấn khác của huyện Bố Trạch đều trồng sắn. Thế nhưng, năm nay, giá sắn lại tụt giảm đến 50%, xuống chỉ còn xấp xỉ 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cả các loại phân bón, giống và công thu hoạch loại tăng rất nhiều so với năm trước. Vụ sắn năm 2010, giá phân bón chỉ 1,2 triệu/ha thì năm nay, con số này đã tăng lên 1,5 triệu/ha. Chị Hoàng Thị Vấn, một người dân trồng sắn đã nhiều năm nay tại thôn 9, xã Phú Định chia sẻ: "Chưa có năm mô giá sắn lại sụt giảm như năm ni. Năm trước, với 1,5 ha đất trồng sắn, gia đình tui lãi 30 triệu đồng, năm ni, chỉ mong bán được sắn để bù lại số vốn đã bỏ ra là mừng lắm rồi".

Cùng chung tình trạng trên nhưng những hộ dân trồng sắn ở các xã Xuân Trạch, Hòa Trạch lại vất vả hơn khi phần lớn diện tích đất canh tác sắn đều là đất thuê. Anh Võ Thế Bảy (thôn Cà, Hòa Trạch, Bố Trạch) năm nay trồng gần 5 ha sắn nhưng trong đó, có đến 2 ha là đất thuê từ quỹ đất nông nghiệp xã Phú Định. Anh Bảy cho hay: "Chỉ tính riêng tiền thuê đất đã lên tới 15 triệu, thì với giá sắn rớt như ri, năm ni không biết có đủ hoàn lại vốn liếng bỏ ra hay không." Đây là năm đầu tiên, nhiều hộ dân của xã Xuân Trạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng sắn. Ngoài việc phải chi trả tiền thuê đất, tiền thuê nhân công, tiền phân bón với giá cả tăng cao, nhiều hộ dân trồng sắn xã Xuân Trạch còn phải tốn kém chi phí tiền mua giống, từ 500 ngàn đến 700 ngàn đồng/ha.

Đó là chưa kể đến những trận mưa liên tiếp diễn ra vào đầu tháng 9 vừa qua đã khiến cho gần 30% diện tích đất trồng sắn bị thối củ, lượng tinh bột giảm hẳn. Kéo theo đó giá cả thu mua cũng buộc phải giảm 16% so với bình thường. Đối với bà con trồng sắn nguyên liệu, khó khăn càng chồng chất khó khăn.

* Trăn trở đi tìm đầu ra

Nỗi lo sắn rớt giá không phải chỉ của riêng người nông dân Bố Trạch mà là mà nỗi lo chung của người dân trồng sắn và thu mua sắn trên địa bàn tỉnh ta. Theo ông Nguyễn Tâm Hưng, phó giám đốc Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Sông Dinh thì nguyên nhân dẫn đến sự tụt giảm giá cả, ứ đọng của thị trường sắn nguyên liệu tỉnh ta là do sự biến động của thị trường xuất khẩu tinh bột sắn ở Trung Quốc (nơi nhập khẩu tới 99% số lượng tinh bột sắn của nhà máy), bạn hàng không mở cửa nhập khẩu; nên kéo theo sắn nguyên liệu rớt giá thảm hại so với niên vụ 2010.

 

Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Sông Dinh vẫn thu mua tất cả sắn nguyên liệu. Ảnh: Diệu Hương
Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Sông Dinh vẫn thu mua tất cả sắn nguyên liệu. Ảnh: Diệu Hương

Theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa nhà máy với các tiểu thương thu mua sắn từ đầu năm thì niên vụ 2011 này, nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Sông Dinh sẽ thu mua 45.000 tấn sắn củ, tăng 20 % so với niên vụ 2010. Ông Nguyễn Tâm Hưng khẳng định: "Mặc dù khó khăn về đầu ra cho tinh bột sắn nhưng nhà máy sẽ cố gắng thu mua hết tất cả sắn nguyên liệu của người dân, tránh tình trạng người dân không bán được sắn". Ông phó giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Sông Dinh cũng cho hay: thông qua các kênh thông tin và các mối quan hệ làm ăn, hiện nhà máy đang nỗ lực để tìm kiếm các bạn hàng mới, dần khắc phục những khó khăn về đầu ra cho tinh bột sắn.

Theo số liệu từ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, hiện toàn huyện có 3.000 hecta trồng sắn nguyên liệu, tập trung chủ yếu ở các xã như Phú Định, Nam Trạch, Hòa Trạch, Tây Trạch... Trước tình hình giá sắn giảm sút như hiện nay, UBND huyện, phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bố Trạch cùng chính quyền các xã đã và đang nỗ lực tháo gỡ bài toán đầu ra cho cây sắn nguyên liệu.

Tuy nhiên, câu chuyện sắn rớt giá năm nay lại thêm một dịp suy ngẫm về vấn đề phát triển vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Rõ ràng, nếu để cho người nông dân chạy theo lợi nhuận trước mắt, phát triển cây nguyên liệu ồ ạt không theo quy hoạch thì hậu quả này sẽ còn lặp lại với những cây trồng khác.

                                                                                                      Diệu Hương

 

 

 

 

 

,
.
.
.