Quảng Ninh:

Mất mùa vì lúa nảy mầm...

Cập nhật lúc 09:45, Thứ Sáu, 30/09/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Con đường liên thôn chạy qua Hiển Lộc (xã Duy Ninh-Quảng Ninh) nằm sát cánh đồng làng đầy rơm rạ. Trời vẫn mưa, mấy bà con nhà anh Nguyễn Viết Tâm dầm trong nước kéo chiếc ‘thuyền” tự tạo chở lúa vô bờ. Suốt cả tuần mưa dầm, cả cánh đồng ngập trong nước. bà con phải mua bạt về kéo ra ruộng, buộc túm bốn góc rồi cho lúa vào đó. Tấm bạt buộc túm góc trở thành như chiếc đò chứa lúa kéo đi trên mặt nước. Xóc bó lúa trên tay, nước chảy ròng ròng xuống, anh Tâm nói như hụt hơi: “Khổ thiệt, làm nghề nông thấy lúa bị ngập thì không cầm lòng. Phải đội mưa mà gặt chạy lũ thôi”.

Ở khoảng ruộng cách đó không xa, sát tuyến mương lớn, nhà chị Nguyễn Thị Bông cũng đang hì hục “lặn” nước ngập để gặt lúa. Vì nước ngập sâu nên chị Bông gần như dầm mình dưới nước mà gặt. Không có đò, thành ra cứ gặt được nắm lúa nào lại đưa cho chồng. Anh Lai (chồng chị) đứng dầm trong nước sát vợ để ôm lúa. Lâu lâu, khi lúa nặng tay, anh lại bì bỏm lội xếp bó lúa lên bờ. “Tiếc của nên làm vậy chứ cả buổi sáng cũng chỉ gặt được nữa khoảnh ruộng thôi. Nếu bình thường thì chỉ khoảng hơn giờ đồng hồ là xong miếng này.”-anh Lợi vuốt nước mưa trên mặt kể lể.

Theo ông Lê Văn Thuyết- Chủ tịch UBND xã Duy Ninh (Quảng Ninh) cho hay: “Năm nay nhờ có nước tưới của hồ chứa Rào Đá nên bà con tăng diện tích lên 150 ha lúa hè thu, đưa tổng diện tích lên 350 ha. Năng suất lúa được đánh giá được mùa nhất trong những năm gần đây. Tuy nhiên, mưa gây ngập đã làm khó, làm cực cho người nông dân. Tính đến nay, cả xã có gần 100 tấn thóc đã bị nảy mầm. bà con chỉ biết kêu trời chứ cũng không thể làm gì được hơn..”. Hiện cả xã còn khoảng 50 ha lúa bị ngâm nước. Bà con động viên nhau cố gặt lấy được cái gì hay cái đó.

Nhà bà Lê Thị Liến ở giữa xóm. Trong nhà như trở thành kho thóc. Chỉ trừ trên giường ngủ là không thể. Mùi chua đã bắt đầu bốc lên. Dù dã huy động hết cả 4 chiếc quạt chạy hết công suất suốt đêm ngày quạt thóc, nhưng xem ra cũng chẳng ăn thua gì. Bà Liến ngồi đảo thóc, lâu lâu lại thừ người tiếc nuối: “Nhà làm hơn mẫu ruộng, được gần 3 tấn thóc. Gặt cả tuần ni không phơi được vì mưa. Phải mua tấm bạt hết gần 500 ngàn đồng để cho sân làm chổ phơi lúa. Nếu kéo dài thêm độ 3 ngày nữa thì số thóc ni cũng sẽ nảy mầm lên tất cả. Vạt lúa gặt sớm hơn được gần 30 thúng lúa bị lên mầm, thối chua phải đổ bỏ đi rồi...”.

Bà Nguyễn Thị Liến: “Mưa thêm ba hôm nữa là lúa nảy mầm hết thôi”. Ảnh: H.Hà
Bà Nguyễn Thị Liến: “Mưa thêm ba hôm nữa là lúa nảy mầm hết thôi”. Ảnh: H.Hà

Hôm trước hay tin bão số 4 sắp đổ bộ, bà Nguyễn Thị Trang (thôn Hiển Vinh- Duy Ninh) đội mưa tất tả chạy  sang nhờ anh Lâm hàng xóm chạy xe lên phố huyện mua giùm mấy chục cái bao tải. Vụ mùa gặt được trên 200 thúng lúa (khoảng 2,5 tấn) cũng đang trong tình trạng bị ẩm không phơi được. Bà Trang cho hay: “Cả nhà mừng vì lúa được mùa. Gặt vô nhìn hạt thóc vàng mà sướng. Ai dè hôm gặt xong là mưa tới tận chừ. Không phơi được rồi nó cũng lên mầm mà thôi”. Thần người một lúc, bà lại sốt ruột ngóng trời rồi bốc một nắm lúa đưa lên săm soi. Những hạt thóc tròn mẩy đã có hiện tượng nứt nanh để mọc mầm. “Coi như mất mùa trắng rồi. Thóc ni vài bữa nữa có phơi được thì cũng chỉ cho chăn nuôi chứ biết làm gì hơn”- bà Trang nói nặng nhọc.

 Nhà anh Lê Văn Thanh cũng ở trong thôn Hiển Vinh. Trong nhà lúa đổ dày hơn gang tay. Mùi mốc ẩm đã bắt đầu nặng lên. Dù hạt lúa chỉ mới ráo khô ngoài vỏ nhưng hai vợ chồng phải xúc đổ vào bao tải dựng lên ở góc nhà để lấy chỗ dàn tiếp phần thóc dưới gầm giường ra phơi. Ngoài sân, được che bằng tấm bạt hai màu gió thổi phần phật. Có che chắn đến mấy thì số thóc để ngoài sân vẫn bị mưa làm ướt. Vừa xúc lúa, anh vừa kể: “Nhà làm được gần 2 mẫu ruộng. Gặt gần hết tuốt được gần 4 tấn thóc. Như năm ngoái thì phơi độ 3 ngày là cất lúa vô sập. Nay thì chịu chết. Đã khổ còn tốn kém, nhà nào cũng chi ra năm bảy trăm nghìn đồng để mua tấm bạt che lấy sân làm chỗ phơi lúa chứ không thể chứa hết trong nhà. Bị ẩm, mất nắng phơi như vậy thì lúa nhà tôi có bán cũng chỉ có giá họ mua cho chăn nuôi vịt mà thôi. Coi như mất giá phân nửa rồi”.

Chuyện lúa gặt về nhà không phơi được bị ẩm và có hiện tượng lên mầm không chỉ xảy ra ở xã Duy Ninh mà gần như tất cả các địa phương trong huyện Quảng Ninh đều bị ảnh hưởng như vậy. 

Sáng 28-9, trời hửng nắng. Nhà nhà tập trung nhân lực đưa lúa ra phơi tranh thủ trong ngày nắng hiếm hoi suốt thời gian qua. Mọi con đường, ngõ xóm, trục đường bê tông đều chung cảnh người người quét dọn lấy chổ phơi thóc. Gia đình anh Thành đã dọn lại sân nhà từ sớm và đưa thóc ra sân phơi. “Cầu trời cho thêm ngày mai có nắng nữa thì hạt lúa cũng tạm đỡ lo. Nhưng kiểu nắng mưa thất thường sau bão lũ thì bà con cũng lo lắm”- anh Thanh bộc bạch nói.
                                                       

                                                                                                          H.Hà
 

,
.
.
.