Làm giàu từ nghề nuôi ong lấy mật

Cập nhật lúc 10:46, Thứ Hai, 03/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Nuôi ong lấy mật vốn là nghề truyền thống có từ lâu  đời của người dân xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa. Với lợi thế về nguồn thức ăn từ hoa rừng, nghề nuôi ong lấy mật đã phát triển rất nhanh chóng, trở thành mặt hàng có giá trị kinh tế cao, đưa lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình trong xã.

Kiểm tra cầu ong. Ảnh: Thanh Hoa.
Kiểm tra cầu ong. Ảnh: Thanh Hoa.
Hương Hóa là xã miền núi của huyện Tuyên Hóa. Là nơi có điều kiện phát triển nghề nuôi ong rất tốt vì có thể tận dụng được môi trường thiên nhiên với nguồn thức ăn phong phú cho đàn ong. Hiện nay, toàn xã có 350 đàn, mỗi năm cho sản lượng 2750 lít mật ong đem lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình trong xã.

Thời gian trước, nhiều hộ gia đình cũng có nuôi nhưng manh mún, chưa phát huy được tiềm năng mà quê hương đang có. Năm 1998, Dự án An toàn lương thực mở lớp tập huấn nuôi ong cho một số người dân. Từ đó, nhiều người đã mạnh dạn nuôi ong, đến nay toàn xã có 80 hộ nuôi ong lấy mật. Người có nhiều kinh nghiệm cũng như số đàn ong lớn nhất xã đó là anh Võ Văn Mạnh thôn Tân Đức 1.

Anh được đi học lớp kỹ thuật nuôi ong năm 1998, hiện nay anh là giảng viên nuôi ong của huyện Tuyên Hóa. Đàn ong của anh có khi lên đến hàng trăm đàn. Mỗi năm anh xuất bán gần 50 đàn ong giống cho người nuôi ong trong huyện, thu về hàng chục triệu đồng. Năm nay, do mưa rét kéo dài nên lượng mật có giảm hơn những năm trước,  nhưng gia đình anh cũng lấy được 400 lít mật, thu về khoảng 50 triệu đồng.  Anh Mạnh cho biết: Nghề nuôi ong  có nhiều ưu điểm, nhất là tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ từ thiên nhiên nên hạn chế tối đa chi phí đầu tư.

Ở xã Hương Hóa không riêng gì anh Mạnh mà còn có nhiều hộ gia đình khác số lượng đàn ong lấy mật cũng khá lớn như anh Ngô Văn Minh có 20 đàn, Đỗ Văn Sinh 20 đàn và ông Đinh Văn Bính có 15 đàn… Đặc biệt, có ông Đinh Văn Đàn (thôn Tân Đức 1) là một người tàn tật nhưng ông đã học hỏi kỹ thuật nuôi ong của những người đi trước nên ngày nay ông đã có 15 đàn ong lấy mật, mỗi năm thu về hàng chục triệu đồng.

Ông Cao Phương Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2009, nguồn vốn chương trình 135 đã hỗ trợ 110 đàn ong giống về cho thôn Tân Đức 4. Trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục hỗ trợ 110 đàn ong cho thôn Tân Sơn, giúp bà con vươn lên làm giàu.

                                                                                                   Thanh Hoa
 

,
.
.
.