Tập trung bảo vệ và tôn tạo các vùng bờ sông, ven hồ

Cập nhật lúc 14:59, Thứ Tư, 05/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Tỉnh ta đang thực hiện quy hoạch đô thị đã duyệt, đồng thời đang lập quy hoạch bổ sung thành phố Đồng Hới, Ba Đồn và một số vùng khác. Trong các quy hoạch đó các khu vực bờ sông, ven hồ là rất quan trọng.

Thực tế hàng ngày, hàng giờ các vùng này đang bị xâm lấn với nhiều nguyên nhân làm chúng ta trăn trở. Ví như một chủ hồ tôm ven sông Nhật Lệ cạnh quốc lộ 1A đang đổ bê tông cốt thép xây nhà ở đất tạm giao, chỉ được  làm lán giữ hồ; hoặc như hồ Đồng Sơn đang bị nhiều người đổ đất đắp cao lấn mặt nước để làm nơi chôn cất mồ mả...

Trong một  xã, một tỉnh, một quốc gia nói chung, nơi nào có nhiều cảnh quan sông, hồ thì thật quý giá. Hà Nội đang cải tạo và mở rộng tất cả các hồ hiện có; thành phố Hồ Chí Minh thiệt thòi vì có ít hồ, phải bỏ ra nhiều kinh phí để cải tạo sông Nhiêu Lộc-Thị Nghè và nhiều kênh rạch khác; thành phố mới Bình Dương phải đào dòng sông mới và kiến tạo hồ... Kinh phí cho việc giải phóng mặt bằng trong các dự án đó là rất lớn, bao nhiêu hệ lụy khác cũng theo đó xẩy ra. Nhưng đắt mấy rồi cũng phải làm, có điều càng có quy hoạch đúng, tổ chức thực hiện quy hoạch sớm và kiên quyết thì ít tốn kém và đỡ khó khăn.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Qúy)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Qúy)

Trong thời gian thực hiên dự án cải cách hành chính, sau đó là dự án phát triển đô thị Đồng Hới do Hà Lan và Thụy sĩ tài trợ, nhiều cán bộ lãnh đạo của tỉnh đã được đi tham quan thành phố có hồ Duy-rích ở Thụy Sĩ, đã đến vùng ven sông Volga ở Nga,  vùng ven sông Hoàng Phố ở Thượng Hải,... Những nơi đó, các dòng sông và dải đất ven sông, ven hồ đều là những vườn hoa, những tuyến đường thơ mộng, hoặc cánh đồng trồng rau, trồng hoa đẹp như tranh, không ai xây nhà và công sở ở ven sông, ven hồ.

Ở tỉnh ta, trong thời kỳ Luật Đất đai chưa thực thi, xã, ban quản lý hợp tác xã, tiếp đến là huyện, thị xã có quyền giao đất, công tác quy hoạch chưa được coi trọng nên đã để xẩy ra những điều đáng tiếc. Ở Đồng Hới, đất ven sông Nhật Lệ được cấp cho dân từ sát cầu Quán Hàu về đến sát cầu Dài. Hồ Trạm được lấp đất để làm thêm vài dãy phố... Ở các huyện khác, ven sông Kiến giang, sông Lý Hòa, sông Kênh Kịa, hói Rào Sau...  đều có những dãy nhà ở sát cầu, sát mặt nước sông, nhà xây kiên cố ở trên các triền đê chống lũ lụt .

Nhiều năm vừa qua chúng ta đã ra sức sửa sai, có khi phải đối đầu với sự phản ứng kịch liệt của nhiều người có lợi ích cục bộ, để thu hồi các quyết định không đúng, trả lại mặt bằng, trả lại tầm nhìn cho cảnh quan; một số bờ sông, bờ hồ được nạo vét, tôn tạo đẹp. Nhưng thực tế vẫn có nhiều tồn tại, có khi là bất khả thi vì kinh phí đền bù quá nhiều, có khi là do sự chây ỳ của một số người dân và sự dung túng của lãnh đạo địa phương đó.

Có thể nói rằng, từ bắc vào nam ít có tỉnh nào du khách được đi qua nhiều cửa sông và vùng ven biển như Quảng Bình. Với cái nắng chói chang và gió tây nam thổi rát mặt của miền Trung dài dằng dặc, trên hành trình, được phóng tầm mắt ra các dòng sông, các đồi cát trắng phủ phi lao xanh ngắt, được nhìn thấy cầu và cửa sông Nhật Lệ, cầu và cửa sông Lý Hòa, cầu và cửa sông Gianh, sông Ròn... là thấy trong người nhẹ nhõm và để lại nhiều ấn tượng; nhưng cần phải là những dòng sông và vùng ven sông sạch sẽ, thoáng đãng.

Thiết nghĩ, song song với các tuyến đường ven biển đang được xây dựng, việc bảo vệ và tôn tạo các dải đất ven sông, ven hồ, ven biển phải được các cấp lãnh đạo địa phương giải quyết trong điều chỉnh, thực hiện quy hoạch, trong quản lý xây dựng. Có những hồ, đoạn sông trước đây nhiệm vụ chứa nước thủy lợi là chính, bây giờ ở đó có một trung tâm dân cư, có khi là một thị xã, thị trấn sắp hình thành thì phải được sớm đưa vào quy hoạch, giải phóng mặt bằng, nạo vét, xây bờ kè và tạo cảnh quan.

Với địa hình đồng bằng ven biển, trung du, miền núi, với thế mạnh du lịch như tỉnh ta và nhu cầu của cuộc sống, chúng ta tin rằng: đến một lúc nào đó, làng, xã, địa phương nào cũng sẽ có cây đa bến nước, lùm cây và vườn hoa ven hồ, tạo nên nhiều cảnh quan tươi đẹp.

                                                                                           Phạm Phước

,
.
.
.