.

Ông chủ đàn lợn rừng

.
14:56, Thứ Tư, 05/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Cách đây 7 năm, người dân thôn Phúc Kiều (Quảng Tùng, Quảng Trạch) biết đến gia đình anh Bùi Quang Hướng như là gia đình thuộc diện nghèo nhất nhì của thôn. Nhưng bây giờ, anh được người dân ở đây biết đến là ông chủ của đàn lợn rừng, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.   

Vợ chồng anh có 4 người con, do thiếu việc làm nên 2 người con lớn phải đi làm ăn xa. Trước năm 2004, cuộc sống gia đình anh bữa no, bữa đói chỉ trông chờ vào thu nhập của 2 sào ruộng lúa. Ngoài thời gian làm ruộng, vợ chồng anh chỉ làm những việc phụ và chăn nuôi lợn, gia cầm theo quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không đáng kể. Cố gắng lắm may ra cũng chỉ đủ ăn.

Vật lộn với cuộc sống ở quê nhà sau bao năm vất vả mà vẫn không thể thoát khỏi cái nghèo, anh Hướng đã để lại gia đình và "Nam tiến". Nhưng cái nghèo vẫn đeo bám lấy anh không sao thoát ra được. Trở lại quê hương, sau nhiều tháng tìm hiểu ở một số địa phương và nhận thấy mô hình nuôi lợn rừng rất phù hợp với đồng đất đồi núi của gia đình, lại dễ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và mua được 3 con lợn rừng, giống ở Gia Lai về nuôi với giá mỗi con là 5 triệu đồng.

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Hướng cho biết "Trước khi đưa lợn rừng về tôi đã đi học hỏi kinh nghiệm thực tế ở rất nhiều nơi. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài" tôi hy vọng gia đình tôi có thể đổi đời nhờ loài lợn này".

Lợn rừng được nuôi theo phương thức bán chăn thả, vì thế chi phí tiền ăn ít hơn so với việc nuôi lợn nhà. Lợn rừng chủ yếu ăn các thức ăn gần gũi với tự nhiên như: rau, cỏ, sắn, khoai. Ngoài ra, người nuôi còn phải bổ sung thêm một ít tinh bột như cám gạo, bột sắn. Đặc biệt quan trọng đối với nuôi lợn rừng là hệ thống chuồng trại phải thông thoáng, gần gũi với tự nhiên. Điều kiện này thuận lợi đối với gia đình anh, bởi ngoài diện tích căn nhà anh đang sống còn có khoảng 2.500 m2 đồng đất là đồi núi. Để lợn rừng có điều kiện phát triển tốt, anh Hướng đã đưa toàn bộ lợn rừng vào rẫy và sử dụng lưới sắt để vây thành một khu có bóng cây râm mát, anh tích cực trồng các loại cây để có chốn cho lợn trú, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của lợn. Lợn rừng khi đẻ cũng rất tự nhiên, nó tự tha rác về làm ổ và tự đẻ, mỗi lứa trung bình đẻ từ 5 -7 con, Sau khi nuôi khoảng 5-6 tháng, trọng lượng trung bình đạt từ 12-15kg/con có thể cho xuất bán thương phẩm.

Tính theo giá thị trường, 1kg lợn rừng gia đình anh bán được với giá 250 ngàn đồng. Chỉ riêng năm 2010, gia đình anh thu được 220 triệu đồng. Nếu trừ chi phí đầu tư thì lợi nhuận đạt được là 170 triệu đồng. Theo anh Hướng, nuôi lợn rừng là mô hình xoá đói giảm nghèo hiệu quả bởi đầu ra dễ tìm, giá cả cao, lợn rừng rất dễ nuôi, ít bệnh, chủ yếu ăn rau, cỏ nên tiết kiệm được chi phí gấp 4 lần so với việc nuôi lợn nhà.

Nguồn lợi kinh tế từ lợn rừng đem lại đã giúp gia đình anh trả hết được nợ vay, đời sống kinh tế được cải thiện đáng kể, thoát khỏi hộ nghèo và trở thành một hộ có kinh tế khá giả trong thôn với thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

                                                                                      Bích Liên

,