.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014):

Làng "đỏ"

Chủ Nhật, 21/12/2014, 12:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Làng Long Đại (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) nằm cạnh dòng Đại Giang. Ngày xưa bộ đội hành quân qua phà Long Đại bom đạn ngút trời, trìu mến, tự hào gọi làng là làng “đỏ”. Dân trong làng kiên cường bám đất, bám phà cho tuyến chi viện sức người, sức của vào chiến trường miền Nam luôn thông suốt.

 

O Phan Thị Thuật hồi tưởng về một thời oanh liệt của làng “đỏ” Long Đại.
O Phan Thị Thuật hồi tưởng về một thời oanh liệt của làng “đỏ” Long Đại.

Chúng tôi về làng Long Đại vào một ngày đông, gió lạnh đầu mùa kèm theo những cơn mưa kéo dài rét mướt. Dòng Đại Giang còn đó, bến phà cũ vẫn đây, nhưng những con người quả cảm xưa nhiều người đã hoài cổ. Chợt ấm lòng khi may mắn gặp được o Phan Thị Thuật, Trung đội trưởng Trung đội dân quân xã Hiền Ninh một thời oanh liệt trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng nép mình bên sông. Ký ức của làng “đỏ” Long Đại một thời khói lửa được tái hiện qua lời kể của nữ trung đội trưởng dân quân bây giờ tóc đã pha sương.

Bến phà Long Đại nằm ở ngã ba sông Long Đại và Kiến Giang đổ ra sông Nhật Lệ. Từ mùa khô 1967-1968, Đại đội 16 anh hùng thuộc Binh trạm 16 ngày đêm bám trụ kiên cường để thông phà cho xe qua.

Nhận rõ đây là một trong những điểm chiến lược vô cùng quan trọng trên con đường chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam, đế quốc Mỹ đã đánh phá rất ác liệt vùng này, cái tên phà Long Đại được bộ đội và thanh niên xung phong (TNXP) gọi chệch đi thành phà "Long Đầu".

Bom đạn giặc Mỹ làm rung chuyển rừng núi, cày xới đất đai và lòng sông, thế nhưng phà và người giữ phà vẫn đứng vững ở vị trí của mình bảo đảm cho xe qua, đưa hàng ra chiến trường.

Để bảo vệ bến phà Long Đại, ngoài C16 còn có Tiểu đoàn 6 cao xạ, lực lượng dân quân tự vệ Xuân Ninh, Hiền Ninh, Long Đại, Bệnh viện huyện Lệ Ninh cùng tham gia cứu thương, điều trị cho thương bệnh binh phần lớn là bộ đội, TNXP ở khu vực này.

Vào ngày 16-6-1972, tại thôn Long Đại, 15 TNXP quê Nghệ An đang làm lễ chào cờ trước lúc ra trận địa để thông đường cho xe qua thì trúng bom của máy bay Mỹ, 15 TNXP hy sinh khi tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi. Tiếp bước chân họ là lực lượng TNXP quê ở Thái Bình từ đường 16 ra, nhưng ba tháng sau, một loạt bom khác rơi trúng hầm trú ẩn làm 16 chàng trai, cô gái C130 TNXP ngã xuống.

O Phan Thị Thuật nói rằng, dân quân là lực lượng nòng cốt của địa phương, thanh niên nam nữ tuổi từ 16 đều tham gia sẵn sàng chiến đấu và luôn khắc ghi câu “Việc gì khó có thanh niên”. Nhiệm vụ của trung đội dân quân là phối hợp mật thiết với bộ đội và TNXP trực tiếp chiến đấu đánh trả kẻ thù và bảo vệ phà Long Đại. Nói ngắn gọn vậy chứ dân quân có thể làm bất cứ việc gì cần kíp lúc đó: vận chuyển đạn dược, lương thực, cứu xe, cứu thương binh, lấp hố bom, đào công sư...

Ánh mắt hướng ra bờ sông, o Thuật lật giở những ký ức, o nhớ như in bao lần chỉ huy trung đội chèo thuyền đưa bộ đội vượt sông, bao lần tải thương cứu người cứu phà bị giặc bắn chìm, bắn cháy. O nhớ một lần... phà trúng bom bị chìm, đơn vị bộ đội quân số ít, không thể kham nổi. Đang gánh lúa ngoài đồng ruộng, nhận lệnh điều động, o Thuật trực tiếp chỉ huy trung đội đi cứu phà. Dù súng đạn luôn mang theo bên mình, nhưng tất cả dân quân xã đều vác thêm dụng cụ, ai có gì mang theo nấy, trong đó có người vác cả cột nhà. Tất cả hối hả cùng với bộ đội kéo phà lên bờ, nhưng khi hạ thủy và đưa phà đi cất giấu thì lại bị máy bay Mỹ đánh bom...

Những trận đánh ác liệt diễn ra trên sông ấy không thể lường hết được thiệt hại, và có những đồng đội nằm mãi dưới đáy sông, là nỗi đau thương khôn nguôi. Nhưng điều đó càng tiếp thêm sức mạnh để những người còn sống, phối hợp chiến đấu hết mình bảo vệ Tổ quốc, quê hương. “Máu người dân, máu bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, dân quân thắm đỏ từng tấc đất làng Long Đại, để mãi mãi bây giờ làng “đỏ” vẫn còn lưu danh”- o Thuật chia sẻ.

Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn-Long Đại
Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn-Long Đại.

Người nữ trung đội trưởng dân quân năm xưa giờ thành người hiếm hoi để chúng tôi có thể tìm gặp. Mừng là o cùng với người bạn đời, ông Nguyễn Văn Đá (sinh năm 1940), cựu chiến binh trở về từ chiến trường B5 sinh hạ được 4 người con khỏe mạnh và nay họ đều có gia đình riêng ổn định. Hai ông bà sống vui vầy với con cháu, cùng chứng kiến quê nhà ngày một đổi thay.

Long Đại, sau những năm tháng ác liệt nhất, người ta ví đây như một vùng cháy khi đứng trên đường 15 nhìn về, hay như một vùng “tử địa”, “tọa độ lửa” giữa lớp lớp đạn bom... Gắn bó với gần 2 nhiệm kỳ trưởng thôn, ông Trần Hữu Đền cho biết: toàn thôn có 555 hộ, 2.252 khẩu thì trong đó trên 80% gia đình có công với cách mạng. Cuộc sống bà con phần lớn dựa vào sản xuất nông nghiệp, thấm đẫm bao vất vả khi diện tích đất sản xuất trên 170ha nhưng làm được lúa một vụ đông- xuân chỉ với 97ha.

Long Đại hôm nay đã mướt tràn màu xanh sức sống. Nơi có truyền thống anh dũng trong chiến tranh vệ quốc, nay thế hệ tiếp nối lại cần cù chịu khó trong lao động. Kể từ khi có chủ trương chuyển đổi cây trồng, các loại rau màu đã mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con trong thôn. Hiện, thôn có diện tích vườn màu 20ha, chuyên canh màu 5 ha trồng các loại mướp đắng và dưa đỏ... cho thu nhập gần 120 triệu đồng/ha, gấp 5 lần so với trồng lúa. Từ đó góp phần nâng cao mức sống cho nhân dân. Đến nay, Long Đại giảm nghèo cơ bản, năm 2013, toàn thôn có 12,5% hộ nghèo, thì nay giảm xuống còn 8,6%.

Cuộc sống bình yên như dòng sông yên bình trôi ngang trước mặt làng. Sông cuốn đi đau thương một thời lửa đạn, giữ cho làng truyền thống kiên trung, bất khuất, ngoan cường. Người làng “đỏ” Long Đại tự hào về vùng đất của mình và nguyện một lòng đoàn kết dựng xây làng no ấm, hạnh phúc hơn trên con đường đổi mới.                                                                                  

Hương Trà