.
Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014):

Thăm người chỉ huy Thành cổ Quảng Trị

Thứ Bảy, 13/12/2014, 20:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi thấy ông lần đầu vào cuối năm 1971 nơi địa bàn huấn luyện của Sư đoàn bộ binh 325 tại Bắc Giang. Đơn vị gồm một trăm phần trăm là lính sinh viên và cán bộ giảng dạy đại học. Hơn ba mươi phó tiến sĩ. Có vị mới bảo vệ luận án ở nước ngoài về, trắng trẻo phốp pháp, quân hàm binh nhì mà nhác trông như ông tướng. Đây là đối tượng “khó gặm”.

Sinh viên đã có ít nhiều chữ nghĩa, thói quen tự do phóng túng, nhiều người là con ông cháu cha, thật khó khép vào kỷ luật quân đội. Huấn luyện! Thao trường, dù vất vả thân xác nhưng còn dễ chịu. Học chính trị mới thật khó khăn. Nhiều sĩ quan truyền đạt không hấp dẫn bị tân binh phản ứng. Hôm ấy, tập trung cả tiểu đoàn, nghe nói chính ủy trung đoàn trực tiếp lên lớp. Hơn năm trăm lính tập trung chờ đợi vị chỉ huy cao nhất của trung đoàn, chắc phải là một sĩ quan cao lớn, phong độ, quân phục chỉnh tề oai nghiêm...

Có vẻ như tân binh khá thất vọng khi thấy một thiếu tá nhỏ con, diện quân phục bạc màu, đeo xà cột, gương mặt hiền lành bước lên diễn đàn, báo hiệu một buổi học mà người giảng cứ giảng, người nghe cứ... nói chuyện riêng. Đã nhiều năm trôi qua, tôi không còn nhớ vị chính ủy đã bắt đầu bài giảng như thế nào. Chỉ biết chừng vài phút sau, lớp học bỗng trở nên yên lặng. Giọng diễn giả đặc chất miền trung mà thực sự hấp dẫn.

Chính ủy Hoàng Thiện trước khi vào chiến trường.
Chính ủy Hoàng Thiện trước khi vào chiến trường.

Nhìn kỹ, tôi bỗng cảm thấy, hình như lực cuốn hút của ông không chỉ ở thông tin truyền đạt và giọng nói có thần khí như chuông mà còn ở gương mặt thân thiện, khẩu hình tươi tắn, cả người ông đều toát lên vẻ sinh động lạ thường.

Ông nói, những thông tin khá thẳng thắn và táo bạo về thế cuộc, về cân bằng lực lượng giữa ta và địch. Ông cũng không ngại ngần mổ xẻ triết lý “trai thời loạn”, nghĩa vụ của thanh niên thời đại, phân tích và bác bỏ luồng tư tưởng sai lệch về cái gọi là “miền Bắc quân sự hóa học đường gọi trí thức ra trận”...

Ông càng nói càng hăng, lính càng nghe càng khoái, thỉnh thoảng rộ lên tiếng cười tán thưởng. Quá giờ lúc nào không hay. Đến lúc chỉ huy tiểu đoàn nhắc, ông mới dừng lại trong tiếng vỗ tay vang dội của hơn năm trăm tân binh...

Nghe nói, ông quê Quảng Bình, nhưng khoảng cách quá xa giữa quan và lính, thời gian ít ỏi nên chúng tôi cũng không tiếp cận, chỉ biết ông là Hoàng Thiện, Chính ủy Trung đoàn 95- đơn vị sau này làm nên lịch sử hùng tráng 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị năm1972.

Tuổi Kỷ Tỵ, chào đời năm 1929 tại xã Quảng Hòa, Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), Hoàng Thiện có một tuổi thơ gian khổ nhưng không kém phần thú vị. Hai cụ thân sinh sống với nhau được ba mặt con thì cụ ông sang Thái Lan tìm nghề kiếm sống. Cụ bà nuôi chị em ông. Trong vùng có trường tiểu học.

Cậu bé Thiện theo được một năm thì bỏ, đi phụ việc và tự học. Năm sau lại xin vào học nhảy lớp. Tốt nghiệp (praime) gặp lúc Tây tới (1947) ông được nhận vào làm liên lạc cho đơn vị đồng chí Nguyễn Hòa (sau này là trung tướng, chuyên gia quân sự tại nước bạn Lào).

Trong kháng chiến chống Pháp, ông liên tục chiến đấu trong các đơn vị của Sư đoàn 325- Sư đoàn con đẻ của Bình Trị Thiên, trưởng thành từ liên lạc lên chính trị viên đại đội. Năm 1953, ông theo đơn vị hành quân chiến đấu tại mặt trận Lào. Năm 1954, miền Bắc hòa bình, ông về nước huấn luyện tại Trung đoàn 101. Năm 1960 là đại úy Trưởng ban quân lực Sư đoàn 325, được cử đi học chính trị.

Sau đó được điều động lên Hà Bắc rồi đi B (bê) vào khu Năm thành lập Sư đoàn 2, lại trở ra bắc thành lập Sư 308 B dự bị cho 308A đang chiến đấu ở Khe Sanh. Tháng 9 năm 1971, về Hà Nội tuyển hơn ba nghìn lính sinh viên thành lập Sư 325B do thượng tá Lê Kích làm sư trưởng. Chính là những ngày tháng huấn luyện tân binh vừa kể trên đây...

Sau ba tháng, một số tân binh được điều đi huấn luyện thêm ở các binh chủng kỹ thuật. Tôi rời Trung đoàn 95 mang theo hình ảnh một vị Chính ủy người Quảng Bình, dáng nhỏ con, rất nhanh nhẹn sinh động và hết sức hấp dẫn. Sau chiến tranh, cựu chiến binh-sinh viên các trường trở về học tiếp, trong các buổi gặp gỡ thường kể về ông với tình cảm ngưỡng mộ.

Cũng hơn bốn mươi năm qua, chiến trường Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử như một trang sáng chói của tinh thần chiến đấu và hy sinh của Quân đội nhân dân. Những năm gần đây, vào mùa hè, đồng đội cũ ở Trung đoàn 95 từ các tỉnh phía Bắc trên đường vào thăm chiến trường Thành cổ thường ghé thăm tôi rồi vòng lên Cộn “thăm thủ trưởng”. Trong thời gian quân ngũ, mỗi chúng tôi được thuyên chuyển nhiều đơn vị nên tôi cũng không để ý đến “thủ trưởng riêng” của các bạn.

Cuốn sách “Quảng Trị- lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước” trang 213 viết: “Các chiến sĩ Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325 chủ lực mới được bộ điều động vào tăng cường) cùng với lực lượng vũ trang tỉnh chốt giữ Thành cổ kiên cường suốt 81 ngày đêm, chịu đựng một khối lượng bom đạn khổng lồ chưa từng thấy trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Có ngày địch trút vào mảnh đất nhỏ hẹp này 13.000 đạn pháo, hàng ngàn tấn bom...”

Tôi cũng không ngờ người “thủ trưởng riêng’ của các bạn lính lại là thủ trưởng chung, là Chính ủy Trung đoàn 95 thời ấy, về nghỉ hưu ở thị trấn Đồng Sơn với quân hàm đại tá. Một ngày đầu tháng 12, tiến tới kỷ niệm 70 năm thành lập quân đội, tôi tìm đến nhà riêng thăm ông-vị chính ủy trung đoàn rất ấn tượng mà tôi chỉ mới một lần được nghe lên lớp cách nay đã 43 năm.

Ngoằn ngoèo qua bao ngõ nhỏ, tìm tới được một ngôi nhà cấp bốn, gọi rất lâu mới có người lần bước ra mở cổng. Ôi, chính ủy đây ư!? Chiến tranh và thời gian đã biến vị chỉ huy trung đoàn nhanh nhẹn và hết sức sinh động thành một cụ già chậm chạp và... Nhưng rất may là chính ủy còn rất tỉnh táo, thậm chí khi câu chuyện đã vào đà, ông còn hăng lên như thời trai trẻ...

...Giữa tháng năm, trung đoàn tập kết ở Ái Tử, lần lượt từng tiểu đoàn tham chiến trong Thành cổ. Sách đã dẫn trang 207 viết: “Bộ tư lệnh chủ trương ngừng tiến công để chuẩn bị đối phó với địch phản kích. Nhưng đã muộn, sáng ngày 28-6-1972 cuộc hành quân “Lam sơn 72”- cuộc phản công lớn của quân ngụy đã bắt đầu... ” Ngày 20-7, Chính ủy Trung đoàn 95 Hoàng Thiện được bổ nhiệm làm chính ủy, trưởng ban cán sự các lực lượng chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị.

Đại tá kể: “Chỉ sau 10 ngày nhận nhiệm vụ, mình đã nắm được toàn bộ tình thế khó khăn đến mức tuyệt vọng của các đơn vị và đã ba lần báo cáo lên cấp trên. Tuy nhiên, nhiệm vụ chốt giữ thì vẫn thi hành với hiệu quả cao nhất”. Sách đã dẫn trang 212 viết; “Trong suốt tháng 8 năm 1972, lính thủy quân lục chiến thay quân dù, ba lần tiến công vào thị xã. Phần lớn khu vực ngoại vi đã mất, lực lượng ta ở lại thị xã thực sự đang chiến đấu trong vòng vây ngày càng thít chặt của kẻ thù. Nhưng từ trong các trận địa đang nghiêng ngả, chao đảo vì bom đạn, các chiến sĩ ta vẫn kiên cường đánh trả quân địch...” “Đầu tháng 8 chiến sĩ ta phải sống bằng lương khô, nước lã, bắn dè sẻn từng viên đạn”

Đại tá kể: "Ở mặt trận Thành cổ không có khái niệm phòng ngự, mình luôn nhận được chỉ thị tấn công. Nhưng hôm ấy, tiểu đoàn 4 chỉ còn tám tay súng, mình phải cho chúng nó rút ra...”

Sách đã dẫn trang 214 viết: “Ngày 15-9, tiểu đoàn 3 lữ đoàn 147 địch chiếm được góc đông bắc thành và kiểm soát cửa Bắc, suốt hai ngày 15 và 16 tháng 9 quân ta đánh nhau quyết liệt với địch giành giật từng mô đất, ngách hào nhưng không cải thiện được tình hình, ngược lại ngày một xấu thêm. Địch đã chiếm được một góc thành, lực lượng giữ thành của ta thương vong quá lớn. Trước thực tế đó ta buộc phải rút lui hồi 18 giờ ngày 16-9-1972.”

Chiều muộn ngày 16-9, thiếu tá Hoàng Thiện, một sĩ quan vóc người nhỏ bé, vị chính ủy đã gánh trên vai một trọng trách quá lớn, đã phải tự chịu trách nhiệm với một mệnh lệnh khó khăn nhất trong cuộc đời quân ngũ. Sau khi ra lệnh rút lui, chính ủy mới nhớ ra mình không biết bơi. May có người cần vụ quê Nga Sơn (Thanh Hóa) là Đào Xuân Kính bơi giỏi trợ giúp ông, trong đội hình với hai trăm tay súng cuối cùng bơi qua sông Thạch Hãn dưới làn đạn của đối phương liên tục tưới xuống.

Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm... là những câu thơ của Lê Bá Dương viết về những chiến sĩ Thành cổ đã vượt sông trong chiều muộn 16-9-1972.

Bây giờ đây, đại tá đã nghỉ hưu trong ngôi nhà cấp bốn ven thành phố Đồng Hới. Khác với cảm nhận ban đầu của tôi, dù cử chỉ đã chậm nhưng chân vẫn còn “đi” được “Thái cực trường sinh đạo” (hay ông cố gắng lên vậy cho tôi yên lòng?). Đặc biệt mắt ông vẫn chưa mờ, trí tuệ vẫn sáng suốt. Ông mang ra rất nhiều những văn bản bao lâu nay có ý kiến nhiều mặt xã hội và lịch sử với chính quyền, nhất là với tỉnh Quảng Trị, nơi ông đã cùng những người lính dưới quyền ghi dấu một trong những khúc tráng ca ấn tượng nhất trong lịch sử chiến tranh cách mạng.

Đồng Hới, tháng 12-2014
    Nguyễn Thế Tường