.

Phạm Xuân Tòng và giấc mơ võ Việt

Thứ Tư, 03/12/2014, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Chắc chắn rằng không chỉ đối với nhiều người Quảng Bình và thậm chí cả bà con làng Lý Hòa (Hải Trạch, Bố Trạch), cái tên Phạm Xuân Tòng và Quán Khí Đạo sẽ còn khá xa lạ, hiếm khi được nhắc đến. Ấy vậy, người con đất Lý Hòa này chính là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của võ cổ truyền Việt Nam ở phương Tây, là người Việt Nam đầu tiên được Liên đoàn Karate và các môn võ liên quan của Pháp (FFKDA) phong đai đen 8 đẳng, là người mỗi khi được nhắc đến đều khiến giới võ thuật trong nước và quốc tế thán phục.

Đối với chúng tôi, nỗ lực trở về vùng đất Lý Hòa để tìm hiểu về thân thế của người con đất Quảng giỏi võ là một điều vô cùng khó khăn, bởi ngoài những thông tin đồ sộ trên mạng Internet về sự nghiệp võ thuật của Phạm Xuân Tòng ở trời Tây, rất ít thông tin về thân thế, cuộc đời của vị võ sư tài danh này. Ngay tại Lý Hòa-nơi chôn nhau cắt rốn của ông, cũng hiếm hoi người biết đến danh tiếng của Phạm Xuân Tòng. May mắn, chúng tôi tìm gặp được ông Nguyễn Duy Ánh (Hải Trạch, Bố Trạch)-người dành nhiều tâm sức tìm hiểu, nghiên cứu về con người và mảnh đất Lý Hòa. Ông Nguyễn Duy Ánh cho biết, võ sư Phạm Xuân Tòng là một người con xuất sắc của mảnh đất Lý Hòa, rời xa quê khi chỉ khoảng 2-3 tuổi, nhưng tình cảm của ông dành cho quê hương vẫn sâu đậm. Mặc dù bận rộn với công việc quảng bá võ thuật ở nhiều quốc gia trên thế giới, ông vẫn thường xuyên liên lạc với họ hàng ở quê để nắm bắt thông tin và chia sẻ tình cảm nhớ thương của mình.

Võ sư Phạm Xuân Tòng trong bộ võ phục của Quán Khí Đạo
Võ sư Phạm Xuân Tòng trong bộ võ phục của Quán Khí Đạo

Theo chân ông Nguyễn Duy Ánh, chúng tôi tìm gặp ông Phạm Cương và Phạm Hồi là những người họ hàng gần gũi nhất của võ sư Phạm Xuân Tòng tại Quảng Bình. Cha của hai ông-ông Phạm Chân-là anh của ông Phạm Xuân-thân sinh võ sư Phạm Xuân Tòng. Theo ông Phạm Cương, thuở trước, gia đình họ Phạm ở Lý Hòa rất khá giả, hai con trai (Phạm Chân và Phạm Xuân) đều được cha giao tàu thuyền riêng để kinh doanh, buôn bán. Ông Phạm Xuân là người rất hào hoa, giỏi tiếng Pháp và tính cách ngay thẳng, chất phác. Tàu của ông thường di chuyển từ Quảng Bình ra mạn Bắc để giao thương, buôn bán. Tại cảng Nam Định, ông được một chủ tàu nơi đây rất yêu quý và cảm phục, gả con gái cho ông. Thông tin thêm về vợ của ông Phạm Xuân, bà tên Xinh, mang hai dòng máu Pháp-Việt, rất xinh đẹp và tài năng. Vợ chồng ông Phạm Xuân về lại Lý Hòa sinh sống và xây dựng hạnh phúc. Khoảng đầu những năm 1940, hai người con trai của họ lần lượt ra đời (võ sư Phạm Xuân Tòng là người con thứ 2). Khi ông Phạm Xuân Tòng hơn 2 tuổi, trong một chuyến tàu vào Nam, gia đình ông Phạm Xuân bị mắc kẹt, không thể trở lại quê hương và đành lập nghiệp ở mảnh đất Sài Gòn.

Ngay từ nhỏ, Phạm Xuân Tòng đã bộc lộ nhiều tư chất con nhà võ. Sau nhà ông có một ngôi chùa nhỏ, ngày ngày ông thường tìm đến để vãn cảnh, tìm nơi yên tĩnh học hành. Một vị danh sư ẩn dật nơi đây đã sớm nhận thấy những tố chất võ thuật vượt trội của ông và đã tận tâm truyền dạy võ. Có một giả thuyết cho rằng, ông còn được người chú ruột là Phạm Trú truyền cho môn Võ Quảng của ông cố nội là Cai Miêng lừng danh ở Quảng Bình vào đầu thế kỷ 19. Sau này, ông có cơ hội được tiếp cận, học hỏi nhiều môn võ khác nhau. Với sự chỉ dạy của những người thầy tận tậm và bằng trí tuệ, cơ duyên của mình, ông đã sáng lập nên bộ môn Quán Khí Đạo tại Pháp.

Ông Phạm Hồi chia sẻ thêm, học võ từ nhỏ, nhưng rất ít người biết được ông Phạm Xuân Tòng có võ. Khi đang học cấp 3, có một sự kiện gây chấn động giới cảnh sát ngụỵ ở Sài Gòn. Chuyện là trên đường đi học về, ông Phạm Xuân Tòng gặp một toán cướp đang trấn áp một quý bà giàu có, bọn chúng thấy ông nhỏ nhắn, thư sinh nên thương tình bảo ông đi nơi khác. Tuy nhiên, với bản lĩnh của mình, ông đã đánh tan băng cướp và giải nguy cho người phụ nữ. Sau này, Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn khẩn khoản mời ông đến dạy võ, nhưng ông đều từ chối.

Võ sư Phạm Xuân Tòng cùng vợ và hai con tại quần đảo Guadeloupe ở Đại Tây Dương năm 1982
Võ sư Phạm Xuân Tòng cùng vợ và hai con tại quần đảo Guadeloupe ở Đại Tây Dương năm 1982

Năm 1968, ông sang Pháp du học và bắt đầu phát triển môn phái Quán Khí Đạo của mình ở phương Tây. Thời gian đầu, ông vừa học, vừa dạy võ. Nhưng, về sau, với niềm đam mê võ thuật và mong muốn truyền bá võ thuật cổ truyền Việt Nam đến với bạn bè thế giới, ông quyết định từ bỏ việc học và theo đuổi võ thuật trọn đời. Quán Khí Đạo được sáng lập dựa trên việc chắt lọc tinh hoa giữa võ cổ truyền Việt Nam và Trung Hoa. Từ một võ quán nhỏ ở Pari, với bao nỗ lực, tâm huyết, năm 1981, võ phái Quán Khí Đạo được nâng lên thành “Tổng đoàn thế giới”, có trụ sở chính tại Ý và có mặt ở hàng chục quốc gia trên thế giới. Là một trong những môn phái của võ cổ truyền Việt Nam, Quán Khí Đạo đã góp phần quảng bá tinh hoa võ thuật truyền thống, cũng như truyền bá nét văn hóa tinh thần đặc sắc của dân tộc ta đến với bạn bè năm châu.

Mười anh em của võ sư Phạm Xuân Tòng (người anh cả đã qua đời), hiện sống và thành đạt ở Pháp, đều giữ liên lạc thường xuyên với họ hàng bản quán và cũng đã có nhiều dịp trở về với Lý Hòa thăm quê hương. Do bận rộn với công việc truyền bá võ thuật ở nhiều quốc gia trên giới, không ít lần dự định về thăm quê của võ sư Phạm Xuân Tòng đều bị gác lại. Theo ông Phạm Cương, trong mỗi tấm thiệp gửi về cho bà con họ hàng mỗi dịp Tết đến xuân về hay trong các cuộc điện thoại từ bên kia bán cầu, võ sư Phạm Xuân Tòng đều dành những tình cảm thiêng liêng nhất cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình và mong ngóng một ngày sẽ được trở lại thăm quê cha đất tổ.

Mai Nhân