.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014):

Hòn La những ngày khói lửa

Thứ Bảy, 20/12/2014, 16:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc, nhân dân tỉnh ta đã không quản ngại hy sinh, đóng góp bao xương máu cho hòa bình, thống nhất đất nước. Và trong những tháng năm ác liệt của cuộc chiến, Hòn La, hòn đảo nhỏ nằm ở phía bắc tỉnh, đã ghi đậm tên mình vào lịch sử khi tại nơi này, trong vẻn vẹn hơn 100 ngày, quân và dân Quảng Bình đã anh dũng chiến đấu trong "Chiến dịch Hòn La" lịch sử để mang hàng nghìn tấn gạo về chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ...

>> 40 vị tướng lĩnh Quân đội quê hương Quảng Bình

>> Tướng Hoàng Sâm- Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân

Năm 1972, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn ác liệt, chính phủ Trung Quốc viện trợ lương thực cho ta. Nhưng hầu như các cửa biển, sông ngòi quan trọng đều bị bom từ trường, thủy lôi của địch phong tỏa, đặc biệt cảng Hải Phòng đã bị phong tỏa dữ dội, không thể cho tàu cập bến.

Cuối cùng, một phương án táo bạo được vạch ra: đưa tàu Hồng Kỳ của Trung Quốc vào neo đậu trong vũng Hòn La, dưới chân đèo Ngang, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, rồi dùng tàu, thuyền nhỏ của ta "tăng bo" lên bờ, bốc lên xe tải vượt các trọng điểm phà Roòn, phà Gianh, phà Long Đại, để lên đường Hồ Chí Minh vào Nam...

Ngày 29-5-1972, tàu “Hồng Kỳ 150” chở hơn sáu nghìn tấn gạo tiếp tế vào đến Hòn La. Đêm đó, ta chèo thuyền ra làm thủ tục nhận hàng và dùng năm chuyến tàu VS, mười chiếc thuyền đánh cá vận chuyển trót lọt 500 tấn gạo vào cảng Gianh an toàn. Nhưng, hai hôm sau địch phát hiện, chúng dùng máy bay dội bom xuống Quảng Đông, ba chiếc tàu của chúng ngoài khơi liên tục nã pháo vào bờ. Ngoài tàu Hồng Kỳ của Trung Quốc (địch không dám oanh tạc), còn tất cả những mục tiêu chung quanh đều bị nã pháo, các tàu, thuyền lớn đều bị đánh hỏng.

Trước tình hình đó, tỉnh quyết định bằng mọi giá phải vận chuyển gạo viện trợ của bạn vào bờ an toàn để chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Và "Đại đội tổng hợp đặc biệt" ra đời để thực hiện "Chiến dịch Hòn La" với mật danh "KHR1". Đại đội gồm có hơn 70 chiến sĩ thuộc các đơn vị bộ đội địa phương các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và thị xã Đồng Hới.

Cảng Hòn La công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay.
Cảng Hòn La công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay.

Ông Hoàng Duy Lộc (xã Hải Trạch, Bố Trạch) là một trong những thành viên có mặt từ đầu đến cuối trong Chiến dịch Hòn La cho biết: Nhập ngũ vào cuối tháng 5-1972, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 46 Tỉnh đội Quảng Bình. Chỉ 15 ngày sau, ông chính thức có mặt trong "Đại đội tổng hợp đặc biệt" tham gia "Chiến dịch Hòn La" cùng hơn 70 chiến sĩ khác. Ngày 15-6-1972, "Đại đội tổng hợp đặc biệt" có mặt tại thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân (Quảng Trạch) để thi hành nhiệm vụ.

Ban ngày, tàu hải quân Mỹ đỗ cách tàu Hồng Kỳ khoảng 10 km, đêm đến chúng thả pháo sáng sáng rực cả vùng biển dày đặc thủy lôi, trực thăng giám sát trên không và máy bay sẵn sàng ném bom vào những vị trí nghi có gạo và thuyền của quân ta. Để triển khai hiệu quả chiến dịch, trong 30 ngày đầu tiên, ta sử dụng chiến thuật "lao ngang".

Đó là dùng thuyền đánh cá của ngư dân (mỗi thuyền 5-6 chiến sĩ) xuất phát tại thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân vào khoảng 18h30 hàng ngày. Trước mỗi chuyến đi đều tổ chức truy điệu sống và giao nhiệm vụ cho các đội thuyền. Ngay trong chuyến đầu tiên, ta đưa được 6 tấn gạo cập bờ, nhưng 3 thuyền của ta đã bị địch phát hiện, 1 thuyền bị đánh chìm và 3 chiến sĩ hy sinh...

Sau một tháng sử dụng chiến thuật "lao ngang", những chiến sĩ cảm tử Hòn La thay đổi bằng chiến thuật "lao dọc". Đó là cho thuyền đi dọc bờ biển, đến biển Vũng Chùa thuộc xã Quảng Đông thì bất ngờ đổi hướng trực diện về phía tàu Hồng Kỳ.

Một tuần sau, khi địch phát hiện và đánh phá, quân ta sáng tạo ra cách vận chuyển mới, đó là tời gạo. Thiết kế một hệ thống ròng rọc từ tàu Hồng Kỳ đến bãi biển Vũng Chùa với gốc phi lao cổ thụ làm trụ tời, trong hơn một tháng, những chiến sĩ cảm tử tham gia Chiến dịch Hòn La đã tời được hàng trăm tấn gạo cập bờ an toàn, kịp thời chi viện lương thực cho chiến trường miền Nam. Nhưng rồi địch cũng phát hiện và đánh phá ác liệt, dây tời thường xuyên bị đứt, nên tàu “Hồng Kỳ 150” đã vào Hòn La gần hai tháng mà mới giải phóng được năm nghìn tấn gạo...

Không thể bó tay trước kẻ thù, gạo phải được khẩn trương tiếp tế cho tiền tuyến! Nhưng tất cả các phương án đã sử dụng đều không thành. Một sáng kiến hết sức mạo hiểm được đề xuất, đó là gạo bọc trong bốn lớp vỏ bao thả trôi trên biển, lợi dụng sức gió tấp vào bờ. Cuối tháng 8, đầu tháng 9-1972, khi bắt đầu có gió mùa đông bắc quân ta đã lên tàu Hồng Kỳ bốc gạo và ném xuống biển, lợi dụng gió mùa đông bắc tạt vào bờ. Để thực hiện kế hoạch này, toàn bộ dân cư ven biển từ Quảng Bình vào đến Vĩnh Linh, bắc Vĩ tuyến 17 đều được huy động để vớt gạo và bí mật cất giấu rồi tổ chức các đường giao liên gùi cõng lên miền tây cho bộ đội giải phóng.

Với sự mưu trí, dũng cảm, hàng nghìn tấn gạo đã được đưa vào bờ an toàn để vận chuyển vào chiến trường miền Nam. Kết thúc chiến dịch, có 15 chiến sĩ thuộc "Đại đội tổng hợp đặc biệt" đã hy sinh, những bao gạo chi viện cho miền Nam ruột thịt thấm máu bao người trong những ngày Hòn La mịt mù lửa đạn...

Và cùng với những đóng góp của "Đại đội tổng hợp đặc biệt", trong  "Chiến dịch Hòn La" còn có sự  tham gia tích cực của hàng trăm người dân các xã vùng biển của hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch tham gia vận chuyển gạo từ tàu Hồng Kỳ bằng thuyền nan để tránh thủy lôi và bom từ trường của địch thả dày đặc trên biển.

Ông Hồ Minh Tớ (xã Hải Trạch, Bố Trạch)  nguyên là trưởng đoàn phục vụ Chiến dịch Hòn La của 4 xã biển huyện Bố Trạch gồm Hải Trạch, Đức Trạch, Thanh Trạch, Nhân Trạch cho biết, nòng cốt của đoàn tham gia vận chuyển gạo là các đảng viên, đoàn viên, quần chúng ưu tú của các địa phương. Trước khi lên đường, họ cũng tiến hành lễ truy điệu sống với khẩu hiệu "Quyết tử cho Tổ quốc". Cùng với lực lượng dân quân của huyện Quảng Trạch (mà nòng cốt là đội thuyền cảm tử xã Cảnh Dương anh hùng), các thành viên 4 xã biển của huyện Bố Trạch đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong việc vận chuyển gạo vào bờ an toàn.

Và ngay cả khi "Đại đội tổng hợp đặc biệt" đang tích cực hoạt động ở giai đoạn tời gạo, thì dân quân hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch cũng góp phần rất lớn khi vừa tham gia vận chuyển gạo, vừa đấu nối lại những đoạn cáp bị đứt. "Anh em buộc dây vào ngang lưng nối với một cái phao, sau đó lặn xuống biển để nối các đoạn cáp bị đứt. Địch thả pháo sáng như ban ngày và trên mặt biển dày đặc thủy lôi, bom từ trường và cả bom bi. Nhiều khi lặn gần hết hơi mà vẫn không thể ngoi lên để thở vì đạn pháo bắn cấp tập và còn sợ bị lộ mục tiêu. Trường hợp hy sinh thì đồng đội dùng phao có sẵn dây cột vào người để kéo lên...", ông Tớ hồi tưởng.

Hơn 40 năm đã trôi qua. Chiến dịch Hòn La là một trong những dấu ấn đậm nét của quân và dân Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những chàng trai tuổi đôi mươi ngày ấy giờ đã già, có người hy sinh, bị thương, ốm đau và mất.

Ông Lộc tâm sự: Vào tháng 6 hàng năm, ông và những người thuộc "Đại đội tổng hợp đặc biệt" đều tổ chức gặp mặt ôn lại kỷ niệm. Và họ lại cùng nhau về Hòn La, thả những bông hoa xuống biển để tưởng niệm 15 người đồng đội đã hy sinh. Dù đến thời điểm này, việc xác minh thông tin chính thức về "Đại đội tổng hợp đặc biệt" 40 năm về trước vẫn còn dang dở, nhưng lịch sử không bao giờ quên Hòn La và những tháng năm lửa đạn.

Ngọc Mai-Nội Hà