.

Nguyễn Xuân Sang-Tư lệnh "Binh đoàn xanh"

Thứ Tư, 10/12/2014, 07:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Sinh ra ở vùng quê bán sơn địa xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy, mẹ mất sớm, thấy đời cha vất vả hai sương một nắng, Nguyễn Xuân Sang nuôi chí học hành mong sau này giúp đỡ gia đình, quê hương thoát cảnh đói nghèo. Những năm học ngồi trên ghế nhà trường là những năm tháng chiến tranh ác liệt, bom Mỹ dội xuống xóm làng. “Nước còn giặc còn đi đánh giặc”, chí làm trai giục giã lên đường, năm 1969 vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Xuân Sang theo gương các lớp đàn anh viết đơn tình nguyện ra mặt trận. Cuộc đời binh nghiệp oai hùng của cậu học trò cấp ba huyện Lệ Thủy bắt đầu từ đó.

Anh nhập ngũ vào Tiểu đoàn 49, Tỉnh đội Quảng Bình. Cuối năm 1969 đơn vị vào chiến trường, do có thành tích trong huấn luyện và công tác, Sang được đề bạt làm tiểu đội trưởng. Nhiệm vụ của người tiểu đội trưởng lúc đó là chỉ huy anh em trong tiểu đội tải đạn, cáng thương rồi tham gia mở đường từ Lư Bư vào Khe Sanh và trực tiếp chiến đấu truy quét lực lượng thám báo, biệt kích bảo vệ tuyến đường 559.

Tháng 6 năm 1971, Tiểu đoàn 49 nhập với Tiểu đoàn 48 của Tỉnh đội Nghệ An, Tiểu đoàn 50 của Tỉnh đội Hà Tĩnh thành lập Trung đoàn 271, Nguyễn Xuân Sang cùng đồng đội bước vào cuộc chiến đấu mới. Trung đoàn đứng chân trên địa bàn vùng lõm của lòng chảo Trị Thiên đã tổ chức những trận đánh ác liệt bảo vệ vùng giải phóng. Sau trận đánh ở Thanh Hội, một làng ven biển thuộc huyện Triệu Phong gần cảng Cửa Việt, tiểu đội trưởng Nguyễn Xuân Sang được kết nạp Đảng trên chiến trường còn vương mùi thuốc súng.

Sau Hiệp định Pa ri, anh cùng đồng đội chiến đấu  cắm cờ bảo vệ từng tấc đất của vùng giải phóng ở vùng Nam Cửa Việt. Từ tiểu đội trưởng anh được đề bạt lên trung đội trưởng chỉ huy đơn vị bảo vệ chốt Đồi Đá, một ví trí quan trọng trong hệ thống phòng ngự của đơn vị. Trong các trận đánh ở chốt Đồi Đá, đơn vị anh đã tiêu diệt 27 tên địch, thu nhiều vũ khí đạn dược.

Sau những năm tháng ở chiến trường Trị Thiên, Trung đoàn 271 được điều về Quân khu để thành lập Sư đoàn 336 sang chiến đấu tại chiến trường Hạ Lào, anh lại cùng đồng đội tham gia giúp bạn truy quét bọn phỉ, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng Lào.

Trong suốt quá trình chiến đấu từ tháng 9-1971 đến tháng 3-1974, trên cương vị là tiểu đội trưởng rồi trung đội trưởng, Nguyễn Xuân Sang không sợ hy sinh gian khổ, bám trụ dài ngày, cắm cờ và giữ từng tấc đất ở vùng Thành cổ Quảng Trị, trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh hơn 20 trận, tiêu diệt 117 tên địch thu nhiều vũ khí. Riêng anh đã trực tiếp chiến đấu tiêu diệt hàng chục tên địch và bắn cháy một xe tăng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Xuân Sang được tuyên dương Anh hùng LLVTND.

Đất nước hòa bình, Trung đoàn 271 được điều ra Nghệ An làm kinh tế, Nguyễn Xuân Sang lúc này là chính trị viên đại đội lại cùng đồng đội bước vào mặt trận mới. Đơn vị anh được lệnh triển khai làm mới và nâng cấp con đường Quyết Thắng nối với nước bạn Lào. Vừa làm đường vừa diệt bọn phỉ Vàng Pao, giúp bạn xây dựng cơ sở chính trị ở hai tỉnh Bô ly khăm xay và Khăm Muộn, bước chân của Trung đoàn lại in dấu trên mọi nẻo đường của Trường Sơn Tây.

Năm 1979, đơn vị của anh lại được điều về tỉnh Gia Lai để làm kinh tế. Cuộc đời binh nghiệp của Nguyễn Xuân Sang  gắn với vùng đất Tây Nguyên kể từ đây. Buổi đầu đứng chân ở huyện Ia Grai rừng xanh, đất đỏ, trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn 2 Sư đoàn 359 Nguyễn Xuân Sang đã cùng với đồng đội bắt tay vào xây dựng một sự nghiệp mới-sự nghiệp xây dựng một Tây Nguyên giàu đẹp. Những cánh rừng cà phê, cao su được hình thành phủ dần những cánh rừng hoang lạnh.

Để phát triển vùng địa bàn chiến lược Tây Nguyên, tháng 2 năm 1985, Binh đoàn xây dựng kinh tế Tây nguyên (Binh đoàn 15) được thành lập. Địa bàn đứng chân của Binh đoàn là vùng sâu, vùng xa nơi biên giới ngã ba Đông Dương của 9 huyện, thị của ba tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định. Buổi đầu dựng nghiệp ở Tây Nguyên, Binh đoàn gặp không ít khó khăn. Cơ sở vật chất hạn chế, núi đồi còn lắm bom mìn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất tinh thần của cán bộ chiến sĩ.

Hơn nữa, đây là lúc cả nước đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế và sự cản trở nặng nề của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, tìm cách vươn lên không dễ. Về Binh đoàn, Nguyễn Xuân Sang lần lượt giữ các chức vụ là trợ lý tuyên huấn Phòng Chính trị rồi Chủ nhiệm Chính trị Đoàn 385, Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn, Phó Tư lệnh Chính trị Binh đoàn và đến tháng 3 năm 1999 ông được giao làm Tư lệnh, kiêm Bí thư Đảng ủy Binh đoàn. Với bất cứ cương vị công tác nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Để đứng chân được trên địa bàn Tây Nguyên lâu dài, bài học mà ông thường nhắc đến là phải xây dựng thế trận lòng dân.

Trong kháng chiến, người dân Tây Nguyên một lòng theo cách mạng nhưng hòa bình rồi đời sống còn nhiều vất vả thiếu thốn, phải làm cho dân thoát khỏi đói nghèo, giàu lên đơn vị mới phát triển được. Nhường những phần đất thuận lợi cho đồng bào, ông đề nghị thực hiện công thức “Suối-dân-bộ đội” dành những phần đất màu mỡ phù sa hai bên suối cho đồng bào gieo trồng, bộ đội chỉ khai hoang từ mét 201 tính từ suối ngược lên đồi núi.

Vừa giúp đỡ đồng bào khai hoang sản xuất, Binh đoàn vừa xây dựng điện, đường, trường, trạm tạo điều kiện cho đồng bào định canh định cư, đổi mới bộ mặt thôn bản. Ông là người đưa ra mô hình “Binh đoàn gắn với tỉnh huyện, Công ty gắn với huyện xã, Đội sản xuất gắn với làng bản, Đội trưởng sản xuất gắn với già làng trưởng bản”. Làm tốt công tác dân vận, ông đã cùng với cán bộ chiến sĩ của Binh đoàn thực hiện một nhiệm vụ quan trọng trên địa bàn Tây Nguyên “Trồng cây chiến lược để tạo ra lớp người mới trên địa bàn chiến lược”.

Vượt qua mọi khó khăn thử thách, hàng chục nghìn héc ta cà phê, cao su, lúa nước và các loại cây trồng khác đã phủ xanh núi đồi hoang dại đưa lại lợi ích kinh tế gắn với quốc phòng trên vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Không chỉ phát triển các loại cây chiến lược trên địa bàn chiến lược ông cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã có tầm nhìn chiến lược đưa cây cao su qua đất Căm pu chia và Lào, vừa phát triển diện tích canh tác cho Binh đoàn, vừa giúp bạn phát triển kinh tế, bảo vệ vùng biên giới, củng cố tình đoàn kết chiến đấu của ba nước Đông Dương.

Là người con luôn nặng nợ với quê hương, ông bàn với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cho đưa cây cao su ra vùng Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy-nơi có đồng bào Vân Kiều sinh sống nhằm phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng dọc biên giới Việt-Lào. Để phát triển được diện tích 40 nghìn ha cây cao su trên vùng đất khắc nghiệt, ông đã cùng cán bộ chiến sĩ Đoàn 79 lăn lội khảo sát đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết để có những quyết định đúng. Một khu dân cư mới của đồng bào Vân Kiều xã Ngân Thủy đang hình thành, hứa hẹn những mùa xuân mới.

Vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tháng 12 năm 2004 Tư lệnh Nguyễn Xuân Sang được Đảng và Nhà nước tôn vinh danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vì “Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc về sản xuất kinh doanh gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên”. Cũng trong dịp này vị Tư lệnh Binh đoàn 15-Binh đoàn Xanh được Chủ tịch nước ký quyết định phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới tiêu biểu cho những người lính Cụ Hồ từ chiến trường trở về lập công xuất sắc trên mặt trận kinh tế. Đồng bào Tây Nguyên quý mến gọi anh là Tư lệnh Binh đoàn Xanh.

Phan Viết Dũng