.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014):

Tướng Hoàng Sâm- Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân

Thứ Sáu, 19/12/2014, 15:52 [GMT+7]
Thiếu tướng Hoàng Sâm.
Thiếu tướng Hoàng Sâm.

(QBĐT) - Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 tại làng Lệ Sơn  nay là xã Văn Hóa huyện Tuyên Hóa. Quê hương nghèo khó, năm 12 tuổi Trần Văn Kỳ theo cha mẹ tha phương nơi đất khách quê người từ Na Khon rồi về Chiềng Mang trên đất Xiêm (Thái Lan).

Cuộc  mưu sinh vất vả nhưng trong tim người thanh niên ấy vẫn cháy bỏng một tình yêu quê hương đất nước. Những năm 1928, 1929 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dưới bí danh là Thầu Chín đang hoạt động cách mạng ở Xiêm, Kỳ được chọn làm liên lạc và được Người giáo dục, rèn luyện trở thành người cách mạng.

Năm 18 tuổi, Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cộng sản và sau đó trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương phụ trách công tác liên lạc, in phát truyền đơn. Bị mật thám Thái Lan bắt và bị trục xuất, ông tìm đường sang Quảng Tây (Trung Quốc) bắt liên lạc với với cơ sở cách mạng và được Phùng Chí Kiên - Ủy viên Thường vụ Trung ương giao nhiệm vụ. Năm 1937, ông được phái về nước hoạt động nhưng bị chính quyền thực dân Pháp bắt ở Cao Bằng.

Ra tù, ông lại vượt biên sang Trung Quốc tham gia “Điền Kiềm Quế Biên khu du kích đội” - một tổ chức kháng Nhật của Đảng Cộng sản Trung quốc ở vùng biên giới Việt-Trung thuộc ba tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quý Châu. Giữa năm 1940, ông cùng một số đồng chí sang Tĩnh Tây học quân sự ở Trường Trương Bội Công.

Chính tại đây, ông được may mắn gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Người đặt cho bí danh là Hoàng Sâm. Cũng trong thời gian này, cơ duyên đã cho ông gặp và kết thân với với người đồng hương Dương Hoài Nam (tức Võ Nguyên Giáp) - người Anh Cả của lực lượng vũ trang sau này. Sau lần đó, ông cùng một số cán bộ khác của Cao Bằng bỏ học ở Trường Trương Bội Công trở về nước hoạt động.

Cuối năm 1940, Hoàng Sâm, lúc này là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng lại sang Trung Quốc học lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh mở tại làng Nậm Quang, huyện Tĩnh Tây (Quảng Tây), gần biên giới Việt-Trung.

Ngày 28 tháng 1 năm 1941, ông cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp bảo vệ an toàn lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó (Cao Bằng). Tháng 5 năm 1941, ông lại được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ tổ chức đường dây qua Lạng Sơn đón các đại biểu về dự Hội nghị Trung ương 8 tại Khuối Nậm để ra những quyết định quan trọng cho cách mạng Việt Nam.

Vừa để bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vừa tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, cuối năm 1941 đội du kích Cao Bằng được thành lập gồm 12 người do đồng chí Lê Thiết Hùng làm đội trưởng, Lê Quảng Ba làm chính trị viên, Hoàng Sâm làm đội phó.

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014):

Cũng thời gian này, tại vùng biên giới Cao Bằng có nhiều toán thổ phỉ như Lý Xìu, Voòng A Sáng, Voòng An Sính hoành hành. Với lòng dũng cảm, gan dạ và tài trí, Hoàng Sâm (lúc này có bí danh là Trần Sơn Hùng) đã thuyết phục, lôi kéo hạn chế sự phá phách của các toán thổ phỉ tạo điều kiện cho các hội Cứu quốc Việt Minh phát triển.

Cuối năm 1943, Đội du kích Cao Bằng được phân tán đi xây dựng cơ sở cách mạng ở nhiều nơi, Hoàng Sâm được giao nhiệm vụ tổ chức Đội bảo vệ cho các Tổ xung phong Nam tiến.

Giữa năm 1944, chính quyền Mặt trận Việt Minh phát triển ở vùng Cao-Bắc- Lạng, dù đã có những đội du kích vũ trang nhưng hoạt động vẫn đơn lẻ, mang tính địa phương, thiếu thống nhất. Chính vì vậy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có chỉ thị  giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập lực lượng vũ trang chủ lực tập trung vừa kết hợp tuyên truyền chính trị vừa hoạt động quân sự.

Tháng 9 năm 1944, một số cán bộ chính trị và đội viên du kích 3 đội vũ trang tập trung của Tam Kinh, Hoa Thám và Chí Kiên được tập trung huấn luyện 20 ngày tại Khuổi Cọ do đồng chí Võ Nguyên Giáp và Hoàng Sâm giảng dạy để chuẩn bị cho việc thành lập lực lượng vũ trang tập trung.

Chiều ngày 22-12-1944, tại cánh rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình (Cao Bằng) Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng, Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên.

Trong những trận đầu ra quân đánh thắng ở Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu và trên đường xung phong Nam tiến xuống Bắc Cạn, Thái Nguyên đều in dấu chiến công của người Đội trưởng tài ba.

Chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Hoàng Sâm chỉ huy đơn vị giải phóng các châu Ngân Sơn, Chợ Rã, phía bắc Bạch Thông. Chỉ huy đơn vị đánh Nhật ở Phủ Thông, Bắc Cạn, Thái Nguyên bảo vệ khu giải phóng Cao-Bắc-Lạng-Hà-Tuyên-Thái sau đó về Vĩnh Yên trấn áp các phần tử phản động của Quốc Dân Đảng.

Thiếu tướng Hoàng Sâm (người thứ hai từ phải sang) tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Ảnh: Tư liệu
Thiếu tướng Hoàng Sâm (người thứ hai từ phải sang) tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Ảnh: Tư liệu

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Hoàng Sâm lại được điều lên làm Khu trưởng Khu 2. Đầu năm 1947 quân Pháp từ Côn Minh, Vân Nam (Trung Quốc) và Bắc Lào tràn xuống hòng đánh chiếm Lai Châu, Điện Biên để làm bàn đạp tấn công xuống Sơn La, Hòa Bình. Khu trưởng Hoàng Sâm chỉ huy các đơn vị bộ đội ngăn chặn bước tiến của quân Pháp, bảo vệ địa bàn chiến lược Tây Bắc.

Mùa xuân năm 1947 Hoàng Sâm được giao làm Tư lệnh Mặt trận Tây tiến, một mặt trận đầy gian nan thử thách mà nhà thơ, chiến sĩ Tây tiến Quang Dũng từng viết: “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùng”. Ông chỉ huy các đơn vị vượt qua vùng núi rừng hiểm trở, vừa tuyên truyền vừa tác chiến; vừa làm công tác dân vận, vừa xây dựng lực lượng và phát triển chiến tranh du kích, củng cố liên minh chiến đấu Việt-Lào trong những ngày đầu gian khó.

Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm cho 11 cán bộ chỉ huy quân đội, hai người con của Quảng Bình là Võ Nguyên Giáp được phong Đại tướng và Hoàng Sâm nhận cấp hàm Thiếu tướng.

Thực dân Pháp đổ quân xuống Điên Biên Phủ, để chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử, ta chủ trương mở chiến dịch Trung-Hạ Lào. Thiếu tướng Hoàng Sâm, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304 được cử vào Bộ chỉ huy liên quân, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hạ Lào tiêu diệt các căn cứ địch ở Đường 12, sau khi giải phóng các thị trấn Nhom ma lạt, Ma ha xây và thị xã Thà Khẹt, tiến xuống Đường 9. Một vùng rộng lớn của Trung Lào từ Bắc Đường 8 qua Đường 12 xuống Đường 9 được giải phóng buộc địch phải phân tán lực lượng tạo điều kiện thuận lợi cho chiến cục Đông-Xuân 1953-1954 và sự toàn thắng của Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.

Hòa bình lập lại trên miền Bắc, tướng Hoàng Sâm từng đảm nhiệm Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn rồi Tư lệnh Quân khu III. Năm 1962 tướng Hoàng Sâm với bí danh là Chăn Di được cử sang làm chuyên gia quân sự  góp phần xây dựng và phát triển lực lượng quân đội cách mạng Lào ngày càng vững mạnh.

Hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn, ông lại được cử vào chiến trường miền Nam làm Tư lệnh Quân khu Trị-Thiên. Tháng 12 năm 1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh anh dũng trên chiến trường Trị Thiên ác liệt trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng đội.

Hoàng Sâm, người Đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - một vị tướng tài ba luôn có mặt ở các chiến trường ác liệt nhất. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, niềm tự hào của quê hương Quảng Bình.

Phan Viết Dũng