.

Huyền bí Phong Nha-Kẻ Bàng - Kỳ 4: Những người có duyên với hang động

Thứ Năm, 31/07/2014, 10:32 [GMT+7]

Năm 1997, GS-TSKH Nguyễn Quang Mỹ đã đọc một báo cáo gây sửng sốt giới khoa học về Phong Nha - Kẻ Bàng. Và nếu không có ông Howard Limbert cùng đoàn thám hiểm thì VN không thể giới thiệu được những hình ảnh về hang động của mình với thế giới.

>> Huyền bí Phong Nha-Kẻ Bàng - Kỳ 3: Những phát hiện chấn động

>> Huyền bí Phong Nha-Kẻ Bàng - Kỳ 2: Mê cung Phong Nha

>> Huyền bí Phong Nha-Kẻ Bàng - Thiên đường trên trái đất

GS-TSKH Nguyễn Quang Mỹ và Howard Limbert thật sự có duyên với hang động Quảng Bình. Nhờ vậy, năm 2003 UNESCO đã tôn vinh hang động Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới.  

Vợ chồng “ham chơi”

“Duyên trời định” đã đưa ông Howard Limbert cùng vợ là bác sĩ Debbie Limbert và các thành viên trong đoàn tới VN từ năm 1990. 24 năm, ông tiến hành gần 20 cuộc thám sát hang động thuộc hệ thống núi đá vôi Kẻ Bàng.

Howard kể, từ năm 15 tuổi, ông đã bắt đầu với những chuyến thám hiểm ở Anh và các nước châu Âu. Howard từng là trưởng đoàn từ những năm 1980 thám hiểm Mexico và mang đến nhiều kết quả vang dội.

Howard Limbert cùng vợ - bác sĩ Debbie - Ảnh: DLQB
Howard Limbert cùng vợ - bác sĩ Debbie - Ảnh: DLQB

Cưới nhau đến nay gần 35 năm, cùng niềm đam mê, cùng ưa đến nơi chưa ai từng đến, mà vợ chồng ông thường đùa là vì “ham chơi”, vì sự hấp dẫn của những dãy núi đá vôi châu Á mà họ đã ra khỏi nước Anh. Năm 1990, hai vợ chồng lên kế hoạch, kiên trì tìm kiếm sự chấp thuận của các nước châu Á. Và như một cơ duyên, khi nhận được thư phúc đáp từ Khoa Địa lý - Địa chất Trường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội thì cái duyên ấy gắn với khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng.

Từ năm 1990, khi lần đầu tiên họ cùng 9 thành viên trong đoàn thám hiểm đặt chân tới đây, cả xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) ai cũng biết vợ chồng “ông Tây” này.

Ông khẳng định mình đã đặt chân tới 90% hang động tại nước Anh, nhưng cũng thừa nhận mới chỉ chinh phục được 10% hang động ở quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng. Bà Debbie Limbert chia sẻ: “Nhờ James Cameron sản xuất phim Sanctum (2011) về một nhóm khám phá hang động mà các hãng thông tấn như BBC, NHK, đặc biệt là Hội Địa lý Mỹ (National Geographic) bắt đầu để ý tới hang động VN nhiều hơn. Cơn sốt khám phá hang động khiến họ gửi các đoàn làm phim, nhiếp ảnh gia đến các hang động mới phát hiện của VN như Sơn Đoòng, với sự hỗ trợ và dẫn đường của đoàn Howard Limbert. Những hình ảnh kỳ bí và tuyệt đẹp trong hang động nhờ hiệu ứng 3D đã kích thích trái tim và cái đầu ưa mạo hiểm, làm loạn nhịp những ai ưa vẻ đẹp thiên nhiên và làm nghẹt thở những người có máu phiêu lưu”.

Howard và Debbie luôn nói về những người đã giúp mình thực hiện thành công những chuyến khám

Ảnh: Bùi Tuấn
Ảnh: Bùi Tuấn

GS-TSKH-Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Mỹ (ảnh), nguyên Trưởng khoa Địa lý Trường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Hang động VN qua đời ngày 25.2.2014. Ông ra đi nhưng dự cảm của ông đã thành hiện thực. Rất nhiều người trên thế giới đã biết đến Phong Nha - Kẻ Bàng, một tài nguyên vô giá mà ông góp phần không nhỏ trong việc khám phá.

phá hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Đó là chính quyền luôn tạo điều kiện thuận lợi và người dân địa phương trong vai trò người dẫn đường. Các kết quả thám hiểm và nghiên cứu hang động của ông Howard Limbert đã được sử dụng để xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng mà chúng ta đã biết.

Tâm huyết của người con với quê hương

GS-TSKH Nguyễn Quang Mỹ quê ở Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông học đại học và bảo vệ xuất sắc luận án TSKH tại ĐH Tổng hợp Lomonosov (Liên Xô cũ).

Nhiều người biết hai nhà văn đều là em ruột của ông là Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Quang Vinh nhưng mãi đến năm 1990, khi công bố kết quả đợt thám sát Phong Nha đầu tiên, nhiều người mới biết ông là người Quảng Bình. Với tư cách là Chủ tịch Hội Hang động VN, người tham gia cùng đoàn thám hiểm Hội Địa lý hang động Hoàng gia Anh, ông đã có nhiều chuyến trực tiếp tham gia thám hiểm mà sau này ông kể lại với “những kỷ niệm rùng mình”.

Năm 2001, cuốn sách Kỳ quan hang động Việt Nam bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh do Nguyễn Quang Mỹ và Howard Limbert chủ biên cùng sự đóng góp của 15 nhà khoa học VN, 40 nhà khoa học thuộc Hội Hang động Hoàng gia Anh đã ra mắt công chúng trong nước và quốc tế. Đó là kết quả 10 năm khảo sát công phu hang động tiêu biểu của VN trong giai đoạn đó. Dù cho rằng đây chỉ là một phần rất nhỏ chân dung của hang động Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng thực sự nó đã mở ra một giai đoạn mới.

Hơn 40 năm làm thầy, GS Nguyễn Quang Mỹ đã đào tạo hàng nghìn sinh viên, trong đó nhiều người đã trở thành TS, chuyên gia địa lý, địa chất, hang động. Nhưng sự đóng góp của ông không chỉ ở đó. Người trong nghề tôn vinh ông là “ông vua hang động” bởi cuộc đời ông gắn liền với hành trình khám phá.

Ông từng tâm sự: “Dưới lòng đất đá là một hệ thống hằng hà tài nguyên đến nay chưa được biết đến. Tiềm năng vô giá sẽ được khám phá. Rồi đây người trong nước, quốc tế sẽ chiêm ngưỡng vẻ đẹp tiềm ẩn, một thế giới lung linh choáng ngợp dưới lòng đất VN”.

Theo Trương Quang Nam-Vũ Nguyễn (Thanh niên)