.

Chợ Thùi mùa trăng lên

Thứ Sáu, 04/07/2014, 10:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Dọc theo hai bờ sông Kiến Giang xanh mát xuôi về phía Hạc Hải sát với bờ sông bên kia là An Xá, xã Lộc Thủy, bên này là Phú Thọ An Thủy. Chợ Thùi, chợ làng của một vùng quê sát với cánh đồng thẳng cánh cò bay. Đò chợ Trạm, chợ Tréo, chợ Tuy về chợ Thùi giao lưu mua bán tấp nập ven sông, tiếng chào hỏi cười nói rộn ràng.

Ba, mẹ tôi quanh năm chài lưới trên sông Kiến Giang, bắt được con cá, con tôm về bán ở chợ Thùi. Thuở nhỏ, tôi thường hỏi mẹ: Thùi là gì hở mẹ? Mẹ tôi không trả lời được. Năm tháng trôi nhanh, bạn bè tôi lớn lên cứ hỏi nhau sao có cái tên chợ Thùi, ai đặt tên cho chợ và có từ khi nào?

Với tính tò mò, khi tra cứu từ điển Việt-Chàm-Pháp  do Viện văn hóa Chàm tỉnh Ninh Thuận xuất bản thì thấy tên Thùi được giải thích là "quán lợp lá". Điều này phù hợp với thực tế, bởi chợ Thùi tồn tại lâu năm nhưng chỉ là những quán lá san sát nhau, không có đình chợ như các chợ khác trong vùng.Về chợ Thùi bây giờ vẫn là quán lợp lá,trong cơ chế thị trường nhiều hộ buôn bán kinh doanh lợp bằng tôn, lợp bằng bờ rô xi măng xu thế chợ vẫn san sát gần nhau không có gì thay đổi.

Chủ tịch Mặt trận xã An Thủy Nguyễn Văn Tài cho biết: chợ Thùi ở địa phận làng Thạch Bàn, An Thủy, khuôn viên cạnh sát bờ sông Kiến Giang. Chợ làng nhưng nhiều địa phương xung quanh đến giao lưu mua bán. Hàng hóa gồm những đặc sản của một vùng quê chiêm trũng như lúa, gạo, đậu, mè, gà, vịt, ốc, cua, cá, hến, chuối, mít, nón lá, áo tơi, chiếu cói... Hàng ăn dân dã được nhiều người thích dùng như bánh đúc, bánh bèo, bánh ít, bánh bột lọc, cháo bánh canh... Hàng xén bày bán các loại từ mắm muối tương cà, ớt tỏi, hành nén đến gương lược, kim chỉ, sách vở bút mực, quán cắt tóc, quán may vá, hiệu thuốc bắc làm tăng thêm sầm uất của chợ vùng quê.

Bình minh trên dòng Kiến Giang. Ảnh: T.H
Bình minh trên dòng Kiến Giang. (Ảnh minh họa của T.H)

Năm 1960, chợ Thùi được dời sang làng Phú Thọ bây giờ, cách chợ cũ khoảng 200 mét, mở rộng hơn, tạo điều kiện mua bán cho khách hàng. Bác Nguyễn Văn Bảy trên 80 tuổi cho biết thêm, chợ Thùi có trên 600 năm tuổi, cảnh sắc và con người ở đây làm rung cảm những nhà thơ,bạn yêu thơ. Đã có gần 80 bài thơ viết về chợ Thùi.

Đò nôốc (thuyền) chen nhau đến chợ Thùi
Sông dài,gió lặng, nắng ui ui
Bến bờ san sát muôn thuyền đến
Lều quán rộn ràng lắm kẻ lui
Gặp lại bạn bè đang nách rỗ
Trở về đò nôốc chợt dương mui
Chợ quê trong tựa bức tranh động
Tô vẽ xóm làng đẹp nét vui

(Bài thơ “Chợ Thùi” của Nguyễn Khoa Học)

Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Xuân Hoàng đã trải tấm lòng mình với cái chợ nhỏ làng quê qua bài “Mừng biết quê mình”:

Chưa được về thăm cảnh chợ Thùi
Đọc lời mời họa sướng cha ui
Xóm làng đổi mới đang vươn tới
Truyền thống ngày xưa há dễ lui
Cảnh chợ quây quần nhà đỏ mái
Dưới sông xúm xít nôốc đầy mui
Còn thêm cái chuyện thơ mời họa
Mừng biết quê mình đã thật vui.

Về chợ Thùi mùa trăng lên thấy nhộn nhịp một vùng quê sông nước Kiến Giang hiền hòa. Sáng sớm bà con tranh thủ đi chợ mua bán, về nhà hối hả ra đồng, chiều đến chợ lại đông vui nhộn nhịp hàng cá, hàng thịt, hàng rau, hàng tôm, tép người người chen chúc mua bán. Tiếng cười nói rộn ràng sau một ngày lao động vất vả đồng cạn đồng sâu.

Tôi cảm nhận nhịp sống của làng quê, nhịp sống của chợ Thùi ngàn năm vẫn thế, nơi giao lưu hàng hóa để nuôi sống con người. Thời gian cứ trôi mà bản sắc văn hóa ở một vùng quê sông nước vẫn tồn tại, phát triển và đi lên như mùa trăng nối tiếp những mùa trăng.

Hoàng Đại Hữu