.

Bảo tồn vốn quý văn hóa dân tộc thiểu số - Kỳ 1: Làm sao giữ thắm bản sắc?

Thứ Tư, 16/07/2014, 08:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Với ba dân tộc anh em cùng nhau sinh sống dưới mái nhà chung (Kinh, Chứt và Bru-Vân Kiều), Quảng Bình tự hào với nền văn hóa đậm đà bản sắc, luôn chứa đựng những vốn quý độc đáo, riêng có mà các nhà nghiên cứu vẫn chưa khai phá hết.

Tuy nhiên, theo xu thế hội nhập và phát triển, sự xâm nhập của những luồng văn hóa khác nhau vào đời sống của bà con dân tộc thiểu số đã và đang tạo sự tác động mạnh mẽ đến văn hóa truyền thống bản địa. Đó vừa là sự ảnh hưởng tích cực, lại vừa tiềm ẩn nguy cơ phai mờ, biến dạng và làm mất đi bản sắc dân tộc.

Chính vì vậy, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số được xem như một nhiệm vụ vô cùng cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược và cần phải được triển khai thường xuyên, dài hơi. Nhưng, bảo tồn như thế nào, phát huy ra làm sao... vốn dĩ không hề đơn giản, bởi đã liên quan đến văn hóa, không phải cứ đầu tư, cứ triển khai đã là hiệu quả, mà quan trọng hơn hết, phải bắt nguồn từ chính cội rễ và dung dưỡng bởi chính cộng đồng mới thực sự mang tính bền vững.

“Lo” từ nếp sống, lễ hội, âm nhạc...

Đến bản Khe Ngang (Trường Xuân, Quảng Ninh) tham dự một đám cưới của người dân tộc Bru-Vân Kiều mới thấy, quả thật, không khác gì một đám cưới của người Kinh dưới xuôi. Cũng rạp cưới trang hoàng lộng lẫy, cũng dàn nhạc sống xập xình, cũng đặt bàn tiệc cưới, cũng ảnh cưới lung linh...

Trưởng bản Khe Ngang, Hồ Nam, cho biết, nhiều phong tục cưới đã được thay đổi nhiều rồi. Nếu như trước đây, tiệc cưới làm khá đơn giản chỉ tổ chức trong nhà, không làm rạp lớn, bà con đến mừng cưới, người chai rượu, người chục cân gạo nếp, nay thì rạp, âm thanh công suất lớn và mừng cưới bằng “phong bì” không còn xa lạ với người dân nữa.

Hỏi: “Đám cưới có rượu cần truyền thống không?”. Trả lời: “Rượu cần chỉ cúng trong dịp ma chay thôi, đám cưới giờ chỉ uống bia, mà cả bản cũng ít người nấu rượu cần lắm”. Hỏi: “Đám cưới có hát các làn điệu dân ca hay chơi nhạc cụ truyền thống của người Bru-Vân Kiều không”. Trả lời: “Không mô, thanh niên giờ thích hát nhạc sống thôi”. Trang phục cưới cũng theo phong cách hiện đại, tìm bộ váy thổ cẩm của cô dâu chú rể Bru-Vân Kiều giờ còn khó hơn nghìn việc khó.

Không chỉ nét bản sắc của người Bru-Vân Kiều đã và đang dần phai nhạt trong mỗi đám cưới, mà sự mai một đó còn tồn tại ở nhiều khía cạnh khác của đời sống đồng bào. Bản Khe Ngang có 100 hộ thì 70 hộ là người dân tộc Bru-Vân Kiều, những nhà sàn giờ đây dần nhường chỗ cho nhà ngói, nhà mái bằng hiện đại, kiên cố.

Trưởng bản Hồ Nam nhẩm tính, cả bản hiện chỉ còn 6 ngôi nhà sàn truyền thống. Nhà văn hóa của bản mới được xây dựng cũng là một ngôi nhà xây kiên cố. Một phần vì gỗ để dựng nhà sàn ngày càng hiếm, một phần vì bà con nơi đây đã quen thuộc với nếp nhà hiện đại.

Hơn 40 thanh niên trong bản Khe Ngang thì chưa đến 10 người có thể thuộc một vài làn điệu dân ca của chính dân tộc mình. Về nhạc cụ dân tộc như kèn Amam, sáo Pi, chiêng..., số người trẻ biết và đam mê lại càng hiếm hoi. Hồ Ngọc (16 tuổi) cười bẽn lẽn, lắc đầu khi được hỏi về làn điệu dân ca hay nhạc cụ truyền thống của người Bru-Vân Kiều, trong khi điện thoại trên tay vẫn phát mãi một bài hát đang rất thịnh hành của giới trẻ trên các diễn đàn mạng.

Một đám cưới “hiện đại hóa” của người Bru-Vân Kiều ở bản Khe Ngang (Trường Xuân, Quảng Ninh)  .
Một đám cưới “hiện đại hóa” của người Bru-Vân Kiều ở bản Khe Ngang (Trường Xuân, Quảng Ninh) .

Cụ Hồ Thị Thêu (hơn 70 tuổi) vẫn còn nhớ nhiều làn điệu của dân ca Bru-Vân Kiều, nhưng cụ bảo mỗi lần muốn dạy cho con, cho cháu, lại chẳng ai muốn học bởi “khó nhớ, khó thuộc lắm”. Cụ chỉ thật sự được thỏa lòng khi thỉnh thoảng đội văn nghệ của bản tập luyện lại nhờ cụ chỉ dạy, hướng dẫn thêm.

Theo anh Hồ Nam, với sự giúp đỡ của các dự án, quỹ hỗ trợ, đội văn nghệ hơn 10 thành viên đã được tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu. Nhưng, thường chỉ khi có sự kiện hay được mời biểu diễn, đội mới thực sự tập luyện, bởi với nguồn kinh phí quá hạn hẹp, nhiều hoạt động khác, như: truyền dạy, tập bài mới..., không dễ để thực hiện thường xuyên, hiệu quả, trong khi lớp nghệ nhân già đang ngày càng “gần đất xa trời”.

Ông Trần Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân (Quảng Ninh) chia sẻ thêm, với một xã nghèo, khó khăn về nhiều mặt, dù đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc bảo tồn nét văn hóa của người dân tộc thiểu số, nhưng với nhiều nguyên nhân, công tác này đòi hỏi ngày càng nhiều nỗ lực hơn nữa.

Thực tế cho thấy, không chỉ riêng đối với văn hóa, mà nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội khác, tâm lý của không ít bà con dân tộc thiểu số vẫn còn khá ỷ lại, thụ động. Nhiều dự án sưu tầm, phục chế liên quan đến công tác bảo tồn, phục hồi vốn quý này sau khi triển khai và kết thúc, mọi chuyện lại “quay về như cũ”.

Nhận thức của bà con về vai trò của bản thân trong việc giữ gìn bản sắc của chính dân tộc mình vẫn chưa rõ nét. Một khi thiếu cộng đồng dung dưỡng, nét văn hóa dù đặc sắc như thế nào cũng dễ bị mai một. Mặt khác, xã cũng chưa có điều kiện để triển khai nhiều dự định ấp ủ, như: đưa dân ca Bru-Vân Kiều vào hệ thống trường học hay có một nhà văn hóa cấp xã để thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ thiết thực. Đó là khó khăn riêng của xã miền núi Trường Xuân và là tình trạng chung của không ít các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống khác.

Đối với lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số, công tác bảo tồn lại càng trở nên phức tạp hơn, không chỉ đối với những lễ hội đã bị mai một, mà ngay cả với những lễ hội đang diễn ra, bởi việc lai tạp, hiện đại hóa quá mức cũng rất đáng lo ngại.

Anh Mai Xuân Thành, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, khẳng định, trong thời gian qua, phối kết hợp với nhiều đơn vị liên quan, đặc biệt là các chương trình, dự án hỗ trợ, Sở đã triển khai nhiều hoạt động sưu tầm, phục dựng không ít lễ hội dân gian truyền thống dân tộc thiểu số. Nhưng, trên thực tế, không ít lễ hội sau khi được hỗ trợ phục dựng, lại khó có thể tồn tại hoặc duy trì chưa hiệu quả, do nhiều nguyên nhân, như: thiếu nguồn kinh phí, nhận thức của chính quyền sở tại, trách nhiệm của đồng bào địa phương...

... Đến tiếng nói, chữ viết

Các dân tộc thiểu số ở tỉnh ta không có hệ thống chữ viết riêng, mà đồng bào sử dụng hệ thống chữ viết phổ thông. Ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày giữa các cá nhân trong nội bộ dân tộc và nhóm tộc người, đồng bào các dân tộc thiểu số sử dụng tiếng nói riêng của mình. Khi giao tiếp với đồng bào các dân tộc người khác, hoặc trong các sinh hoạt xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng tiếng Việt phổ thông.

Nhờ đó, việc tổ chức những hoạt động văn hóa-thông tin trên địa bàn đồng bào các dân tộc ít người sinh sống gặp rất nhiều thuận lợi. Đồng bào có thể hưởng thụ, tham gia các sinh hoạt văn hoá, như: xem biểu diễn văn nghệ, xem phim, xem truyền hình, đọc báo ngôn ngữ phổ thông. Tuy nhiên, song hành với đó, nguy cơ tiếng nói riêng của đồng bào bị mai một lại rất dễ xảy ra.

Theo một cuộc điều tra của đề tài “Nghiên cứu vấn đề song ngữ dân tộc thiểu số, phục vụ công tác phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình” của Ban Dân tộc tỉnh triển khai năm 2011, được thực hiện với nhóm 400 người Chứt ở 7 xã miền núi thuộc 3 huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và Bố Trạch, chỉ 2,75% đồng bào đặt tên theo tiếng Chứt, 72,25% đồng bào đặt tên theo tiếng Việt và 25% đồng bào đặt tên pha lẫn giữa tiếng Việt và Chứt. Vậy là những cái tên như Oanh, Hồng, Tiến, Nguyên... đang dần trở nên quen thuộc ở những vùng núi, xu hướng Việt hóa cách đặt tên đang chiếm ưu thế.

Ngay tại gia đình, không gian sinh hoạt riêng của đồng bào dân tộc thiểu số, cũng tới hơn 29% sử dụng cả tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ để giao tiếp. Tỷ lệ này chiếm mức cao hơn ở lứa tuổi 7-14 hay 15-45.

Điều này cho thấy, mặc dù đồng bào đang hướng tới sự tiện dụng, bình đẳng trong sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hay đặt tên, nhưng vô tình lại đang dần đánh mất đi một phần bản sắc văn hóa đang rất cần định hướng bảo tồn. Với những xã miền núi giao thông đi lại khó khăn hiểm trở, sự ảnh hưởng đã mạnh mẽ như thế này, thì chắc chắn với các xã gần đồng bằng hơn, chắc chắn nỗi lo mất đi bản sắc càng hiện hữu.

Mai Nhân

Kỳ 2: Sức sống bắt nguồn từ chính cộng đồng