.

Họa sĩ Lê Duy Ứng và những kỷ niệm về Đại tướng

Thứ Sáu, 25/07/2014, 16:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Một ngày giữa tháng 6 năm 2014, chúng tôi đã được gặp Anh hùng LLVTND, họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng tại trụ sở Báo Quảng Bình và được nghe họa sĩ kể về những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi như bị thôi miên bởi tình tiết mới từ câu chuyện thể hiện lòng nhân ái bao la của vị tướng huyền thoại đối với những thương binh đã cống hiến tuổi thanh xuân vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Mở đầu câu chuyện, họa sĩ Lê Duy Ứng nhớ lại: “Trong cuộc đời, tôi đã may mắn có nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu tiên là vào năm 1975, khi tôi đang được điều trị vết thương tại bệnh viện 108. Đó là những giây phút đầy xúc động. Bởi thời điểm này Đại tướng Tổng tư lệnh còn bận trăm công nghìn việc".

Vào thời gian điều trị vết thương mù hai mắt, tranh thủ khi mọi người đã nghỉ ngơi họa sĩ Lê Duy Ứng say mê với công việc vẽ tranh, nặn tượng Bác Hồ. Một hôm, đang lúc say mê nặn tượng, họa sĩ nghe tiếng một người nói giọng quê hương Quảng Bình: “Ứng giỏi thật, đôi bàn tay rất nhạy cảm”. 

Rồi Đại tướng đến bên họa sĩ và động viên: “Chú có biết nhạc sĩ thiên tài Betthoven sáng tác những bản nhạc hay nhất vào giai đoạn nào không. Đó là khi nhạc sĩ bị điếc hai tai. Một nhạc sĩ cần nhất là âm thanh lại bị điếc cả hai tai cũng như một họa sĩ cần đường nét ánh sáng mà lại không nhìn thấy. Đồng chí hãy lấy tấm gương đó mà phấn đấu”.

Lời động viên đúng lúc đúng hoàn cảnh ấy thực sự như một cứu cánh cho cuộc đời họa sĩ Lê Duy Ứng. "Trong lúc tôi rất thất vọng và bi quan thì tôi được Đại tướng mở ra những triển vọng tương lai tươi sáng. Khi ấy tâm trạng tôi rất khó tả, vừa bâng khuâng hạnh phúc vừa xen lẫn sự ngạc nhiên" - Họa sĩ Lê Duy Ứng nói tiếp - Và không chỉ là lời động viên suông. Nỗi đau đáu của Đại tướng là làm sao để tạo điều kiện cho họa sĩ Lê Duy Ứng ra nước ngoài chữa mắt.

Hoạ sĩ Lê Duy Ứng và bức tượng Đại tướng Võ nguyên Giáp  (tác phẩm điêu khắc của hoạ sĩ)
Hoạ sĩ Lê Duy Ứng và bức tượng Đại tướng Võ nguyên Giáp (tác phẩm điêu khắc của hoạ sĩ).

Sau lần thăm đó, Đại tướng tự tay viết thư nhờ hãng hàng không VietNam Airline hỗ trợ cho họa sĩ Lê Duy Ứng một đôi vé máy bay miễn phí sang Nhật để mổ mắt. Ca mổ mắt cho họa sĩ Lê Duy Ứng thành công ngoài mong đợi. Ánh sáng được trả về với họa sĩ Lê Duy Ứng. Trong khoảng thời gian sáng mắt, họa sĩ đã vẽ  nhiều tranh, nặn  nhiều tượng về lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngắt lời kể của họa sĩ Lê Duy Ứng, chúng tôi hỏi: “họa sĩ đã vẽ được bao nhiêu bức tranh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp ?”.

Họa sĩ Lê Duy Ứng trả lời: “Nếu nhớ không nhầm thì trên dưới 1000 bức”. Điều cảm động là có những bức tranh vẽ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, họa sĩ Lê Duy Ứng đã được Đại tướng tạo điều kiện thuận lợi như ngồi làm mẫu. Nhưng quan trọng hơn là tình yêu thương, quan tâm đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm cho trái tim người họa sĩ thương binh niềm kính phục vô hạn. "Họa sĩ còn nhớ  kỷ niệm nào trong năm tháng chiến trường về Đại tướng?".

"Trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, tôi đã nhận được nhiệm vụ vẽ bức tranh cổ động dựa trên tinh thần bức điện lịch sử của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ngày 7-4-1975: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, Táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút. Xốc tới mặt trận.  Giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Tôi nghiền ngẫm suốt đêm về nội dung ý nghĩa bức điện của Đại tướng. Trong một thời gian ngắn, tôi đã vẽ xong bức tranh cổ động cao 1,6m, rộng 1,8m. Phần trên cùng của tranh, tôi đề: Hành quân thần tốc. Phần dưới cùng của tranh đề: Xốc tới giải phóng miền Nam” Bức tranh cổ động này đã góp phần tiếp thêm sức mạnh  cho các chiến sĩ tiến vào giải phóng hoàn toàn miền Nam".

Một vinh dự nữa là trong những năm tháng quê hương Quảng Bình vừa mới trở về địa giới cũ, họa sĩ Lê Duy Ứng đến thăm Đại tướng và báo tin: “Ngày mai cháu về thăm quê Bác ạ”. Đại tướng ngồi vào bàn viết một bức thư nhờ họa sĩ Lê Duy Ứng chuyển về cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình lúc bấy giờ là ông Thái Bá Nhiệm. Trong thư có dòng chữ được tô đậm thể hiện ý nguyện của Đại tướng với quê hương: “Phải đoàn kết”.

Trong cuộc sống hàng ngày, vợ chồng họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng vinh dự được Đại tướng nhiều lần mời cơm thân mật. Bữa cơm Đại tướng dành cho vợ chồng  người thương binh tuy đạm bạc mà nặng tình nặng nghĩa của một người Anh Cả quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng còn là nhà phê bình hội họa tài hoa. Trong những lần đến xem triển lãm của Lê Duy Ứng, Đại tướng đã có những cảm nhận sâu sắc: “Xem những bức tranh, những pho tượng của nghệ sĩ Lê Duy Ứng, tôi rất xúc động và cảm phục. Người đều có thần, cảnh đều có hồn. Cả đất nước đang sống và chiến đấu vì những lý tưởng cao đẹp của Bác Hồ và của Đảng. Chúc Lê Duy Ứng với tâm hồn trong sáng hiếm thấy và tài nghệ trong nhiều thể loại có những tác phẩm lớn.”

Nay Đại tướng đã về với đất mẹ quê hương. Với họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng, Đại tướng qua đời là cái tang lớn nhất của đời họa sĩ. Ông kể: “Đang đi trên đường về quê Quảng Bình thăm quê sau bão lũ số 10, em gái tôi gọi điện báo tin Đại tướng mất. Trời đất như sụp xuống. Vậy là bác Văn đã ra đi!. Biết đó là quy luật của trời đất nhưng tôi không cầm nổi nước mắt. Nỗi tiếc thương vô hạn với Người, tôi vội vàng đi nhờ xe đến Lệ Thủy, quê của Đại tướng để thắp một nén nhang. Khi thấy bức tượng của Người tôi đã ôm chầm mà khóc. Sau đó tôi nhanh chóng ra Hà Nội để viếng Đại tướng tại nhà riêng ở 30 Hoàng Diệu”.

Với tất cả niềm kính trọng, tri ân Đại tướng, họa sĩ Lê Duy Ứng đã có những vần thơ tặng Đại tướng: “Văn là anh, Võ là anh/ Anh là Đại tướng lừng danh muôn đời/ Như cây đại thụ giữa trời/ Ngát xanh thẳng đứng, sáng ngời thiên thu”. Họa sĩ cùng gia đình đã nhiều lần kính viếng đặt vòng hoa tại khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa-Đảo Yến. Để tri ân Đại tướng, họa sĩ Lê Duy Ứng có một tâm nguyện sẽ dành tâm huyết nặn bức tượng cao trên 10m về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt ở vị trí trang trọng trên quê hương Quảng Bình.                                                            

Phan Hòa