.

Bảo tồn vốn quý văn hóa dân tộc thiểu số - Kỳ 2: Sức sống bắt nguồn từ chính cộng đồng

Thứ Năm, 17/07/2014, 09:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Công tác bảo tồn và phát huy vốn quý văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta từ lâu đã được sự quan tâm, sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Bên cạnh đó, phải kể đến sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các chương trình, dự án từ nhiều nguồn khác nhau với cố gắng giữ gìn vẹn nguyên những nét văn hóa độc đáo này.

>> Kỳ 1: Làm sao giữ thắm bản sắc?

Những ngôi nhà sàn như thế này ngày càng ít đi ở các bản thuộc xã Trường Xuân (Quảng Ninh).
Những ngôi nhà sàn như thế này ngày càng ít đi ở các bản thuộc xã Trường Xuân (Quảng Ninh).

Tuy nhiên, trước sự tác động mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và mặt trái của nền kinh tế thị trường, không ít nỗ lực chưa thực sự mang lại hiệu quả. Vậy, điều kiện cần và đủ để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc dân tộc thiểu số trong bối cảnh hiện nay là gì, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Tân, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh để mang lại cho độc giả cách nhìn toàn diện hơn.

* PV: Thưa ông, đối với công tác bảo tồn vốn quý văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian qua, tỉnh ta đã có những chủ trương, chính sách cụ thể nào?

- Ông Hoàng Văn Tân: Bám sát những chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước, tỉnh ta luôn thực hiện những chủ trương, chính sách nhằm ưu tiên, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt: các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Tuy nhiên, mặc dù xác định rõ việc bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược cần phải tiếp tục thực hiện thường xuyên và lâu dài, tỉnh ta vẫn chưa có một chủ trương, nghị quyết cụ thể nào. Thực tế cho thấy muốn thực hiện tốt công tác này, đòi hỏi cần sự quan tâm thường xuyên, sâu sát, đặc biệt là về giữ gìn bản sắc trong tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, nếp sống... Trên cơ sở đó, cần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp và bảo tồn, lưu giữ các giá trị truyền thống, bền vững.

* PV: Có một thực tế hiện nay là không ít chương trình, dự án sưu tầm, truyền dạy hay phục dựng nhạc cụ, làn điệu dân ca, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ thu hút, thành công ở bước đầu, sau đó lại “vẫn như cũ”, chưa tạo được sự biến đổi rõ nét, sâu đậm. Ông lý giải về điều này như thế nào?

- Ông Hoàng Văn Tân: Việc bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào thiểu số không chỉ phụ thuộc vào vấn đề kinh phí hay nguồn nhân lực tham gia đào tạo, mà quan trọng hơn, đóng vai trò quyết định chính là cộng đồng nuôi dưỡng các giá trị đó. Điều này đồng nghĩa với việc tự bà con phải nhận thức rõ vai trò của mình trong nỗ lực gìn giữ bản sắc riêng có của mình, không ai có thể “làm thay” được. Một dự án dù đầu tư kinh phí lớn đến mấy, có sự giám sát chặt chẽ bao nhiêu, rồi cũng sẽ phải kết thúc, cái sống mãi chính là không gian sống duy trì các giá trị đó.

Chính vì vậy, công tác tuyên truyền đối với đồng bào, đặc biệt là hướng tới lớp trẻ, đóng một vai trò rất quan trọng. Chúng ta không thể “áp” từ bên ngoài vào, mà phải bắt đầu từ nội tại, sức sống phải từ chính cộng đồng có trách nhiệm. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận “độ vênh” trong các chủ trương, chính sách. Chẳng hạn, trong khi chúng ta đang nỗ lực gìn giữ nhà sàn-một biểu tượng văn hóa của người dân tộc thiểu số, thì bà con ở các bản vùng cao lại đang được hỗ trợ để xây dựng nhà kiên cố, hoặc theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, không ít nhà văn hóa bản cũng đang được “bê tông hóa” theo lối hiện đại.

* PV: Cách đây 3-4 năm, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) cử 2 cán bộ theo học tiếng Bru-Vân Kiều tại Ban Dân tộc tỉnh, nhưng khi trở về, từ đó đến nay, xã vẫn chưa có kinh phí để mở lớp truyền dạy cho các cán bộ của mình, đó có phải là thực trạng chung của nhiều địa phương ở tỉnh ta, thưa ông?

- Ông Hoàng Văn Tân: Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy vốn quý ngôn ngữ của dân tộc thiểu số, việc đào tạo để cán bộ hiểu và nói được tiếng bà con, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ cũng được tỉnh ta quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, cái khó nhất vẫn là nguồn kinh phí và nhân lực giáo viên. Trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, Ban Dân tộc tỉnh cũng mới chỉ mở được một lớp đào tạo tiếng Bru-Vân Kiều cho hơn 30 học viên.

Hướng về lớp trẻ trong nỗ lực bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số luôn là yếu tố then chốt nhất.
Hướng về lớp trẻ trong nỗ lực bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số luôn là yếu tố then chốt nhất.

* PV: Quay trở lại với vấn đề bảo tồn và phát triển ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số, vậy cần có những đổi mới như thế nào trong lộ trình thực hiện để nâng cao tính hiệu quả, tăng cường tính bền vững?

- Ông Hoàng Văn Tân: Trong nghiên cứu của Ban Dân tộc tỉnh đã chỉ rõ ngôn ngữ các dân tộc trực tiếp hình thành nên con người, văn hóa và linh hồn mỗi dân tộc, bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chính là cơ sở cho việc bảo tồn, phát triển vốn văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Quảng Bình có hai ngôn ngữ rất cần bảo tồn là ngôn ngữ Bru-Vân Kiều và ngôn ngữ Chứt.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu sâu hơn về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, chức năng xã hội; sưu tầm, ghi âm, bảo quản bằng nhiều hình thức vốn văn học dân gian, việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thiểu số yêu quý, tự hào ngôn ngữ mẹ đẻ và khuyến khích sử dụng tiếng mẹ đẻ để nuôi dưỡng bền vững tiếng dân tộc thiểu số đóng vai trò rất quan trọng.

Song song, trên cơ sở phát triển chức năng xã hội của ngôn ngữ, cần nghiên cứu để áp dụng, sử dụng bộ chữ Bru-Vân Kiều cho học sinh và nghiên cứu đặt chữ cho ngôn ngữ Chứt để bảo tồn, phát triển ngôn ngữ đặc biệt quý hiếm này. Ngoài ra, cần tăng cường mức độ thông tin tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số, từ chương trình truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đội thông tin lưu động song ngữ cho đến các biển treo, thông báo ở nơi công cộng bằng song ngữ...

* PV: Đối với nỗ lực bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số ở tỉnh ta, vẫn cần những điều gì phải làm, thưa ông?

- Ông Hoàng Văn Tân: Trước hết, bên cạnh các chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước, về lâu về dài, tỉnh ta cần có một chương trình, nghị quyết riêng làm kim chỉ nam, định hướng cho mọi hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số đối với các cấp, các ngành và các địa phương. Mặt khác, rất cần xác định rõ đây là một lộ trình lâu dài, cần sự vào cuộc, nỗ lực không chỉ chính quyền địa phương đó hay riêng ngành văn hóa, mà còn của nhiều ban, ngành, đoàn thể liên quan.

Đối với chính quyền địa phương, bên cạnh chú trọng các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, việc quan tâm đến tuyên truyền, động viên tăng cường năng lực cộng đồng về bảo tồn vốn quý văn hóa đặc sắc bản địa cần xem trọng. Đội ngũ thực hiện công tác dân tộc hoặc văn hóa ở địa bàn nhiều bà con dân tộc ít người cần được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu thường xuyên, đồng thời xem trình độ sử dụng tiếng dân tộc nơi công tác như một tiêu chí tuyển dụng, nâng ngạch. Hướng tới lớp trẻ, việc đưa tiếng dân tộc thiểu số và những bản sắc văn hóa đặc trưng vào chương trình giáo dục ở địa phương cần được xem xét và triển khai theo lộ trình cụ thể.

Hiện nay, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá trải nghiệm có những bước phát triển mới. Đây chính là cơ hội tốt để bà con vừa quảng bá nét đẹp văn hóa của mình, vừa có thêm động lực để bảo tồn, phát huy.

* PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Mai Nhân