.

Nhớ những hội xuân xưa...

Chủ Nhật, 02/02/2014, 08:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Với bề dày mấy trăm năm lịch sử, mảnh đất Quảng Bình ghi dấu với biết bao lễ hội xuân, dường như mỗi lễ hội lại mang những bản sắc, đặc trưng riêng có của từng vùng miền. Chỉ tiếc rất nhiều trong số đó hoặc đã mai một theo thời gian, hoặc đã phôi pha lắm đổi thay...

Hẳn trong ký ức ít người còn nhớ vùng lưu vực phía nam cửa lạch sông Linh Giang thuở trước tồn tại một làng vạn chài. Đó là nơi tập trung sinh sống của dân cư từ nhiều vùng mà người ta quen gọi với cái tên làng vạn chài Xuân Hồi. Lênh đênh trên vùng sông nước Linh Giang, cuộc sống người dân vạn chài quanh năm gắn bó với chiếc thuyền đơn sơ và những vật dụng quan trọng của nghề cá.

Cụ Hoàng Dâu (76 tuổi, Thanh Xuân, Thanh Trạch, Bố Trạch), người đã sống và gắn bó suốt những năm tuổi ấu thơ trên thuyền, xa xăm nhớ lại, những người quen kiếp sống "bốn bể" ở làng vạn chài Xuân Hồi thường chỉ gặp nhau vào những phiên chợ làng, chợ xã, chợ huyện để trao đổi mua bán các vật dụng cần thiết hoặc thi thoảng cùng sum vầy dăm ba câu chuyện bên manh lưới vá vội hay cần câu đương làm...

Mãi đến khi làng vạn chài được cá voi, được vua cấp đất làm nơi định cư lâu dài, làng mới "ấp Thanh Hà" (Thanh Trạch, Bố Trạch) mới ra đời. Ấy vậy, những người dân chài vẫn không quên gốc tích của mình, họ vẫn đau đáu bái vọng về quê xưa với lòng thành kính vô hạn. Mỗi năm, rằm tháng giêng và rằm tháng ba, làng tổ chức lễ hội sông nước "độc nhất vô nhị", thể hiện bản sắc riêng có của người dân làng vạn chài ven sông Linh Giang.

Lễ hội cầu ngư ở Thanh Trạch (Bố Trạch).
Lễ hội cầu ngư ở Thanh Trạch (Bố Trạch).

Trong cuốn "Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình", nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tú đã chia sẻ, cái đẹp và cái riêng biệt của hội làng này là chỉ người vạn chài tham dự và buổi lễ tổ chức ngay giữa dòng sông, không có người trên đất liền đến nhập hội, nhưng lại rất đông thuyền bè của các làng vạn chài trên lưu vực sông Gianh tham dự, cho nên, nó gần như một buổi họp thuyền cả lưu vực sông Gianh. Cụ Hoàng Dâu là một trong những cao niên hiếm hoi của làng Xuân Hồi vẫn còn nhớ rõ nét từng chi tiết của lễ hội xuân đặc sắc mà hiếm vùng sông nước nào ở Việt Nam có được. Bốn chiếc thuyền lớn được kết lại thành một, neo đậu giữa dòng sông trước cửa lạch, những tấm ván lát phẳng, rộng được bày để đặt hương án và đồ cúng tế, gọi là "đình trung". Xung quanh "đình trung", tất cả các thuyền chài to nhỏ lớn bé đều quây quần lại, tựa như một "làng chài di động" vừa được thành lập ngay trên sông.

Bên cạnh các nghi lễ cúng tế, cầu cho mưa thuận gió hòa, ra khơi làm ăn xuôi chèo mát mái... những hoạt động, như: thả đèn hoa đăng, bơi, đua thuyền, các trò chơi dân gian... cũng được duy trì, mang lại một không khí hội xuân tươi vui, náo nhiệt. Một nét riêng nữa của lễ hội xuân làng vạn chài Xuân Hồi là ở chỗ người đến dự không phải để vui chơi, hội hè, họ tìm đến lễ hội còn để nhớ về những người đã bỏ mạng trên sông nước, nhớ về gốc tích tổ tiên xưa. Chẳng vì thế mà ngay tại Hói Rào thường có một điểm thu tiền do những người địa phương đi làm ăn xa tự nguyện gửi về, quyên góp lập quỹ xá tội vong nhân nhằm tưởng nhớ những người đã khuất, không ai hương khói.

Người vạn chài Xuân Hồi giờ đã đi muôn nẻo lập nghiệp, nhưng vẫn luôn đau đáu nhớ về gốc tích và lễ hội xuân luôn là những ký ức không thể nào quên. Làng vạn chài Xuân Hồi giờ chia thành các thôn Thanh Danh, Thanh Xuân (Thanh Trạch, Bố Trạch), Xuân Lộc (Quảng Phúc), Tân Xuân (Quảng Phong). Ba năm một lần, lễ hội cầu ngư lại được tổ chức chung giữa 4 thôn, tuy nhiều nét đặc sắc khó giữ được như xưa nhưng cũng là một chút thương nhớ gửi về quá khứ...

Cùng chung số phận bị phôi pha theo thời gian là lễ hội xuân làng Lũ Phong (Quảng Phong, Quảng Trạch). Tương truyền, lễ hội xuân được tổ chức vào ngày 18 tháng giêng hàng năm. Ngoài việc cầu yên, đây còn là lễ công nhận sự trưởng thành và lên lão của một số thành viên trong làng. Phải nói thêm về sự "kỳ lạ" của đình làng Lũ Phong, như minh chứng cho nét văn hoá chưa nơi nào có của người dân nơi đây. Đó là đình làng không thờ Thành Hoàng hay một vị bách thần nào khác, mà lại thờ năm vị thần vô danh, không tên tuổi, được nhân dân tâm niệm là "thần". Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tú, người dân Lũ Phong lấy việc thờ thần, thờ dân, thờ văn, thờ võ, thờ lễ để làm năm nguyên tắc đối nhân xử thế, và cao hơn nữa là năm nguyên tắc ấy lại được tôn lên thành "thần" để cho mọi người thờ.

Trong nhiều ghi chép, ngay sau buổi lễ tế chung được tổ chức ở đình làng, trong khi dân làng tham gia hội rước nước từ đình ra chùa, thì các thanh niên, phụ lão trong độ tuổi quy định tập trung ở đình làng để xin trưởng thành hoặc lên lão. Đối với thanh niên đủ 18 tuổi, chăm chỉ, siêng năng, không vi phạm lệ làng, phép nước, thì chuẩn bị một mâm lễ nhỏ, gồm: một cơi trầu, một cút rượu, một thẻ hương trình lên Ban tế lễ. Đối với đàn ông 55 tuổi, chăm chỉ, đức độ, không vi phạm lệ làng phép nước, ngoài một mâm lễ như thanh niên sẽ phải kèm theo 6 đồng bạc. Nếu được Ban tế lễ, Hội làng chấp nhận, thanh niên sẽ được công nhận là trưởng thành, trở thành một trai đinh, đàn ông sẽ được lên lão, trọng vọng và tự hào. Nhiều hoạt động vui chơi mang màu sắc lễ hội cùng được làng tổ chức, như: hát nhà trò, hát ca trù, đua thuyền, vật truyền thống, đấu roi...

Lễ hội xuân làng Lũ Phong (Quảng Phong, Quảng Trạch) vẫn náo nhiệt, đông đúc, nhưng hiện không còn giữ lễ công nhận trưởng thành hoặc lên lão độc đáo thuở trước. Ảnh: Văn Thức
Lễ hội xuân làng Lũ Phong (Quảng Phong, Quảng Trạch) vẫn náo nhiệt, đông đúc, nhưng hiện không còn giữ lễ công nhận trưởng thành hoặc lên lão độc đáo thuở trước. Ảnh: Văn Thức

Cụ Nguyễn Trung Lương (78 tuổi, thôn 4, Quảng Phong) ngậm ngùi chia sẻ, giờ đây, dù hàng năm lễ hội xuân vẫn được tổ chức tưng bừng, thu hút sự tham gia đông đảo của bà con tứ xứ, nhưng nhiều nghi thức, lễ tế vẫn khó có thể đong đầy như xưa. Và nhất là nghi lễ trưởng thành, lên lão lại càng xa mờ hương khói, không mấy ai còn nhớ đến...

Dù sao, đó vẫn là những lễ hội còn giữ được một chút hồn gốc rễ, trong khi không ít lễ hội xuân giờ chỉ còn tồn tại trong sách vở hay trong ký ức của người xưa. Lễ hội động mõ Cảnh Dương (Quảng Trạch) cũng chịu chung số phận đó. Về Cảnh Dương những ngày cuối đông, lòng mong ngóng sẽ hỏi được một ít thông tin về lễ hội có một không hai này, nhưng lực bất tòng tâm, bởi những cụ cao niên biết về lễ hội đều gần đất xa trời, lớp trẻ đi sau ký ức lại càng như sương mù bao phủ. Đành ngậm ngùi lần giở qua những trang sách cũ. Sở dĩ, người Cảnh Dương xem trọng lễ hội này là bởi cái mõ có vai trò rất quan trọng ở làng biển, đó là phương tiện truyền tin, quyết định cái may cái dữ của làng.

Do vậy, tiếng mõ đầu năm liên quan chặt chẽ đến một năm may mắn hay bất hạnh của cả làng. Vào lễ hội đầu năm âm lịch, mõ làng được treo cao chừng 1,5 mét, sau các nghi lễ cúng tế thành hoàng, thổ thần, một vị chức sắc được lệnh gõ mõ với ba hồi chín tiếng kéo dài, rền vang, như báo hiệu một năm mới an lành, nhiều tin vui sẽ đến với làng biển. Sau khi lễ động mõ, nhiều tiếng động được làm, tạo sự huyên náo, vui vẻ, như: bổ củi, giã gạo, chặt cây... Và tiếp đó, các trò chơi dân gian cổ truyền như tiếp thêm sức mạnh niềm tin vào một năm mới nhiều may mắn.

Có ai đó từng nói rằng các lễ hội giống như gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, để nhiều thế hệ cùng hóa thân vào từng khoảnh khắc giữa đời thường. Mảnh đất Quảng Bình đầy nắng lắm gió cũng là nơi mạch ngầm của nhiều lễ hội cổ truyền đặc sắc. Dù đã mai một, vẫn tồn tại hay chỉ là một chút thoảng qua trong ký ức cố nhân, các lễ hội xuân chính là một lần nhắc nhở về quá khứ truyền thống hào hùng và thấm đẫm chất nhân văn của con người đất Quảng Bình xưa.

Mai Nhân