.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình trong các thời kỳ đấu tranh giữ nước

Thứ Sáu, 17/01/2014, 10:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Trên toàn quốc, trải qua ba lần chống quân Nguyên Mông - một quân đội đã từng chiến thắng gần khắp lục địa Á, Âu, sự đóng góp của quân dân cả nước rất lớn lao, trong đó có những địa phương nằm ở biên thuỳ xa xôi như Quảng Bình thời đó.

2. Tiếp tục cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương và mở rộng lãnh thổ dưới thời nhà Trần

Sau khi vương triều nhà Lý bị phế bỏ, triều đại nhà Trần thay thế, công cuộc khai thiết vùng đất Bố Chính, Lâm Bình được mở rộng, vùng biên cương phía Nam ngày càng được củng cố. Từ khi lên ngôi, vua Trần Thái Tông đã củng cố chế độ trung ương tập quyền, khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố quân đội và thiết lập quan hệ bang giao với các nước láng giềng. Đối với Chiêm Thành, Vua Trần Thái Tông đã có nhiều chính sách để giữ hoà hiếu hai nước "lấy đức vỗ về, sai sứ sang dụ" nhằm ổn định biên cường để xây dựng đất nước.

Trong khi đó ở phía bắc, sự phát triển của đế quốc Mông Cổ đang đe doạ nghiêm trọng nền độc lập và sự sống còn của dân tộc ta.

Vào đầu thế kỷ XIII, những bộ lạc chăn nuôi du mục người Mông Cổ sống trên thảo nguyên Châu Á bắt đầu tập hợp lại thành một quốc gia. Đó là quá trình chiến tranh đổ máu giữa các bộ lạc và liên minh bộ lạc và người chiến thắng cuối cùng là Thành Cát Tư Hãn. Thành Cát Tư Hãn đã xây dựng một nhà nước quân sự độc tài, lợi dụng ưu thế của tài cưỡi ngựa, bắn cung và tính ngoan cường của người Mông Cổ họ đã thành lập đội quân viễn chinh hùng mạnh tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược hầu hết các nước Châu Âu và Châu Á. Trong nửa thế kỷ chinh phục, vua chúa Mông Cổ đã lôi kéo thế giới vào những cuộc chiến tranh tàn khốc và đã lập nên một đế quốc hùng mạnh ở thế kỷ XIII.

Năm 1252, chúa Mông Cổ là Mông Kha (Mông Ke) sai em là Hốt-Tất-Liệt (Khu-Bi-Lai) và tướng Ngột - Lương - hợp - thai (U-ri-ang-khai-dai) đánh xuống nước Đại Lý (Vân Nam, Trung quốc). Lãnh thổ đế quốc Mông Cổ đã áp sát biên giới nước ta và cuộc chiến tranh xâm lược nước ta là không thể tránh khỏi. Đứng trước nguy cơ xâm lược của đế quốc Mông cổ, lại bị quấy phá của quân Chiêm Thành, Trần Thái Tông quyết định đem quân đánh Chiêm Thành, giữ vững biên cương phía nam, ổn định tình hình đất nước chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông.

Tháng hai năm Nhâm Tý (1252), vua Trần Thái Tông thân chinh đánh Chiêm Thành.

Cuộc tiến đánh Chiêm Thành của Trần Thái Tông năm 1252 là cuộc chinh phạt nhằm ngăn đe chứ không phải là cuộc chiến tranh xâm lược giành đất. Lúc này, triều Trần ý thức được rằng nguy cơ xâm lược chính là từ phương Bắc, vì vậy đánh Chiêm Thành là để loại trừ hiểm hoạ phía nam, tập trung cho cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông sắp tới. Cuộc tiến đánh Chiêm Thành kéo dài 10 tháng và quân Trần đã sử dụng lực lượng quân sự khá hùng mạnh. Trong cuộc chiến đó nhân dân Bố Chính và Lâm Bình đã có những đóng góp to lớn về sức người và sức của cho đội quân Trần chinh phạt Chiêm ngăn chặn sự quấy rối biên giới phía nam.

Sau cuộc tiến binh năm 1252, biên cương phía nam ổn định nhà Trần bắt tay vào chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, hai nước Đại Việt và Chiêm Thành cũng có kẻ thù chung, vì vậy đã liên kết, giúp đỡ nhau để bảo vệ độc lập chủ quyền của mỗi nước. Sau thất bại trong lần xâm lược lần thứ nhất (1258) quân Mông cổ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai. Lần này chúng mượn cớ đánh Chiêm Thành để xâm lược nước ta. Cuối năm 1282, đạo quân Nguyên Mông do Toa Đô (Xôghêtu) chỉ huy vượt biển đánh chiếm Chiêm Thành rồi âm mưu đánh lên Đại Việt từ phía nam, phối hợp với đại quân phía bắc đánh xuống nhanh chóng thôn tín nước ta.

Năm 1282 chúng theo chước cũ của nhà Tống, liên kết với Chiêm Thành đánh ta cả hai mặt; liên kết với Chiêm Thành không được thì đánh chiếm Chiêm Thành trước để làm bàn đạp đánh ta từ phía nam đánh lên trong khi đại quân chúng đánh từ phía bắc đánh xuống.

Năm 1283, tháng giêng âm lịch, quân Nguyên 7 lần dụ hàng Chiêm Thành không có kết quả. Ngày 13-2, quân Nguyên tấn công vào bức thành gỗ và chiếm được kinh đô Vijaya (Chà Bàn), vua Chiêm đốt hết kho tàng, làm vườn không nhà trống, rút vào rừng núi, tiếp tục chiến đấu. Quân Nguyên không dám đóng quân trong thành bỏ trống, bèn rút về vị trí cũ. Sau hơn một năm chiến đấu anh dũng và bền bỉ, nhân dân Chămpa đã đánh bại đạo quân viễn chinh của nhà Nguyên.

Âm mưu của Nguyên-Mông dùng Chiêm Thành làm bàn đạp đánh Đại Việt từ hướng nam lên đến đây đã bị nhân dân Chămpa đánh bại. Nhưng Toa Đô vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm xâm lược. Chúng không chịu chạy về theo đường biển mà rút quân ra phía Bắc Chămpa, đóng chốt lâu dài ở vùng Việt Lý, Ô Lý để chờ quân tiếp viện và tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt.

Thế là từ khi định cư lập ấp, suốt 213 năm xây dựng (1069-1282), vùng đất Lâm Bình, Ô Lý đang bị chiếm đóng. Sử cũ không ghi chép chi tiết diễn biến về cuộc chiến tranh chống Nguyên trong khi chúng tràn đến và chốt lại trên đất Lâm Bình-Ô Lý, nhưng căn cứ vào mệnh lệnh của vua nhà Trần, ban bố cho cả nước cũng hình dung ra được ý chí của vua tôi, dân chúng trong việc chống xâm lược Nguyên - Mông trên vùng đất này: "Tất cả các quận huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến thì phải liều chết mà đánh; nếu sức không địch nổi thì cho phép lãng tránh vào rừng núi, không được đầu hàng".

Như vậy trước nạn xâm lược của Nguyên Mông, người Quảng Bình thời đó tất phải tuân mệnh vua. Hình thái phải liều chết mà đánh; đánh không nổi thì tránh vào rừng; không được đầu hàng; là những hình thái của cuộc chiến tranh nhân dân, những tiêu chuẩn của chiến tranh du kích. "Tránh vào rừng, không đầu hàng" là cái gốc của tư tưởng địch mạnh thì quấy rối, địch yếu (hoặc so hở) thì đánh, đã đánh thì liều chết mà đánh; tránh vào rừng còn có nghĩa là đem hết lương thực, của cải vào rừng không cho địch chiếm dụng, lại để cho mình ăn mà chiến đấu lâu dài, rõ ràng là làm kế "vườn không nhà trống" ,đẩy kẻ thù đến một nơi "đất trắng", một chỗ "tử địa". Đó là một hình thái chiến tranh mà kẻ thù nào, dù mạnh đến mấy, dù tàn bạo hung ác đến mấy cũng phải khiếp sợ, cũng phải chịu thất bại.

Trên toàn quốc, trải qua ba lần chống quân Nguyên Mông - một quân đội đã từng chiến thắng gần khắp lục địa Á, Âu, sự đóng góp của quân dân cả nước rất lớn lao, trong đó có những địa phương nằm ở biên thuỳ xa xôi như Quảng Bình thời đó.

Theo Địa chí Quảng Bình

(Còn nữa)