.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Quảng Bình trong các thời kỳ đấu tranh giữ nước

Thứ Sáu, 24/01/2014, 14:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Với Chiêm Thành, từ khi nhà Lý suy yếu thường đem quân quấy rối, cướp phá cư dân ven biển. Từ khi Trần Thái Tông lên ngôi mặc dầu trong quan hệ hai nước họ cố giữ bên ngoài thuần phục, hàng năm cử sứ thần triều cống "nhưng đòi xin lại đất cũ, có ý nhòm ngó nước ta".

Quân Nguyên Mông bắt nhà Trần phải cung cấp lương thực và cho chúng mượn đường đánh Chiêm Thành. Nhà Trần không những khước từ yêu cầu đó mà còn đem quân và chiến thuyền giúp Chiêm Thành chống kẻ thù chung.

Cuộc chiến đấu của quân và dân Chiêm Thành diễn ra rất quyết liệt. Nhân dân Chiêm Thành đã dựa vào "sông núi bền vững" để tổ chức cuộc kháng chiến. Nhiều lần nhà Nguyên cử sứ thần sang thu phục đều bị bắt. Đầu năm 1282 quân Nguyên đánh chiếm kinh thành Chà Bàn (Vijaya), nhân dân Chiêm Thành đã cho đốt hết kho tàng, lương thảo thực hiện tiêu thổ kháng chiến, bất hợp tác với giặc, rút vào rừng tiếp tục cuộc kháng chiến. Sau hơn 1 năm chiến đấu anh dũng bền bỉ nhân dân Chiêm Thành đã đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông. Quân Toa đô phải rút quân ra phía bắc Chiêm Thành, đóng quân ở Việt Lý và Ô Lý (Quảng Trị, Thừa Thiên) chờ quân tiếp viện và phối hợp với đại quân của Thoát Hoan tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt.

Cuộc kháng chiến của nhân dân Chiêm Thành không những đã bảo vệ độc lập dân tộc mình mà còn giúp cho nước Đại Việt kìm chân giặc Nguyên Mông chuẩn bị chu đáo cho cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285) thắng lợi. Trong cuộc kháng chiến đó, hai nước Đại Việt và Chiêm Thành đã kề vai sát cánh cùng chiến đấu chống kẻ thù chung. Đây là biểu hiện đẹp đẽ của quan hệ giữa hai nước, cơ sở cho việc thiết lập quan hệ hữu nghị thân thiện ở giai đoạn sau.

Sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, quan hệ hai nước Đại Việt và Chiêm Thành trở nên thân thiện, hữu hảo. Tháng 3 năm Tân sửu (1301) Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông sang thăm Chiêm Thành. Trong chuyến viếng thăm này Thái thượng hoàng đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Vua Chiêm thành là Chế Mân. Đổi lại, Chế Mân dâng hai Châu Ô, Châu Lý của Chiêm Thành cho Đại Việt.

Tháng 2 năm Ất Tỵ (1305) "Chiêm thành sai Chế Bồ Đài và bộ đảng hơn trăm người dâng hiến vàng bạc, hương quý vật lạ làm lễ vật cầu hôn. Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm thành Chế Mân .

Việc gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân tuy có gây bất bình cho quan lại trong hoàng tộc, nhưng việc làm của Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông và vua Trần Anh Tông là hoàn toàn sáng suốt. Trên thực tế, dẫu cho nhà Trần đã chiến thắng quân Nguyên Mông, không có gì bảo đảm rằng nhà Trần đã loại trừ được tham vọng của quân Nguyên muốn tiến xuống phương Nam, nơi mà họ mơ ước kiếm được nhiều tài nguyên quý giá.

Vì vậy, giữ vững sự giao hảo tốt lành với Chiêm Thành không những là một sách lược ổn định mặt trận phía Nam  mà còn củng cố sự định cư lập ấp cho vùng Lâm Bình đã có từ đời Lý và vùng Ô Lý mới sát nhập.

Lúc đó, triều Trần có đủ sức mạnh quân sự để áp đảo Chiêm Thành và các nước nhỏ khác, nhưng triều Trần Nhân Tông không sử dụng vũ lực, mà Trần Nhân Tông lấy đức để "bình thiên hạ". Quan hệ giữa Chiêm Thành và Đại Việt gần 250 năm kể từ ngày vùng đất Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh được sát nhập vào Đại Việt là quan hệ thù địch, chiến tranh. Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông và Vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân là muốn thiết lập quan hệ bang giao hữu hảo hai nước, dập tắt ngọn lửa chiến tranh thù hận.

Từ khi có đất Ô Lý, châu Lâm Bình, Minh Linh, Bố Chánh như thêm vây cánh, thêm anh em, hai vùng lại có cái vị thế vô cùng thuận lợi: phía Bắc có Hoành Sơn, phía Nam có Hải Vân, phía Đông có hai dãy đại Trường Sa và tiểu Trường Sa, phía Tây có núi Giăng Màn (Trường Sơn), trở thành một vùng chiến lược quan trọng án ngữ ở phía Nam cho Đại Việt.

Sau khi Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý nhà Trần đổi thành Thuận Châu và Hoá Châu. Biên giới Đại Việt mở rộng đến đèo Hải Vân. Nhà Trần nhanh chống thiết lập bộ máy hành chính, thực hiện chính sách miễn tô, thuế, cấp ruộng vườn để thu phục dân chúng.

Tháng 5 năm Đinh Mùi (1307) Chế Mân chết. Theo tục lệ Chiêm Thành, vua chết thì hoàng hậu phải lên giàn hoả thiêu để chết theo. Vua Trần Anh Tông sợ công chúa Huyền Trân bị hại sai người sang tìm cách cứu công chúa vượt biển trở về nước. Sau sự kiện đó, quan hệ hai nước Đại Việt và Chiêm Thành trở lại thù địch gay gắt.

Con của Chế Mân là Chế Chí lên ngôi cất quân chiếm lại Châu Ô và Châu Lý. Tháng 12 năm Tân Hợi (1311), vua Trần Anh Tông phải thân chinh đem quân đánh Chiêm Thành để bảo vệ biên cương lãnh thổ ở phía nam. Trong cuộc tiến binh lần này Vua Trần bắt được Chế Chí đem về Thăng Long, đưa em Chế Chí là Chế Đà A Bà Niêm lên thay. Cũng như các lần trước, việc đánh Chiêm Thành là để răn đe, bảo vệ biên cương lãnh thổ của đại Việt, tuyệt nhiên không xâm lược chiếm đất. Sau khi thắng lợi, bảo vệ phần lãnh thổ Châu Thuận, Châu Hoá, Trần Anh Tông cho quân rút về nước.

Theo Địa chí Quảng Bình

(Còn nữa)