Trở lại làng chiến đấu Cảnh Dương

Cập nhật lúc 10:32, Thứ Năm, 22/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) -  Sau ngày chiến sự lan tới Quảng Bình, Cảnh Dương đã phát động toàn dân đem hết sức người, sức của ra xây dựng, bố phòng chuẩn bị kháng chiến. Với tinh thần "một tấc không đi, một ly không dời", quân dân Cảnh Dương đã anh dũng chiến đấu chống lại quân Pháp  bảo  vệ vững chắc quê hương, góp phần quan trọng đưa Cảnh Dương trở thành một trong những làng chiến đấu kiểu mẫu của  tỉnh và cả Liên khu 4...

Trong kháng chiến chống Mỹ, Cảnh Dương lại nêu cao tinh thần anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ cao cả: Chi viện chiến trường. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, địch dồn sức phản kích quyết liệt. Trên chiến trường Trị - Thiên, bộ đội ta vừa thiếu ăn, vừa thiếu vũ khí. Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 yêu cầu Quảng Bình chi viện vũ khí cho chiến trường. Nhiệm vụ này được tỉnh tin tưởng giao cho Đảng bộ và nhân dân xã Cảnh Dương.  Đối với Cảnh Dương, đây không phải là lần đầu xuất quân vượt biển làm nhiệm vụ. Trong kháng chiến chống Pháp, đội vận tải Cảnh Dương đã từng vượt sóng gió, vượt qua sự kiểm soát của địch đưa vũ khí, lương thực tiếp tế cho chiến khu... Lần này, với tinh thần "Tất cả vì miền Nam thân yêu, vì Trị - Thiên ruột thịt", Đảng bộ, quân và dân Cảnh Dương một lần nữa đã chứng tỏ cho cả huyện, cả tỉnh và đồng bào Liên khu 4 về tinh thần dũng cảm, mưu trí, ngoan cường của mình. Hơn 100 người với đủ mọi lứa tuổi từ 16 đến 60 của xã đã xung phong ra trận... Trong suốt cả chặng đường dài hành quân vào Nam, đoàn vận tải của xã đã phải chiến đấu chống lại nhiều đợt vây ép của địch, nhiều đồng chí đã anh dũng ngã xuống, có đồng chí không may rơi vào tay quân thù, bị chúng đánh đập, tra tấn dã man nhưng quyết không hề khai báo...

Cuối cùng, đợt hành quân giành thắng lợi... Đoàn vận tải của xã được đề nghị lên Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Quân công và Huân chương Chiến công... Chưa hết, trong chiến dịch lịch sử Hòn La, Cảnh Dương lại tiếp tục cùng với ngư dân các xã vùng biển của huyện Quảng Trạch lập các đội hỏa tuyến thực hiện phương án thuyền nan. Với khẩu hiệu "Mỗi tập thể là một trụ thép vững vàng, mỗi con người là một dũng sỹ quyết thắng", quân dân Cảnh Dương xứng đáng ở vị trí dẫn đầu, tiêu biểu cho ý chí "Lấy thuyền nan thắng thủy lôi giặc Mỹ"... Với những thành tích tiêu biểu đó, dân quân xã Cảnh Dương vinh dự được Chính phủ tuyên dương danh hiệu "Đơn vị Anh hùng LLVTND" ngay sau ngày đất nước giải phóng...

Đội du kích xã tuyên thệ
Đội du kích xã tuyên thệ "Quyết tử giữ làng" trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu

Trở lại Cảnh Dương lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Những dãy nhà cao tầng mọc lên san sát, con đường nối vào trung tâm xã đã được rải nhựa phẳng lỳ. Ngay sát bờ sông, từng đoàn thuyền buồm nối đuôi nhau nghỉ ngơi sau một thời gian dài đánh bắt hải sản... Diện mạo của vùng quê mới đã và đang khởi sắc từng ngày khi xã vinh dự được huyện Quảng Trạch chọn làm điểm để xây dựng nông thôn mới. Và điều đặc biệt là ý thức của người dân về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân được nâng lên rõ rệt. Đồng chí Đồng Thanh Quang - Phó chủ tịch xã Cảnh Dương cho biết: Nhiều năm qua, cùng với việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết QP-AN của cấp trên và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự xã nắm chắc tình hình, nắm chắc địa bàn để phối hợp xử lý các tình huống xẩy ra; phát động toàn dân tham gia xây dựng cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu; động viên con em trong độ tuổi thực hiện nghiêm túc Luật Nghĩa vụ quân sự, Cảnh Dương còn đặc biệt chăm lo đến việc quản lý và rèn luyện  lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên. Năm nào, kết quả huấn luyện của lực lượng dân quân địa phương cũng được Ban chỉ huy quân sự huyện đánh giá cao với tỷ lệ khá giỏi luôn đạt từ 75-80%. Người dân đã tự nguyện đóng góp mỗi tháng 2.000 đồng để chi trả phụ cấp cho 4 đồng chí dân quân cơ động thường trực làm nhiệm vụ. Người dân gọi họ một cách mộc mạc là "Tiểu đội dân nuôi"...

Toàn xã có 1.266 lượt cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương các loại; 7 lần được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công; lực lượng dân quân - du kích của xã cũng vinh dự được Chính phủ tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND ngay sau ngày đất nước thống nhất... Trong hoà bình, họ lại là những người tiên phong trong việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng về công tác quốc phòng, quân sự. Đây chính là cơ sở vững chắc để Cảnh Dương cùng với cả huyện, cả tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

                                                                                           Lan Anh

 

 

 

,
.
.
.