Đường 20, tuổi 20 - Một thời và mãi mãi

Cập nhật lúc 14:10, Thứ Năm, 05/01/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đường 20 xuất phát tại làng Phong Nha (Sơn Trạch, Bố  Trạch) vượt đỉnh Trường Sơn ở vĩ tuyến 17020 tại km 68 biên giới Việt Lào, qua Lùm Bùm, rút ngắn được cung đoạn nối xuống đường 9. Đường 20 vì vậy có ý nghĩa chiến lược, là một đầu mối trong hệ thống "Đường Hồ Chí Minh", con đường huyền thoại đã đi vào sử sách của dân tộc.

Lãnh đạo Bộ Giao thông-Vận tải và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã đặt tên cho con đường này là đường 20, bởi lẽ, lực lượng tham gia làm con đường là các đơn vị bộ đội, TNXP, anh chị em công nhân và đội ngũ cán bộ kỹ thuật... hầu hết đều ở lứa tuổi 20.

Đây là tuyến đường chiến lược nằm trong "Tầm nhìn xa" của Trung ương Đảng và Chính phủ. Bởi vậy công tác khảo sát, thiết kế được tổ chức triển khai rất chặt chẽ, khẩn trương. Năm 1962 hồ sơ về con đường đã được Ty Giao thông-Vận tải Quảng Bình sơ bộ lập xong. Đến năm 1965 Bộ Giao thông-Vận tải cử đoàn khảo sát do đồng chí Nam Hải phụ trách, vào tham gia trực tiếp kiểm tra khảo sát lại.

Theo chỉ thị của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, Ty Giao thông-Vận tải lập thêm một đoàn khảo sát nữa, do đồng chí Phạm Vọng - Phó trưởng Ty trực tiếp chỉ huy. Mỗi đoàn được phân công theo một hướng dựa vào các lối mòn, qua các bản làng, rừng núi và sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc ít người. Đoàn của Bộ phụ trách đi từ Phong Nha vào Cà Roòng. Đoàn Quảng Bình phụ trách từ Cà Roòng qua Lùm Bùm giáp đường 129. Tuy gặp lại địa hình phức tạp, nhiều dốc đứng, đèo cao, địa thế hiểm trở, nhưng yêu cầu về thời gian cần phải có sớm con đường chiến lược, phá được thế độc tuyến, phục vụ kịp thời yêu cầu của các chiến trường.

Cuối năm 1965, sau khi cơ bản hoàn thành việc khảo sát thiết kế và chuẩn bị mọi điều kiện, Trung ương quyết định cho mở cửa khẩu thứ hai vượt Trường Sơn. Đường 20 được lệnh triển khai thi công. Hàng chục xe máy, hàng trăm tấn bộc phá và lực lượng hùng hậu tham gia mở Đường 20 được tập kết gồm: 4.800 công nhân chủ lực của Bộ GTVT, E10 Bộ đội Công binh, E5 Bộ đội Bộ binh thuộc Đoàn 559, Đội 6 Cầu đường, Đại đội 07 TNXP Quảng Bình, Đội 03 TNXP Nghệ An, Đội 22 TNXP Hà Tĩnh, Đội 33 TNXP Ninh Bình và Đội 25 TNXP Nam Hà... Tất cả hơn 8.000 người sẵn sàng chờ lệnh (C7 TNXP Quảng Bình được lệnh nổ phát mìn động thổ ngày 22-12-1965 tại dốc Đồng Tiền).

Đường 20 Quyết Thắng hôm nay. Ảnh:M.Q
Đường 20 Quyết Thắng hôm nay. Ảnh:M.Q

Đúng 7h30’ ngày 30 Tết Bính Ngọ (tức là ngày 20-1-1966), đồng chí Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Tường Lân phát lệnh khởi công mở đường. Đồng chí Phan Trầm, Cục trưởng Cục Xây dựng cơ bản và đồng chí Kim Chi, Trưởng ban xây dựng 64 được Bộ Giao thông-Vận tải cử vào Ban chỉ huy Công trường 20. Đồng chí Phạm Vọng, Phó trưởng Ty Giao thông-Vận tải Quảng Bình cùng với 20 cán bộ, kỹ sư, trung cấp kỹ thuật đã được điều động đến công trường đường 20 lịch sử.

Sáu tháng liên tục vừa bổ sung thiết kế, xây dựng phương án, vừa triển khai thi công, các lực lượng tham gia làm Đường 20 đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ. Sức lao động của công nhân, bộ đội và TNXP. Các đề án ưu việt của tập thể ban chỉ huy công trường, chất xám trí tuệ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật đã chuyển hóa thành con đường chiến lược này. Chỉ trong 6 tháng, đường 20 được hình thành với chiều dài 125 km. Đường 20 thể hiện ý chí quyết tâm "phá thế độc tuyến" trên mặt trận giao thông vận tải, nên đường 20 còn có tên là "đường Quyết Thắng".

Ngày 31-5-1966 ghi một mốc thời gian lịch sử, ngày cửa khẩu đường 20 được mở tuyến. Từ đó đến mùa xuân 1975, vượt lên hàng ngàn tấn bom đạn của giặc Mỹ, các đoàn xe của Binh trạm 14 do đồng chí Hoàng Trá chỉ huy vẫn đêm đêm lăn bánh băng qua các trọng điểm để đưa hàng ra tiền tuyến. Các chiến sĩ cầu đường của Ban 67 do đồng chí Phan Trầm chỉ huy đã bám trụ ngày đêm, bảo vệ mạch máu giao thông.

Đường 559 - Bộ đội Trường sơn do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh đã dồn tâm trí, ưu tiên lãnh đạo, bảo đảm cho tuyến đường 20 đứng vững trong mọi tình huống. Trong chiến tranh ác liệt, quân và dân Quảng Bình luôn dành cho đường 20 những tình cảm đặc biệt và rất đỗi tự hào trước những chiến công hiển hách của các lực lượng đứng chân trên đường 20, đã góp phần xứng đáng trong công cuộc giải phóng dân tộc.

Ngày nay, khách đến tham quan đường 20, xuyên qua Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - Di tích thiên nhiên thế giới - để du ngoạn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những hang động kỳ vĩ, những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn. Đây là một phần của khu vực núi đá vôi cổ nhất ở châu Á, được tạo lập từ hơn 400 triệu năm về trước, nơi ngưng đọng những giá trị đặc biệt về sự hình thành và phát triển của trái đất.
Đây cũng là nơi có giá trị về đa dạng sinh học với 568 loài thực vật và 876 loài động vật. Khu vực này đồng thời là một trung tâm du lịch văn hóa lớn với hệ thống các hang động nổi tiếng. Đặc biệt là khu động Phong Nha, di sản thế giới thứ năm tại Việt Nam đã được tổ chức UNESCO (Liên hiệp quốc) chính thức công nhận ngày 7-5-2003.

Du khách đến đường 20 còn có dịp thăm lại chiến trường xưa thời chống Mỹ cứu nước: bến phà Xuân Sơn trên đường 15 và bến phà Nguyễn Văn Trỗi sát động Phong Nha cách nhau 4 km là hai trọng điểm vượt sông Son đi vào đường 20. Có ngày hàng trăm lượt máy bay Mỹ thay nhau trút bom đạn xuống đây. Ban đêm địch thả đèn dù sáng rực, soi mói tìm diệt con phà qua lại đôi bờ. Người này ngã xuống, người khác xông lên quyết giữ vững mạch máu giao thông. Các chiến sĩ C16 bến phà Xuân Sơn đã mưu trí chọn động Phong Nha làm nơi cất giấu phương tiện vượt sông (ca nô, phà, cầu phao), phấn đấu hoàn thành nghị quyết của Chi bộ: "Hang động là nhà, bến phà là trận địa".

Trên đường 20 là những địa danh như: cây số 0, dốc Đồng Tiền, ngầm Trạ Ang, đặc biệt tại cua chữ A, địch đánh phá 3.020 trận (có 270 trận B52). Nối tiếp cua chữ A là ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích dài 8 km, địch đánh hơn 10.000 lần (2.450 lần B52). Bình quân 1 chiến sĩ ở đây chịu đựng 1.000 quả bom các loại... Đó là những trọng điểm vô cùng khốc liệt. Biết bao mồ hôi, xương máu của bộ đội Trường Sơn, công binh, pháo binh, lái xe, thanh niên xung phong đã đổ xuống trên Đường 20 để đưa hàng ra tiền tuyến với một kỳ vọng thiêng liêng: giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Thời gian trôi qua, quê hương đất nước ta đang được xây dựng lại "đàng hoang hơn, to đẹp hơn" như lời Bác Hồ kính yêu đã căn dặn. Đường 20 được tu bổ, nâng cấp thành con đường huyết mạch, góp phần nâng cao đời sống đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch (Bố Trạch) và cũng là con đường của tình hữu nghị giữa nhân dân hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn (Lào) kết nghĩa anh em.

Ngày 5-4-2000, tại bờ Nam bến phà Xuân Sơn đầu đường 20 lịch sử, Thủ tướng Phan Văn Khải đã phát lệnh khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh thời công nghiệp hóa xuyên suốt Bắc-Nam. Riêng trên đất Quảng Bình với địa thế và vị trí chiến lược trong thời chiến cũng như thời bình, đường Hồ Chí Minh được mở đi hai nhánh Đông và Tây Trường Sơn. Nhánh I dựa theo đường 15 cũ, nhánh II bắt đầu từ thôn Khe Gát, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch tại km 29 rẽ về phía tây động Phong Nha vào giữa lòng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đến km 21 thì cắt ngang đường 20 tại ngã tư Trạ Ang đi vào dốc U Bò có độ cao hơn 800m, chạy thẳng vào phía tây Quảng Trị, giáp Đường 9 - Khe Sanh.

Ngày nay, đường 20 từ nam cầu Xuân Sơn vào đến ngã tư Trạ Ang với đoạn dài 19km mang thêm một chức năng mới là con đường ngang số IV nối hai nhánh Đông và Tây đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình.

Thăm lại tuyến đường xưa, chúng tôi cảm nhận rằng, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - Di sản thiên nhiên thế giới, có sự cống hiến hào hùng của lớp người đã từng chiến đấu hy sinh, trên bến phà Xuân Sơn bất tử, trong động Phong Nha kỳ quan, trong "Hang tám thanh niên xung phong" bi tráng (8 liệt sĩ TNXP gồm 4 nam và 4 nữ, cùng quê ở Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cùng nhập ngũ ngày 20-6-1971 và cùng hy sinh ngày 14-11-1972 trong hang núi đá tại km 16+500. Ngoài cửa hang còn có thi hài của 5 chiến sĩ pháo binh).

Những con người đã từng chiến đấu trên đường 20 năm xưa, đến nay dù còn, dù mất, đều ẩn hiện trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại, trên dòng sông Son phẳng lặng và trên các xã đầu đường 20 anh hùng... nhưng nơi đậm đặc di tích lịch sử qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Có thể nói, trên đất Quảng Bình có một di sản thiên nhiên thế giới được kết hợp với những di tích lịch sử có giá trị như thế, quả thật là một địa chỉ quý hiếm. Cũng vì vậy mà nhân dân Quảng Bình chúng tôi luôn cảm nhận rằng đường 20 là dấu soi lịch sử của một thời và mãi mãi.

Chỉ trong 7 năm, từ tháng 1-1966 đến tháng 1-1973, Đường 20 quyết thắng có 8 đơn vị và 9 cá nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (trong đó có 1 đơn vị TNXP và 2 cá nhân TNXP). Gần như hầu hết các đơn vị tham gia chiến đấu trên đường 20 quyết thắng thời gian trên đều được phong tặng danh hiệu anh hùng. Đó là một con đường ở miền tây Quảng Bình đạt thành tích xuất sắc nhất, vẻ vang hiếm có.

Đây là sự đóng góp và hy sinh lớn lao của nhiều lực lượng, bộ đội, TNXP, công nhân, dân công hỏa tuyến trên mọi miền đất nước và sự cưu mang đùm bọc, chở che của nhân dân Quảng Bình trong những năm chiến tranh ác liệt.

Những thành tích xuất sắc đó của các lực lượng trên đường 20 Quyết Thắng đã góp phần xứng đáng vào thành tích chung của lực lượng thanh niên xung phong Quảng Bình anh hùng hôm nay.

Lê Công Thú

  (Nguyên Chính trị viên Đại đội 3 Đội 25 TNXPAH đường 20 Quyết Thắng)


,
.
.
.