Về với Mỹ Thổ - Trung Lực

Cập nhật lúc 09:58, Thứ Ba, 15/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930, tổ chức của Đảng được xây dựng nhiều nơi trong tỉnh ta. Đêm 17-11-1931, tại miếu Thành hoàng, xã Tân Thủy, Lệ Thủy đã diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng, đó là thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của khu vực phía nam tỉnh Quảng Bình.

Vùng đất Lệ Thủy nói chung và vùng đất Trung Lực - Mỹ Thổ nói riêng vốn giàu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Năm 1931, phong trào cách mạng ở tỉnh ta phát triển khá mạnh. Vùng phía nam tỉnh ta có một số thanh niên yêu nước, có chí hướng cách mạng đã liên lạc được với tổ chức Đảng. Các thanh niên yêu nước ở Mỹ Thổ-Trung Lực đã từng bước giác ngộ cách mạng. Điều kiện đã chín muồi, đêm 17-11-1931, tại miếu Thành Hoàng, thay mặt tổ chức Đảng cấp trên, đồng chí Đoàn Bá Thừa đã tổ chức kết nạp 3 thanh niên yêu nước là Lê Thuận Chất, Nguyễn Đông và Lê Thuận Sản vào Đảng Cộng sản Đông Dương, thành lập chi bộ Mỹ Trung do đồng chí Lê Thuận Chất làm bí thư chi bộ.

Chi bộ Mỹ Trung ra đời là kết quả tất yếu của việc tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê nin vào phong trào yêu nước ở địa phương, đã mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ phong trào cách mạng có một chi bộ Đảng Cộng sản trực tiếp lãnh đạo. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong đời sống chính trị và tình cảm của người dân 2 làng Mỹ Thổ - Trung Lực nói riêng và cả phong trào cách mạng phía Nam Quảng Bình nói chung.

Sau khi ra đời, chi bộ Mỹ Trung đã lãnh đạo tổ chức nhiều cuộc mít tinh và đấu tranh trực diện với bọn địa chủ trong làng thu hút hàng trăm quần chúng tham gia vạch trần tội ác của bọn thực dân, cường hào, ác bá, khơi dậy lòng căm thù giặc trong nhân dân; vừa chăm lo phát triển tổ chức và kết nạp đảng viên mới. Nhờ vậy, chi bộ đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra các vùng khác trong huyện. Nhiều đồng chí đảng viên của chi bộ đã tích cực móc nối, giác ngộ, giáo dục, rèn luyện, giúp đỡ những người yêu nước ở các vùng lân cận, nên đã có sự ảnh hưởng rất lớn đến việc ra đời của các chi bộ như Văn Xá, Châu Xá vào năm 1933. Tiếp đến là một số các chi bộ khác như Thạch Bàn - Phú Thọ, An Xá,  Quy Hậu - Mỹ Trạch, Xuân Lai - Quảng Cư ...

Từ đó, các chi bộ đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng mà đỉnh cao là lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở Lệ Thủy trong cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945; đồng thời làm tiền đề cho sự ra đời của Đảng bộ huyện vào ngày 20-10-1945.

Miếu Thành hoàng- nơi thành lập Chi bộ Mỹ Trung. Ảnh: P. V
Miếu Thành hoàng - nơi thành lập Chi bộ Mỹ Trung. Ảnh: P. V

Phát huy truyền thống của Trung Lực - Mỹ Thổ, trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ Lệ Thủy đã lãnh đạo nhân dân đem hết tinh thần và lực lượng chiến đấu chống quân ngoại xâm với những chiến công hiển hách như chiến thắng Chợ Chè, Xuân Lai - Mỹ Lộc, đặc biệt là chiến thắng Xuân Bồ lừng danh đã để lại niềm tự hào cho các thế hệ mai sau.

Bước vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân bám làng chiến đấu, bám hố bom sản xuất, bám đồng ruộng thâm canh, một tấc không đi, một ly không rời với quyết tâm "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Xe chưa qua nhà không tiếc, Đường chưa thông không tiếc máu xương", đóng góp sức người, sức của chi viện cho miền Nam. Nhiều người con của quê hương đã nằm lại trên các chiến trường góp phần cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước bắt tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đã nêu cao truyền thống cách mạng của quê hương, phát huy nội lực, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, vượt qua khó khăn, tạo sự sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, bình quân hàng năm tăng 11%, thu nhập đầu người đạt 15 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, cơ cấu đầu tư toàn xã hội ngày càng hợp lý và hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần, an sinh xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ngày càng được củng cố vững mạnh.

Từ một chi bộ Mỹ Trung thành lập năm 1931 với 3 đảng viên, năm 1945 Đảng bộ Lệ Thuỷ ra đời với 7 chi bộ và hơn 100 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện đã có 66 đảng bộ, chi bộ trực thuộc với 535 chi bộ thôn,xóm và gần 10.000 đảng viên là hạt nhân lãnh đạo thắng lợi phong trào cáh mạng qua các thời kỳ.
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện khóa Lệ Thủy XXII, nhiệm kỳ 2010-2015 xác định mục tiêu, phương hướng trong 5 năm tới là: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tạo sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm chuyển biến tiến bộ trên tất cả các mặt, các lĩnh vực. Nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị xã hội, phấn đấu đưa Lệ Thủy phát triển toàn diện nhanh và bền vững".

Để thực hiện được mục tiêu đó, đòi hỏi phải có sự nỗ lực phấn đấu quyết liệt của toàn Đảng bộ, các cấp, ngành và nhân dân trong toàn huyện.

                                                             Nguyễn Đình Hiệu
                     Tỉnh ủy viên , Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lệ Thủy

,
.
.
.