Những tình cảm dành cho nữ pháo binh Ngư Thủy

Cập nhật lúc 09:49, Thứ Năm, 03/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Năm 1975 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi. Đất nước hoàn toàn độc lập, nhân dân ta hoàn toàn tự do. Có được thắng lợi to lớn đó là nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng và sự đoàn kết chiến đấu của toàn quân và dân ta.

Với tinh thần toàn dân kháng chiến, các tầng lớp nhân dân từ già trẻ, trai gái, từ miền xuôi đến miền ngược đều đứng lên giết giặc cứu nước. Với tinh thần “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” các nữ dân quân, du kích địa phương ở tỉnh ta hết sức dũng cảm, kiên cường ngày đêm chiến đấu giữ gìn quê hương. Hình ảnh mẹ Suốt, chị Trần Thị Lý hay các phân đội gái pháo phòng không Võ Ninh, Xuân Ninh, Phong Thủy, Tiến Hóa... từ lâu đã đi vào trong tâm tưởng của những người dân Quảng Bình. Và đặc biệt chúng ta không thể không nhắc đến Đại đội nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy với những chiến công và đóng góp của họ đối với quê hương Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đại đội nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy thành lập ngày 21-11-1967 dưới sự chỉ đạo của Tỉnh đội Quảng Bình. Đại đội lúc mới thành lập có 37 đồng chí, được phiên thành 3 trung đội: 1 trung đội chỉ huy (có một đài chính và một đài giao hội) và hai trung đội trận địa, 1 tiểu đội trinh sát, 1 tiểu đội thông tin, 1 đài chỉ huy, 1 đài giao hội và một tiểu đội hậu cần (1 y tá, 1 quản lý, 2 nấu ăn, 1 tiếp phẩm). Trong suốt 10 năm chiến đấu (21-11-1967 đến 16-12-1976) đơn vị đã nhiều lần bổ sung (do một số chị em chỉ chiến đấu một thời gian sau đó do điều kiện sức khỏe, việc gia đình nên xin nghỉ) vì thế quân số của toàn đại đội lên tới 91.

Trong quá trình hoạt động Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã đánh 8 trận (4 trận năm 1968 và 4 trận năm 1972). Đơn vị đã được công nhận 5 lần bắn cháy và chìm tàu chiến Mỹ bằng pháo mặt đất 85 ly để bảo vệ vùng biển đầu giới tuyến Quảng Bình. “Đêm trận địa tiếng pháo gầm bãi biển / Đuổi giặc thù nghe rõ tiếng chân em”. Đây là một thành tích rất đáng vinh dự và tự hào và ngày 25 tháng 8 năm 1970, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 Quốc khánh nước ta, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân. Đây là đơn vị dân quân thứ hai của huyện Lệ Thủy vinh dự trở thành Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân.

Thành tích xây dựng và chiến đấu của Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã làm nức lòng quân và dân cả nước, quân thù bàng hoàng kinh ngạc. Giặc Mỹ đâu có ngờ ở một làng cát nho nhỏ ven biển Quảng Bình lại có một đại đội nữ pháo binh tóc dài kiên cường và anh dũng như vậy.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Phi đen Cax tơ rô thăm Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy tháng 9- 1973. Ảnh: T.L
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Phi đen Cax tơ rô thăm Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy tháng 9- 1973. Ảnh: T.L

Và trong quá trình chiến đấu với những thành tích đó, đơn vị không những được chính quyền địa phương quan tâm, thăm hỏi mà còn được sự quan tâm, ngợi khen thành tích và động viên tinh thần của Đảng và Nhà nước với những chuyến thăm của các vị lãnh đạo Trung ương và các nguyên thủ, đoàn ngoại giao của nước ngoài.

Bộ trưởng Xuân Thủy về thăm đại đội pháo binh tóc dài vào một buổi chiều đầy nắng vẫn còn khét mùi thuốc súng, hơi bom sau trận đánh tàu chiến Mỹ. Xúc động, ông đã cảm tác 4 câu thơ tặng đại đội:

“Chiều nay Xuân Thủy thăm
Ngư Thủy
Trời biển mênh mông đất Quảng Bình
Giặc Mỹ  hay đâu cồn cát trắng
Anh hùng toàn những gái xuân xanh”

Chiến công bắn cháy tàu chiến Mỹ không những trong nước biết mà cả bạn bè thế giới đều biết và ca ngợi. Một số các vị nguyên thủ, các đoàn ngoại giao các nước như Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Cộng hòa dân chủ Đức (cũ), Cuba đã ghé thăm đại đội các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước và quân đội ta vào Quảng Bình đều đã đến thăm hỏi và khen ngợi. Đó là một vinh dự lớn của xã Ngư Thủy cũng như các chị em trong Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy.

Giữa tháng 9 năm 1973, đồng chí Chủ tịch Cuba Phi-đen Cax-tơ-rô và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi thăm vùng giải phóng Quảng Trị, khu vực Vĩnh Linh đã giành thời gian đến thăm Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy.

Chiều ngày 15 tháng 9 năm 1973, Chủ tịch Phi-đen Cax-tơ-rô đặt chân lên miền cát trắng Ngư Thủy. Đại diện Huyện ủy, Uỷ ban hành chính, các ban, ngành của huyện và đông đảo cán bộ, nhân dân các chị em đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã xúc động, nồng nhiệt đón tiếp Chủ tịch Phi-đen Cax-tơ-rô và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Các chị em trong đại đội đã làm thao tác nạp đạn vào pháo cho Chủ tịch Phi-đen xem. Chủ tịch Phi-đen đã khen các chị “Đúng là phụ nữ Việt Nam”. Chính trị viên đại đội Ngô Thị Thới thay mặt đại đội đã tặng Chủ tịch Phi-đen Cax-tơ-rô vỏ đạn pháo 85 ly trong trận chiến đấu bắn chìm tàu chiến địch ngày 7 tháng 2 năm 1968. Đứng giữa mọi người, Chủ tịch Phi-đen Cax-tơ-rô khen ngợi, tỏ ý mến phục chị em đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy gan dạ, anh hùng bắn cháy tàu chiến giặc Mỹ.

Đến cuối năm 1973, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy phấn khởi đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng, Bí thư quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam vào thăm. Các chị đã ra trung tâm huyện để đón tiếp Đại tướng. Nói chuyện với đội ngũ cán bộ huyện và các đại biểu đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn, Đại tướng đã nhắc nhở các đơn vị phải đề cao cảnh giác, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu phá hoại của địch, hết sức chi viện cho tiền tuyến. Những lời cổ vũ động viên và căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp thêm nguồn sức mạnh mới để nhân dân Lệ Thủy cũng như các chị em trong Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy vươn lên trong lao động sản xuất, chiến đấu và xây dựng hậu phương trực tiếp của chiến trường lớn.

Ngày 28 tháng 12 (âm lịch) năm 1973, Đại đội lại vinh dự đón đồng chí Trường Chinh đến thăm. Đồng chí đã đích thân đến tận trận địa, tỏ ý khâm phục cũng như dặn dò chị em làm cho đại đội càng được tiếp thêm sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng.

Đại đội nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy đã đi vào lịch sử dân tộc ta với những chiến công vang dội, các chị đã để lại những tấm gương sáng về lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu và sự thông minh sáng tạo cho các thế hệ mai sau. Các chị là những con người đã sống và chiến đấu anh dũng, kiên cường, xứng đáng với tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh, với dòng dõi con cháu anh hùng Bà Trưng, Bà Triệu, xứng đáng với vùng đất lửa Quảng Bình – Vĩnh Linh.

Và khi trở về với cuộc sống đời thường thì các chị vẫn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt tình và niềm tin cách mạng sâu sắc.   

                                                                            Hoàng Trọng Thủy
                                                                       (Bảo tàng tổng hợp tỉnh)

,
.
.
.