Hang đá thiêng trên đường Quyết Thắng

Cập nhật lúc 14:38, Thứ Ba, 18/10/2011 (GMT+7)

Trong chiến tranh, việc giành giật từng giờ từng phút với khốc liệt của bom đạn để thông xe của thanh niên xung phong (TNXP) trên đường 20-Quyết Thắng đã trở thành huyền thoại. Và câu chuyện về hang Tám Cô như một khúc tráng ca của huyền thoại đó. Họ là thanh niên tuổi đời hai mươi, cùng quê hương bản quán, nhập ngũ một ngày, cùng làm nhiệm vụ bám đường, cứu đường và cùng hy sinh trong hang bởi hòn đá tảng nặng hàng ngàn tấn bịt kín lối ra.

Mùa mưa cam go và ngày định mệnh

Tám TNXP ra đi khi chưa có mối tình nào để thương nhớ. Vậy nên thiên nhiên trước cửa hang đã tạo dựng ra “mối tình Trường Sơn” giữa cây lim xanh và cây si rừng, như muốn ẩn dụ rằng tình yêu của họ bất tử.

Mùa mưa năm 1972 hết sức cam go trên các nẻo đường ra trận. Con đường 20 vượt qua Trường Sơn rồi nối với đường 9 ngay vĩ tuyến 17 tại Lùm Bùm, có vị trí đặc biệt trong chi viện cho chiến trường miền Nam.

Lãnh đạo Đoàn 559, lãnh đạo Trung ương đã đặt tên đường là “con đường của tuổi 20” - do những người tạo dựng con đường đều ở lứa tuổi hai mươi. Đường 20 còn có tên Quyết Thắng, nên có tên ghép độc đáo: đường 20-Quyết Thắng.

Ngày 20-6-1971, tám thanh niên huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa gia nhập lực lượng TNXP cùng với hàng ngàn thanh niên khác trên khắp miền Bắc. Vào Quảng Bình, họ biên chế vào Đội 163 thuộc Ban 67, hoạt động trên đường 20-Quyết Thắng.

Năm 1972, địch đánh phá miền Bắc với cường độ hủy diệt nhằm ngăn chặn quân ta ra trận. Đường 20 trở thành cửa khẩu huyết tử. Nhưng bằng sức chiến đấu dũng cảm, cũng như sự nỗ lực tuyệt vời, đức hy sinh vô bờ bến của lực lượng TNXP nên cung đường luôn thông suốt trong mọi tình huống.

Ngày 14-11-1972, buổi chiều, trời u nặng như báo hiệu đợt rải thảm bom đạn B52 sắp đến - một kiểu đánh phá được nhận biết bằng linh cảm. Tại Km16 cung đường 20, mọi người chưa nghe tiếng phi cơ thì tiếng rơi xé mây của bom đã ập đến, bom vãi như sấm giáng trên đầu, không gian như bị xé vụn từng mảnh.

B52 rải 3 loạt bom, Km16 bị quật nát, cắt đoạn, đất đá bật tung, núi rừng chao đảo. Lẫn trong mớ âm thanh ấy có tiếng gì đó nặng nề, chuyển động ầm ầm. Cả vùng đất nơi tám TNXP trú bom rùng mình như bị địa chấn. Cái hang họ lánh bom ngỡ như bị sập. Một hòn đá tảng nặng hàng ngàn tấn rơi từ đỉnh núi xuống bít kín cửa hang, chôn sống tám TNXP.

Tiếng kêu từ hang đá...

Ngày 15-11-1972, cả đại đội biết được tin tám TNXP bị đá chôn sống trong hang, ai cũng nháo nhào tìm phương án giải cứu. Có người đưa ra ý kiến nổ mìn nhưng bị phản bác, vì bắn mìn sẽ gây chết cả tám người ngay tức khắc. Sau đó Ban 67 cho 3 xe bánh xích vào cửa hang kéo tảng đá nhưng không di chuyển được. Mọi người đành bất lực, tám TNXP lụy dần trong 9 ngày để rồi ra đi vĩnh viễn vì đói, khát và thiếu dưỡng khí.

Hang đá tám TNXP bị đá chôn vùi nay được tạo dựng lại tôn nghiêm, được Bộ VHTT công nhận di tích lịch sử quốc gia.

Điều mà đồng đội của tám TNXP làm được trong lúc tuyệt vọng qua 9 ngày sinh tồn đón nhận cái chết của tám TNXP là nấu cháo loãng, dùng ống tuy ô đổ cháo vào để anh em kéo dài cuộc sống. Đồng đội đã luồn ống tuy ô vào, luồn sâu khoảng 5m, thấy ống động đậy liền cho cháo vào.

Suốt 9 ngày trời, người ta nghe thấy tiếng kêu văng vẳng: “Cứu chúng em với”. Ai cũng đoán chắc là tiếng kêu con gái. Bởi lẽ tiếng con gái lảnh lót hơn khi va đập vào vách đá, và như thế dễ phát được âm thanh ra ngoài.

Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ.
Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ.

Tiếng kêu ngày một dằn vặt, ngày một tuyệt vọng rồi lịm đi trong sức tàn lực kiệt. Đến ngày 23-11-1972 - ngày thứ 9, ngày được xác định lần cuối cùng những tiếng gọi “Bầm ơi”, và những tiếng “Cứu chúng em với” bắt đầu tắt lịm trong hang đá.

...Câu chuyện của tám TNXP bị vùi trong hang đã lan trên mọi chiến trường và hậu phương. Những người lính vào Nam dừng lại ở Km16, đứng trước cửa hang, họ hối hả nghiêng bình toong dốc những giọt nước vào miệng ống tuy ô bên kẽ đá, ghé tai nghe ngóng, rồi vội vàng xốc lại ba lô lên đường theo đơn vị.

Cũng có đơn vị hành quân nghỉ chân trước cửa hang, nhiều người lính cẩn thận lấy lương khô, nghiền nát trong ăng gô, đổ nước vào rồi cẩn trọng nghiêng miệng ăng gô cho chảy qua ống tuy ô với mong muốn tiếp thêm sức cho đồng đội trong hang đá.

Rồi những người lính thương tật trở ra từ chiến trường miền Nam đã dừng lại trước hang đá, bỏ vội ba lô, lấy ra mấy viên thuốc bổ được nhận từ các trạm cứu thương, họ tỉ mẩn bỏ vào ống tuy ô với niềm hy vọng mong manh. Nhưng tám TNXP đã vĩnh viễn không có được điều kỳ diệu nào.

Gương dũng kiệt

Danh sách tám TNXP cùng quê Hoằng Hóa-Thanh Hóa, hy sinh trong hang đá tại Km16 đường 20

1. Nguyễn Văn Huệ (SN 1952)
2. Trần Thị Tơ (SN 1954)
3. Nguyễn Văn Phương (SN 1954)
4. Lê Thị Lương (SN 1953)
5. Hoàng Văn Vụ (SN 1953)
6. Đỗ Thị Loan (SN 1952)
7. Nguyễn Mậu Kỹ (SN 1935)
8. Lê Thị Mai (SN 1952)

Tám TNXP nằm đó đúng 25 năm. Tháng 3-1996, một trung đội công binh Quảng Bình dùng 80kg thuốc nổ phá đá đào bới gần 60 ngày đêm mới tìm thấy 8 bộ hài cốt.

Người ta xúc động đến khóc khi phát hiện trong hang có hai cụm xương, một cụm xương gần cửa hang, được xác định của anh Hoàng Văn Vụ, xương tay rướn tới cào vào mép đá như một nỗ lực cuối cùng “tìm về cuộc sống”.

Cụm xương thứ hai có 7 bộ xương gồm của hai nam, năm nữ, người ta đoan chắc, trước khi chết cả 7 con người này đã ôm lấy nhau để cùng ra đi.

Chính điều này mà huyền tích “hang tám TNXP ra đời”. Ngoài ra, trước cửa hang cũng cất bốc thêm 5 hài cốt liệt sĩ của binh chủng pháo binh.

Cơ quan chức năng đã đưa tám TNXP và 5 liệt sĩ pháo binh về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Thọ Lộc (Bố Trạch). Còn hang đá được tôn tạo thành di tích lịch sử, và một đền thờ nghiêm trang cũng được dựng lên ngay cạnh hang.

Một bài phú của Anh hùng lao động-Giáo sư-Nhà văn hóa Vũ Khiêu cũng trang trọng khắc lên bia đá để tưởng nhớ đến đức hy sinh quả cảm; vô bờ của tám TNXP nơi đây. Bài phú có đoạn:

“Đường 20: Một miếu khang trang
Đỉnh Quyết Thắng: Trăm cờ khánh tiết
Tưởng niệm những anh hùng, xót thương bao nghĩa liệt
Tuổi chẳng thọ nhưng huân công mãi mãi trường tồn…”.

Lúc nào ở đền thờ hang tám TNXP cũng nghi ngút khói hương, du khách nước ngoài, người thân các liệt sĩ và đồng đội tấp nập nghiêng mình trước vong linh “bất diệt” của họ. Người ta nói các TNXP chết trẻ mà chết bi tráng như thế là thiêng, vậy nên những ai qua lại trước cửa hang cũng thắp hương thành kính cầu khấn sự yên bình trước khí tiết: “Vươn cao muôn trượng bóng anh hùng/Tỏa sáng mười phương gương dũng kiệt”. (Chữ dùng của Nhà văn hóa Vũ Khiêu).

                                                                                                             Minh Phong

 

,
.
.
.