Hàn Mặc Tử qua ký ức của người thân

Cập nhật lúc 10:59, Thứ Năm, 06/10/2011 (GMT+7)

Số phận đã khéo trói buộc những thi nhân có một đời sống nội tâm rất đỗi lạ thường, họ nặng nỗi với đời, với người, với vạn vật của tạo hóa… Hàn Mặc Tử là một nhà thơ kiệt xuất , một hiện tượng nổi bật của văn học Việt Nam giữa thời hoàng kim của phong trào thơ mới.

Với tài năng xuất chúng của mình, với nỗi đớn đau của định mệnh vô cùng nghiệt ngã, ông đã hoàn tất

Hàn Mặc Tử
Hàn Mặc Tử

sứ mệnh với cuộc đời, để lại cho đời một di sản vô cùng quý báu với nhiều câu thơ kỳ diệu có thể xếp vào hàng hay nhất của thi ca Việt Nam. Bảy mươi năm qua, kể từ ngày thi sĩ rời xa cõi thế, đã có không biết bao nhiêu người thuộc mọi tầng lớp, mọi trình độ đã kính cẩn nghiêng mình rơi lệ trước anh linh của người thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh này. Với tư duy khác lạ , cùng với sức tiên cảm đặc biệt của một bậc thánh thi, trong những tháng năm ngắn ngủi của đời mình, Hàn Mặc Tử đã hóa giải được mối liên hệ thống nhất khăng khít giữa thi sĩ với vũ trụ vô thủy vô chung này.

    "Một mai kia ở bên khe nước ngọc
    Với sao sương anh nằm chết như trăng
    Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
    Đến hôn anh và rửa vết thương tâm".

Sinh thời, nhà thơ tài hoa này đã mắc phải một chứng bệnh khốc hại (bệnh phong) mà cho tới nay người đời vẫn cứ đinh ninh rằng Hàn Mặc Tử phải sớm lìa xa cõi thế cũng vì chứng nan y này.

Rất ít người biết được rằng, từ sau khi được người anh rể (chồng của chị Lễ), một viên chức làm việc trong ngành xét nghiệm phát hiện bị mắc bệnh phong, suốt bốn năm trời chạy chữa và dưỡng bệnh ấy, dẫu rằng có rất nhiều những người bạn, những người tình trong mộng đến bên cạnh Hàn Mặc Tử, vậy mà "vết thương tâm" trong nhà thơ vẫn cứ mỏi mòn.

Hạnh phúc thay còn có một người, đó là ông Phạm Hành (em con chú ruột của Hàn Mặc Tử), vì quá thương anh sớm lâm trọng bệnh đã bỏ học để theo chăm sóc, đưa cơm xách nước, phục vụ chu tất trong những ngày nhà thơ chống chọi tuyệt vọng với căn bệnh nan y.

Là anh em chú bác ruột, nhưng người mang họ Nguyễn (Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912, tại làng Lệ Mỹ, nay thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), người lại mang họ Phạm, là do ông nội của nhà thơ và ông Hành là ông Phạm Bồi (người gốc Thanh Hóa), vì có liên quan đến phong trào Cần Vương chống Pháp, nên sau khi thất bại, ông Bồi đã phải trốn vào ẩn dật ở đất Thừa Thiên.

Khi sinh ra thân phụ của Hàn Mặc Tử, ông Phạm Bồi đã cải họ Phạm của mình thành họ Nguyễn và đặt tên cho con là Nguyễn Văn Toản nhằm tránh những rắc rối về lý lịch sau này. Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, khi sinh ra thân phụ của ông Hành thì ông Phạm Bồi vẫn giữ nguyên họ Phạm để đặt tên cho con?

 

Ông Phạm Hành.
Ông Phạm Hành.

Ông Phạm Hành sinh năm 1924, tại làng Thanh Tân, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế). Khi lớn lên, do những run rủi của phận người, bước chân ông đã dạt trôi đến vùng đất ở phía Nam cầu Mỹ Chánh, thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) và sống luôn ở đó cho đến bây giờ.

Thời điểm tôi cùng với Nhà báo Nguyễn Hoàn ở Báo Quảng Trị (nay nhà báo Nguyễn Hoàn là Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Quảng Trị) tìm đến được nhà ông Hành, trông ngôi nhà của vợ chồng ông trú ngụ nhỏ bé và tuềnh toàng lắm, nằm khuất sau một lối đi nhỏ cỏ mọc um tùm, hoang vắng. Vườn nhà tuy rộng nhưng cũng chỉ có mấy gốc chè, vài cây mít…

Gia sản đáng giá nhất có chăng cũng chỉ là một cỗ hậu sự do mấy người con đi xây dựng vùng kinh tế mới ở tận trong miền Đông Nam Bộ gom góp chuẩn bị sẵn cho ngày ra đi của ông và một kho ký ức về nhà thơ tài danh Hàn Mặc Tử.

Sau khi cha mất sớm, Nguyễn Trọng Trí được mẹ đưa vào Quy Nhơn để sống với người anh ruột là Nguyễn Trọng Nhân (lúc này ông Nhân là công chức ở Sở Cầu đường Quy Nhơn, Bình Định). Năm 1928, Nguyễn Trọng Trí được mẹ cho ra Huế học. Năm 1930, Nguyễn Trọng Trí đoạt giải nhất cuộc thi thơ do một thi xã tổ chức với bút hiệu là Lệ Thanh và Phong Trần.

Năm 1932, Nguyễn Trọng Trí làm công chức ở Sở Đạc Điền Quy Nhơn dưới quyền của Thương tá Hoàng Phùng (thân sinh của bà Hoàng Thị Kim Cúc - người yêu của Hàn Mặc Tử). Năm 1934, Nguyễn Trọng Trí theo Thúc Tề vào Sài Gòn ôm mộng viết báo, làm thơ, lấy bút hiệu là Hàn Mặc Tử. Năm 1936, thấy mình nhuốm bệnh, Hàn Mặc Tử đã từ giã những người bạn cùng ôm mộng làm thơ, viết báo của mình, từ giã cả Sài Gòn hoa lệ để quay trở ra Quy Nhơn và xuất bản tập thơ đầu tay "Gái Quê"...

Năm đó, ông Hành chừng mười hai, mười ba tuổi gì đó. Sống bên cạnh Hàn Mặc Tử, ngày ngày ông giúp nhà thơ thay quần áo rồi gói ghém mang đến tiệm thợ giặt, lo bưng cơm, rót nước, đặc biệt là lo dán tem lên những bì thư rồi đạp xe đi bỏ thư vào những thùng thư mà Nha Bưu điện đặt rải rác dọc các đường phố Quy Nhơn. Ông Hành nhớ là hầu như ngày nào anh Trí cũng bảo ông đạp xe đi gửi thư, có ngày tới ba, bốn lá…

                                                                    Phan Bùi Bảo Thi (ANTG Cuối tháng)

,
.
.
.