Chiến thắng Xuân Bồ

Cập nhật lúc 15:45, Thứ Năm, 27/10/2011 (GMT+7)

Tháng 5-1947, làng Xuân Bồ, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy), bị giặc chiếm đóng. Ngày 20-2-1950, vị trí Xuân Bồ bị bộ đội địa phương huyện tiêu diệt. Sau giải phóng, nhân dân rào làng chiến đấu bảo vệ xóm làng. Tuy đã giải phóng nhưng Xuân Bồ vẫn nằm trong thế bị bao vây từ ba phía, không xa là các đồn Thượng Phong, Phú Thọ, Mỹ Trạch và căn cứ pháo binh Hòa Luật Nam.

 

Bản đồ trận Xuân Bồ trong tư liệu lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Quảng Bình.
Bản đồ trận Xuân Bồ trong tư liệu lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Quảng Bình.

Tối 19-5-1950, các đơn vị của Trung đoàn 18 bộ đội chủ lực tỉnh cùng với nhân dân nơi đóng quân họp mít tinh kỷ niệm mừng ngày sinh lần thứ 60 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát động “Bảo vệ mùa thắng lợi”.

 

Phát hiện được tình hình đóng quân của trung đoàn, trong đêm tối, quân địch bí mật vượt sông từ hai hướng chiếm lĩnh trận địa, bao vây tiểu đoàn 436 do đồng chí Nguyễn Minh đức và đặng Trung chỉ huy, ở làng Xuân Bồ. Lực lượng địch với hai tiểu đoàn gồm 1.200 tên, có máy bay, pháo binh yểm trợ.

Cánh thứ nhất do tên thiếu tá Sơ-ríp chỉ huy tiểu đoàn 8 quân ứng chiến liên tỉnh từ Quảng Trị ra, ém quân tại đồn Mỹ Trạch vượt sông sang bờ bắc bao vây cuối làng Xuân Bồ. Cánh quân thứ hai do tên thiếu tá Lăng-le chỉ huy tiểu đoàn 1 quân ứng chiến tỉnh từ hướng Thượng Phong vượt sông theo đường tỉnh lộ vượt qua các làng Phan Xá, Hoàng Giang bao vây phía đầu làng Xuân Bồ tạo thành thế hai gọng kìm kẹp chặt tiểu đoàn 436, dưới sự chỉ huy trận càn của tên tướng Lơ-brít, tư lệnh quân Pháp ở Trung phần.

8 giờ sáng ngày 20-5-1950, dưới sự yểm trợ của máy bay, pháo binh địch ở Hòa Luật bắn sang, quân giặc từ hai hướng bắt đầu mở cuộc tấn công vào quân ta ở Xuân Bồ. Đại đội 56 do đồng chí Thái Cán chỉ huy đã kiên cường chiến đấu chặn địch ở phía cuối làng, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của tiểu đoàn ứng chiến liên tỉnh. Đại đội 7, do đồng chí Bình Sơn chỉ huy ở phía đầu làng dựa vào các lùm tre, hầm hào công sự đẩy lùi nhiều đợt tấn công do cánh quân ứng chiến tỉnh theo đường tỉnh lộ từ Phan Xá, Hoàng Giang đánh sang.

Được tin quân địch mở cuộc tấn công, tiểu đoàn 436 đang bị bao vây, ban chỉ huy trung đoàn 18 do đồng chí Phùng Duy Phiên, Trung đoàn trưởng, đồng chí Tống Thái, Trung đoàn phó và Chính ủy Lê Văn Hiến (Quốc Dũng) quyết định đưa tiểu đoàn 274 vượt sông chi viện cho tiểu đoàn 436 và điện vào Bộ chỉ huy Mặt trận Bình-Trị-Thiên xin bám trụ đánh địch bảo vệ mùa.

Từ 8 giờ đến 10 giờ, các cánh quân địch liên tục tấn công đẩy quân ta vào thế bị động chống đỡ. Cuộc chiến đấu diễn ra ở tất cả các đại đội trong tiểu đoàn trở nên ác liệt. Một số bị thương vong, các chiến sĩ đại đội 88, đại đội 7 có lúc phải rời công sự tổ chức các đợt phản kích nhưng quân địch đông và hỏa lực mạnh đã áp đảo quân ta.

Trong lúc cuộc chiến cam go, Chính ủy Lê Văn Hiến đã cùng một trung đội vượt sông sang trước để chỉ đạo, động viên bộ đội cầm cự chờ quân tiếp viện, dẫn đầu đoàn quân vọt khỏi chiến hào xông lên hô vang: “Các đảng viên cộng sản cùng đồng đội tiến lên! Xung phong! Xung phong!”. Tiếp sau lời hô của Chính ủy, từng lớp chiến sĩ bật dậy xông lên đẩy lui các đợt phản kích của địch. Một số nơi, chiến sĩ ta đã gây cho địch nhiều thương vong, buộc chúng phải co cụm chống đỡ.

Hơn 2 giờ đồng hồ chờ tiểu đoàn 274 vượt sông sang chi viện, các đại đội của tiểu đoàn 436 đã quần nhau với giặc ở từng khúc sông, có nơi đánh giáp lá cà cùng nhau vật lộn dùng lê quật ngã hàng chục tên giặc. Chính thời điểm đó đã xuất hiện tấm gương chiến đấu hết sức dũng cảm của Lâm Úy, một tiểu đội trưởng của đại đội 2. Vừa qua sông sang, Lâm Úy bị ổ đại liên địch bắn mạnh cản trở đường ta vượt sông. Anh khôn khéo lừa địch, áp sát, ném hai quả lựu đạn diệt gọn ổ đại liên cùng 4 tên giặc, tạo thế thuận lợi cho quân ta vượt sông. Anh tiếp tục dẫn đầu tiểu đội truy kích giặc, diệt tiếp 4 tên.

Trong lúc mải mê đánh địch, bị địch vây định bắt sống nhưng anh dũng mãnh xông thẳng vào đội hình chúng, dùng lê xuyên tim một tên giặc. Tên sĩ quan cao to nhảy vào ôm ghì lấy anh. Anh vật lộn, kéo tên giặc xuống sông. Sau trận đánh đơn vị tìm thấy anh hy sinh ở mép sông trong tư thế anh và tên giặc ôm lấy nhau, miệng vẫn cắn vào cổ tên giặc. Trận đánh đó, riêng anh diệt 10 tên. (Trong Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1951, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng quân đội và truy tặng liệt sĩ).

Cuộc chiến đấu đã ngả về chiều, ta đánh bật địch ra khỏi làng. Sau một ngày chiến đấu liên tục, quân ta đánh thiệt hại hai tiểu đoàn quân tinh nhuệ, tiêu diệt 500 tên, trong đó có hai tên thiếu tá chỉ huy tiểu đoàn, thu được nhiều vũ khí, đạn dược, có 10 trung liên FM và đại liên 7,7mm. Số vũ khí này đã góp phần trang bị cho trung đoàn lớn mạnh sau này. Bên ta có 65 chiến sĩ hy sinh, 70 chiến sĩ bị thương.

Chiến thắng Xuân Bồ là một chiến thắng lẫy lừng, một trận chống càn thành công, lấy ít đánh nhiều, chuyển bại thành thắng, một trận đánh tiêu diệt sinh lực địch nhiều nhất trên chiến trường Bình-Trị-Thiên trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.

                                                                               (Theo Lê Bá Hùng - QĐDN)

,
.
.
.