Nhà thơ Lưu Trọng Lư – người hát rong cho cách mạng

Cập nhật lúc 14:04, Thứ Hai, 10/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Đã tròn 1 thế kỷ nhà thơ, nhà soạn kịch Lưu Trọng Lư trở về cõi vĩnh hằng nhưng những tác phẩm ông để lại cho nền văn học, sân khấu Việt Nam thì mãi là ngọn lửa không bao giờ tắt.

Vừa qua, trong bầu không khí ấm cúng, thiêng liêng tràn ngập khắp khán phòng trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam; gia đình cố nhà thơ Lưu Trọng Lư và đông đảo các nhà văn, nhà thơ, độc giả yêu mến ông đã tề tựu đông đủ tại đây để dự buổi lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ, nhà soạn kịch nổi tiếng của của thi đàn Việt Nam. 

Những bài phát biểu đong đầy cảm xúc của các nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ con, cháu của cố nhà thơ Lưu Trọng Lư như một nén tâm nhang tưởng nhớ đến thi sĩ đã gắn bó cả cuộc đời mình với cách mạng và thơ văn. Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải – con trai của cố nhà thơ Lưu Trong Lư nhớ lại những năm tháng tuổi thơ được sống trong vòng tay yêu thương của cha: “Năm 1946, tôi còn nhỏ lắm, khi quân Pháp chiếm đóng thành phố Huế, cha tôi dắt tay tôi lang thang trên cồn cát huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) thì gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh đi qua và cha tôi đã nói: “Anh cho tôi đi theo kháng chiến với”. Ngày hôm sau gia đình tôi được lên chiến khu kháng chiến. Cuộc đời cha tôi khi chìm, khi nổi nhưng trong lòng luôn đau đáu một chữ nhân. Khi cha tôi còn sống, ông không nói về chuyện chúng tôi phải làm người như thế nào mà ông luôn nhắc: “Làm con người phải biết yêu con người”. Vì thế, tất cả anh em chúng tôi luôn dùng chữ nhân để đối xử với cuộc sống. Chữ nhân chắc chắn sẽ sống mãi trong chúng tôi và những thế hệ sau”.

“Lưu Trọng Lư hiện diện trong đời sống văn chương, học thuật nước nhà với nhiều tư cách: nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch và ông cũng là người nồng nhiệt đấu tranh cho sự thắng thế của thơ mới bằng các bài báo, các cuộc diễn thuyết và bằng chính sự thành công của các bài thơ ngay từ buổi bình minh của trào lưu thơ ca vĩ đại này. Con đường hoạt động nghệ thuật của Lưu Trọng Lư kéo dài hơn nửa thế kỷ, gắn với nhiều sự kiện và biến cố quan trọng của thời cuộc và đất nước”, PGS.TS Lưu Khánh Thơ bộc bạch.

Tại buổi lễ tưởng niệm nhà thơ Lưu Trọng Lư, 3 ấn phẩm gồm: tập thơ “Bài ca tự tình”, tuyển chọn những bài thơ chưa từng công bố của ông, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành; hai tập truyện ngắn, tiểu thuyết, do tác giả Lại Nguyên Ân, Hoàng Minh sưu tầm, biên soạn, Nhà xuất bản Lao động, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây phát hành. Cuốn sách trên bao gồm tất cả những tác phẩm thuộc thể loại tự sự - truyện ngắn, tiểu thuyết. Đây có thể coi như giới thiệu một phần di sản của nhà thơ Lưu Trọng Lư đã bị quên lãng hơn nửa thế kỷ qua. Bộ sách này góp phần giúp độc giả hiểu rõ hơn về một tài năng của văn học Việt Nam. Ông không chỉ là một nhà thơ, nhà viết kịch mà còn là một tiểu thuyết gia.

Nhà văn Phong Lê đã gọi nhà thơ Lưu Trọng Lư là kiện tướng của phong trào thơ mới. Ông hoạt động trên cả 3 lĩnh vực: thơ, văn xuôi, sân khấu. Lưu Trọng Lư quả là người đa tài và có đóng góp nhiều mặt cho đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam trước và sau năm 1945.

 “Nhà thơ Lưu Trọng Lư đã bỏ lại những đề tài mộng ảo, những thổn thức riêng tư trong cõi hẹp “chàng, nàng” để tự nguyện làm người hát rong cho cách mạng. Lịch sử dắt ông đi, lịch sử cũng thử thách ông lắm nỗi. Trầy trật, long đong, nhiều khi gần như tuyệt vọng. Nhưng rồi chúng ta đã có một Lưu Trọng Lư nhất quán và phát triển để hôm nay có thể viện dẫn kinh nghiệm từ đời ông cho chặng đi tới của thơ”, nhà thơ Vũ Quần Phương tâm sự.

Nói về chặng đường thơ của Lưu Trọng Lư, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: “Có lẽ ông là nhà thơ đầu tiên phát hiện cái nhức nhối phía sau của đổi mới? ông viết: Đi giữa vườn nhân dạ ngẩn ngơ/Vì thương người lắm mới say thơ và “Ta cúi đầu trước một chữ nhân.” Lỗ Tấn làm ngựa cho nhi đồng, Cao Bá Quát cúi lạy hoa mai còn Lưu Trọng Lư thì cúi lạy chữ nhân. Dưới ánh sáng của chữ nhân, Lưu Trọng Lư sáng tạo và những áng văn thơ bất hủ sẽ còn lại mãi với chúng ta”.

Cả cuộc đời làm thơ, viết văn, sáng tác kịch của nhà thơ Lưu Trọng Lư luôn là tấm gương sáng để thế hệ ngày nay noi theo. Có lẽ ở dưới suối vàng ông rất mãn nguyện bởi những sáng tác của mình được tôn vinh và trở thành ấn phẩm có giá trị đến muôn đời.

                                                                                         Theo Báo ĐT QĐND

,
.
.
.