.
Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam (15-8-1945 - 15-8-2015):

Phát huy truyền thống 10 chữ vàng "Trung thành-Dũng cảm-Tận tụy-Sáng tạo-Nghĩa tình"

Thứ Sáu, 07/08/2015, 07:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong không khí hào hùng của cả nước chào mừng Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII cũng là dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Bưu điện Việt Nam (15-8-1945- 15-8-2015).

Đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đến thăm và làm việc tại VNPT Quảng Bình (tháng 7-2015).
Đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đến thăm và làm việc tại VNPT Quảng Bình (tháng 7-2015).

Cách đây 70 năm, trong Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương (diễn ra trong 2 ngày 14 và 15 tháng 8 năm 1945) tại Tân Trào-Tuyên Quang đã thông qua Nghị quyết về công tác giao thông liên lạc: “Lập ban Giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm tròn nhiệm vụ”. Đây là một sự kiện quan trọng, khởi nguồn cho sự ra đời của Bưu điện Việt Nam.

Với ý nghĩa đó, ngày 15-8-1945 đã được Nhà nước cho phép lấy làm Ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam. Kể từ đó đến nay, ngành Bưu điện đã trải qua những chặng đường đầy gian lao nhưng rất vinh quang với các tên gọi khác nhau: Nha Bưu điện (1945); Nha Bưu điện-Vô tuyến điện (1951), Tổng cục Bưu điện, Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện (1955); Tổng cục Bưu điện Truyền thanh (1962); Tổng cục Bưu điện (1968); Tổng cục Bưu điện thuộc Bộ Giao thông vận tải (1990); Tổng cục Bưu điện (1992); Bộ Bưu chính Viễn thông (2002); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (2006); Bộ Thông tin và Truyền thông (2007), tách từ Tập đoàn VNPT 2 Tổng công ty VNPost năm 2013, Tổng công ty MobiFone 2014 và Bưu điện Trung ương năm 2015 trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiều lần đổi tên nhưng ngành Bưu điện vẫn thống nhất về chức năng nhiệm vụ là bảo đảm thông tin liên lạc, phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân.

Trải qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và công cuộc xây dựng đất nước, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh và chính nó quyết định thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”, 70 năm qua, ngành Bưu điện ngày càng trưởng thành cùng  sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, CBCNV ngành Bưu điện vừa anh dũng giữ vững thông tin liên lạc phục vụ chiến đấu, vừa xây dựng phát triển ngành bằng lòng quả cảm và sự hy sinh to lớn, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong hoàn cảnh gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngành Bưu điện vẫn giữ vững thông tin liên lạc giữa Trung ương và các địa phương phục vụ các chiến dịch, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ, thu được những thắng lợi to lớn.

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành Bưu điện đã kiên cường giữ vững thông tin thông suốt giữa hai miền, chi viện người, thiết bị cho chiến trường miền Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến,  có gần 10.000 CBCNV của ngành Bưu điện đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, trong đó Bưu điện Quảng Bình có trên 70 người được Tổ quốc ghi công, trên 23.000 người được tặng thưởng huân, huy chương các loại.

Giai đoạn đất nước hòa bình, ngành Bưu điện tiếp tục ghi thêm những trang vàng chói lọi. Sự nghiệp đổi mới đất nước bắt đầu từ năm 1986, ngành Bưu điện đã làm nên những thành tựu quan trọng. Ngành đã quyết tâm “tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm” và dám nghĩ dám làm “đi thẳng vào hiện đại” thực hiện thành công hai giai đoạn của chiến lược tăng tốc 1993-1995, 1996-2000.

Năm 2002, Bộ Bưu chính Viễn thông được thành lập; năm 2007, Bộ Thông tin và Truyền thông ra đời thể hiện sự quan tâm mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước và là sự khẳng định bước trưởng thành của Bưu chính Viễn thông, CNTT trong sự nghiệp đổi mới . Ngành đã xây dựng và phát triển được cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia hiện đại. Mạng lưới được số hóa cả về chuyển mạch và truyền dẫn, cung cấp các dịch vụ tiên tiến. Việt Nam đã phóng Vệ tinh VINASAT- 1 và VINASAT- 2 khẳng định chủ quyền Việt Nam trên khoảng không vũ trụ.

Nhìn lại lịch sử 70 năm, ngành Bưu điện xứng đáng là ngành trung kiên trong kháng chiến, đi đầu trong đổi mới. Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đánh giá cao những cống hiến của CBCNV ngành Bưu điện và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh (1990), Huân chương Sao vàng (1995), Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động hạng Nhất (1997); 45/61 đơn vị Bưu điện tỉnh, thành phố được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đặc biệt năm 2009, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Lịch sử 70 năm truyền thống của ngành Bưu điện luôn gắn liền với chặng đường hào hùng và vinh quang của các địa phương trong đó có 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám năm 1945, cả 3 tỉnh đồng loạt khởi nghĩa dưới sự chỉ huy chung của một Xứ ủy. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bình Trị Thiên vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương của cả hai miền Nam-Bắc.

Sự gắn bó ruột thịt đó là tất yếu để Đảng và Chính phủ quyết định hợp nhất 3 tỉnh thành tỉnh Bình Trị Thiên. Thực hiện chủ trương đó, Tổng cục Bưu điện đã hợp nhất 4 ty Bưu điện Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế thành Bưu điện Bình Trị Thiên, tiếp tục bảo đảm thông tin phục vụ đắc lực cho sự lãnh đạo của cơ quan Đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên.

Đến năm 1989, để phù hợp với tình hình mới, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ V đã quyết định chia tách tỉnh Bình Trị Thiên trở lại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế. Theo đó, Bưu điện Bình Trị Thiên giải thể để thành lập 3 Bưu điện tỉnh mới. Bưu điện tỉnh Quảng Bình chính thức đi vào hoạt động kể từ 1-7-1989. Đây là giai đoạn Bưu điện Quảng Bình vượt lên mọi khó khăn, lạc hậu lập nên nhiều kỳ tích mới.

Từ chỗ cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông thuộc loại lạc hậu lại phải đối đầu với biết bao khó khăn của thiên tai khắc nghiệt, thế nhưng với sự năng động sáng tạo, sự đồng sức đồng lòng, tập thể CBCNV Bưu điện tỉnh Quảng Bình đã viết lên trang sử hào hùng của thời kỳ đổi mới: kết thúc giai đoạn 1 kế hoạch tăng tốc (1993- 1995) phát triển máy điện thoại đạt 102,5%; tự động hóa nội hạt đạt 100%; số hóa mạng lưới và tự động hóa đường dài đạt 100%. Mạng truyền dẫn nội tỉnh đến cuối năm 1995 đã hoàn thành kế hoạch giai đoạn tăng tốc của năm 1998 trước 3 năm...

Giai đoạn II kế hoạch tăng tốc, diện mạo của Bưu điện tỉnh Quảng Bình đã khác hẳn. Nếu như những năm đầu của thập kỷ 90 dung lượng tổng đài cao nhất chỉ có 1.790 số thì đến 1999 dung lượng đã tăng gấp hơn 10 lần, máy điện thoại tăng gấp 44 lần; Năm 1999 so với năm 1990 doanh thu tăng 38 lần. Hoạt động của Bưu điện tỉnh đã chuyển sang chiến lược hội nhập và phát triển đúng hướng của một ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới tỉnh nhà.

Sau khi thực hiện xong phương án đổi mới quản lý, khai thác, kinh doanh Bưu chính- Viễn thông trên địa bàn tỉnh, kể từ 1-1-2008, Bưu điện tỉnh Quảng Bình tách thành hai đơn vị: Viễn thông Quảng Bình trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Bưu điện tỉnh Quảng Bình trực thuộc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam.

Năm 2008, đánh dấu một mốc quan trọng: Sở Thông tin và Truyền thông, Viễn thông Quảng Bình, Bưu điện tỉnh Quảng Bình ra đời. Mỗi đơn vị có chức năng riêng nhưng đều vì mục đích chung với ý chí quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Ngày 25-3-2008, Sở Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở Sở Bưu chính-Viễn thông (hoạt động từ tháng 2-2006) và tiếp nhận chức năng tổ chức quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Văn hóa- Thông tin.

Từ đó đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên 5 lĩnh vực: báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, CNTT. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ Thông tin và Truyền thông, sở đã làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh về quản lý nhà nước, công tác quy hoạch, kế hoạch trên lĩnh vực thông tin, truyền thông; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước; hoạt động báo chí trên địa bàn đã thực hiện đúng định hướng của Đảng. Công tác quản lý xuất bản, in, phát hành thường xuyên được tăng cường chấn chỉnh. Làm tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh trên các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT, in và phát hành. Nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được tăng cường.

Mặc dù tuổi đời còn non trẻ nhưng Sở Thông tin và Truyền thông đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Với Viễn thông Quảng Bình, ngày 1-1-2008 được xem là bước ngoặt của hành trình chuyển đổi mô hình mới.  Sau hơn 7 năm hoạt động, Viễn thông Quảng Bình đã thu được nhiều kết quả đáng kể, thích ứng với cơ chế mới, phát triển bền vững về Viễn thông- CNTT, tạo niềm tin cho khách hàng. Doanh thu năm 2008 tăng trưởng 8% so năm 2007, năm 2009 tăng trưởng 33% so năm 2008, đến năm 2014 tăng trưởng 256% so năm 2008.

Hàng năm đều hoàn thành vượt mức kế hoạch nộp ngân sách tỉnh giao. Mạng lưới Viễn thông- CNTT do Viễn thông Quảng Bình cung cấp đã đến 100% xã, phường với chất lượng cao. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Viễn thông Quảng Bình đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, phục vụ thông tin liên lạc cho các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân trong mọi tình huống, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương giàu đẹp.

Cùng với Viễn thông Quảng Bình, ngày 1-1-2008, Bưu điện Quảng Bình (mới) đã chính thức đi vào hoạt động. Với quyết tâm cao của toàn thể CBCNV, sự chỉ đạo sâu sát của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh Quảng Bình đã nhanh chóng ổn định tổ chức, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao hàng năm. Bưu điện tỉnh Quảng Bình tiếp tục sắp xếp, sử dụng lao động hợp lý, tăng cường ứng dụng CNTT, phát triển dịch vụ mới, đa dạng dịch vụ, giữ vững vị trí của doanh nghiệp chủ đạo về lĩnh vực bưu chính, phát hành báo chí, kinh doanh đa phương tiện trên địa bàn tỉnh. Hàng năm đều hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách.

Ôn lại chặng đường 70 năm lịch sử, càng nhớ đến Bác Hồ kính yêu đã khai sinh ra ngành Bưu điện, lời dạy của Người về công tác thông tin liên lạc mãi mãi là phương hướng, mục tiêu phấn đấu của ngành. Kỷ niệm ngày truyền thống càng tri ân gần 1 vạn CBCNV Bưu điện đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc. Đây cũng là dịp để các thế hệ kế tiếp phát huy tinh thần 10 chữ vàng: “Trung thành-Dũng cảm-Tận tụy-Sáng tạo- Nghĩa tình”.

Những kết quả của ngành đạt được trong thời gian qua rất đáng tự hào song trước mắt còn rất nhiều khó khăn, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó đặt ra cho mỗi CBCNV phải có quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu phát huy truyền thống của ngành, ra sức lao động sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực với tinh thần quyết tâm cao nhất, đưa sự nghiệp phát triển Bưu chính, Viễn thông, CNTT trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng, mạng lưới Bưu chính, Viễn thông, CNTT theo hướng hiện đại, đồng bộ rộng khắp, đa dạng hóa và hiện đại hóa các loại hình dịch vụ, thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ Viễn thông-CNTT theo cam kết đã ký kết giữa VNPT và UBND tỉnh Quảng Bình.

Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và chăm sóc khách hàng để cạnh tranh, hội nhập quốc tế thắng lợi. Tiếp nối truyền thống của ngành, thế hệ hôm nay càng quyết tâm đem hết trí tuệ tâm huyết xây dựng ngành lớn mạnh toàn diện, xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu đẹp, góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, hướng tới Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Bình lần thứ IV, thiết thực chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Trương Công Minh
Giám đốc Viễn thông Quảng Bình