.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020

Thứ Tư, 05/08/2015, 07:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực tế cho thấy thời gian qua, tình trạng "chạy đua" vào đại học, "phổ cập" đại học rất phổ biến mà nhiều học sinh bỏ qua con đường học nghề, xảy ra tình trạng "thừa thầy thiếu thợ".


Phát triển dạy nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS và có các giải pháp cụ thể nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh

* Ông Nguyễn Chất, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo

Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tôi nhất trí với phần kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Về phần phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển 5 năm 2015 - 2020, tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau:

Mục II: Phát triển văn hóa - xã hội, phần 1: "Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, dạy nghề và phát triển nguồn nhân lực", phần cuối nên thêm nội dung "phát triển các lớp dạy nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS".

Theo tôi, cần phải thêm nội dung này vì các lý do sau: So với một số nước trong khu vực, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta còn thua kém, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ các nhà máy, khu công nghiệp, xuất khẩu lao động...

Thực tế cho thấy thời gian qua, tình trạng "chạy đua" vào đại học, "phổ cập" đại học rất phổ biến mà nhiều học sinh bỏ qua con đường học nghề, xảy ra tình trạng "thừa thầy thiếu thợ". Đối với một số học sinh, khi không thể vào đại học do khả năng hạn chế, lúc đó mới quay sang học nghề với tâm lý thụ động nên việc tiếp thu kiến thức nghề cũng bị hạn chế. Một số em khác không đủ khả năng học tiếp THPT nhưng do thiếu định hướng nên vẫn do dự trong việc lựa chọn học tiếp THPT hay học nghề sau tốt nghiệp THCS. Do đó, việc hướng nghiệp, phân loại học sinh và phát triển các lớp dạy nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS là rất cần thiết.

Hiện nay, hệ thống các trường dạy nghề ở tỉnh ta khá phát triển. Và trong các lớp dạy nghề này có cả học viên tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp THCS. Do đó các em chỉ mới được học nghề, thay vì phân loại đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS để có thể vừa dạy nghề vừa phổ cập kiến thức THPT. Thực hiện được mô hình này, chúng ta đạt được hai mục đích, vừa trang bị nghề cho các em, vừa phổ cập kiến thức THPT. Do đó, nên xem xét đưa nội dung "phát triển các lớp dạy nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS" vào Dự thảo.

Tại mục C. "Các nhóm giải pháp chủ yếu", phần 3 "Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại", tôi đề nghị bổ sung tiếp vào cột thứ ba như sau: "Huy động sức mạnh tổng hợp toàn Đảng toàn dân, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội cho hoạt động du lịch; công khai giá các dịch vụ du lịch và nghiêm túc thực hiện; tiếp đón du khách nồng nhiệt, thân thiện, cởi mở, giao tiếp lịch sự; thường xuyên giữ gìn môi trường thiên nhiên sạch đẹp; bảo đảm an ninh trật tự; phấn đấu sớm có bản đồ du lịch Quảng Bình chi tiết".

Theo tôi, nên đưa nội dung này vào phần giải pháp của Dự thảo vì du lịch là một trong những thế mạnh nổi bật của tỉnh. Tuy nhiên những năm qua, hoạt động du lịch tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế về môi trường, cơ sở hạ tầng du lịch.

Tình trạng "chặt, chém" du khách vẫn còn xảy ra; thái độ phục vụ và một số dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu du khách; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thấp... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phát triển du lịch của tỉnh. Việc xem xét đưa nội dung này vào phần các giải pháp chủ yếu sẽ góp phần quan trọng trong việc chỉ đạo, lãnh đạo và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong nhiệm kỳ mới.

N.M (thực hiện)

Tiếp tục nâng cao năng lực, hỗ trợ ngư dân đánh bắt ở vùng biển xa

* Đồng chí Trần Trung Thành, Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch

Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, tôi cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo báo cáo và có một số góp ý như sau:

Trước hết tôi hoàn toàn nhất trí với chủ đề Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Dự thảo Báo cáo chính trị đánh giá những thành tựu và khuyết điểm, hạn chế của việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV trên các lĩnh vực: kinh tế; văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh và đối ngoại; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ.

Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển 5 năm 2015-2020 tôi có một số ý kiến đóng góp như sau: Trong 9 nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhiệm vụ thứ 2 mục 4 về “...Phát triển thủy sản thật sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh...” cần tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá, chú trọng công tác thông tin liên lạc, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho ngư dân trong mùa mưa bão. Xây dựng kè biển, cảng cá tại các khu vực có lưu lượng tàu thuyền đông đúc.

Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhằm nâng cao năng lực đánh bắt, hỗ trợ ngư dân đánh bắt ở vùng biển xa bờ; bảo vệ vùng biển đảo Việt Nam; mở rộng, nạo vét, thông luồng các cửa lạch trong tỉnh. Tập trung là cửa lạch vùng Roòn. Nhiệm vụ thứ 9: “Tăng cường công tác quản lý tài nguyên...”; nên xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân.

Trong 5 nhiệm về phát triển văn hóa - xã hội, tôi xin góp ý cần tăng cường công tác dạy và học tiếng Anh cho giáo viên và học sinh để tạo điều kiện phát triển vốn ngoại ngữ.

Về 5 nhóm giải pháp chủ yếu đã nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị, theo tôi nên chọn giải pháp: “Đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” là giải pháp mang tính đột phá. Bên cạnh đó, việc triển khai đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... thì phải sửa đổi, chỉnh lý về chế độ, chính sách thu hút nhân tài trở về làm việc tại tỉnh nhà, nhằm đáp ứng yêu cầu, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

X.Phú (thực hiện)