.

Phụ nữ Tuyên Hóa giúp nhau phát triển kinh tế

Thứ Sáu, 17/04/2015, 13:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường..., đã được các cấp Hội Phụ nữ huyện Tuyên Hoá chú trọng triển khai thực hiện. Đặc biệt, kể từ khi phát động đợt thi đua với chủ đề "Làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững", thông qua nhiều hình thức tiết kiệm khác nhau, chị em phụ nữ ở Tuyên Hoá đã phát huy tinh thần tương thân tương ái để hỗ trợ nhau xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng...

Để giúp nhau giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng, cứ vào đầu năm, Hội LHPN Tuyên Hoá chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ ở 20 xã, thị trấn tiến hành rà soát lại các hộ phụ nữ đang thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ đơn thân, tìm hiểu nguyên nhân..., từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Kết quả trong năm 2014, hội đã giúp đỡ được 3.296 hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có 839 hộ đã thoát được nghèo)... 

Thông qua nhiều phong trào phụ nữ giúp nhau như: "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", "Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình", "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ", "Mái ấm tình thương", "Tối lửa tắt đèn có nhau", "Lá rách ít đùm lá rách nhiều"..., các cấp Hội Phụ nữ ở huyện Tuyên Hoá đã biết khơi dậy tình đoàn kết và phát huy tính năng động, sáng tạo, chịu thương chịu khó... trong toàn thể chị em phụ nữ huyện nhà.

Thời gian qua, Hội LHPN các cấp ở huyện Tuyên Hoá đã tích cực vận động chị em chú trọng phát triển kinh tế gia đình với các hình thức như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, hỗ trợ giống sản xuất, nguồn vốn, chuyển giao KHKT, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn nhằm tạo điều kiện cho chị em vươn lên trong cuộc sống.

Phụ nữ xã Thanh Hoá, huyện Tuyên Hoá đẩy mạnh trồng rừng kinh tế để xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Phụ nữ xã Thanh Hoá, huyện Tuyên Hoá đẩy mạnh trồng rừng kinh tế để xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Riêng trong năm 2014, toàn huyện đã có gần 1.000 chị giúp cho 384 chị với số tiền trên 239 triệu đồng và 2.330kg phân bón, 305 kg gạo, 41 con heo giống, hàng trăm con gà giống, 1.430 ngày công để cùng nhau xây dựng kinh tế gia đình. Tiêu biểu trong phong trào này là Hội Phụ nữ các xã, thị trấn: Đồng Lê, Kim Hoá, Hương Hóa, Tiến Hoá, Mai Hoá... Cũng trong năm, Hội LHPN Tuyên Hóa đã phát triển thêm được 6 mô hình phát triển kinh tế rất hiệu quả (nâng tổng số mô hình phát triển kinh tế toàn huyện lên 115); phát triển thêm 88 đàn lợn, với 4.559 con và trên 15.000 con gà...

Chị Đinh Thị Ái Ninh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tuyên Hóa cho biết, cùng với việc chú trọng tuyên truyền các tầng lớp phụ nữ tăng cường các hình thức giúp đỡ lẫn nhau, hội vừa vận động chị em tham gia tốt các hoạt động phát triển kinh tế địa phương, tham mưu và đề xuất với chính quyền, các ban, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế gia đình...

Trong vòng 5 năm trở lại đây, toàn huyện có 6.106 chị giúp cho 5.033 chị với số tiền trên 800 triệu đồng, 16.130 kg phân bón, hơn 1 tấn gạo, 141 con heo giống, gần 4.500 ngày công (chủ yếu giúp ngày công để tỉa dặm lúa, gieo trồng các loại cây màu). Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ Tuyên Hóa đã tăng cường khai thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và một số kênh khác để tín chấp cho phụ nữ vay ưu đãi, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh. Kết quả, từ năm 2010 đến nay, hội đã tạo điều kiện cho 3.282 hộ phụ nữ vay (chủ yếu các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh sinh viên, hộ nghèo làm nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường, đồng bào dân tộc thiểu số, xuất khẩu lao động).

Để quản lý và phát huy hiệu quả sử dụng vốn vay, các cấp hội luôn chú trọng phát triển, củng cố các tổ tín dụng tiết kiệm. Hiện nay, toàn huyện đã có 86 tổ tín dụng tiết kiệm, số tiền tiết kiệm được gần 500 triệu đồng, có 1.473 thành viên tham gia. Ngoài ra, hình thức tiết kiệm hùn vốn cũng được các cấp hội triển khai thực hiện, nhờ đó đến nay toàn huyện có 126 nhóm hùn vốn, với 1.314 thành viên tham gia, số tiền hùn vốn được lên tới 1,4 tỷ đồng...

Hiện tại, 100% phụ nữ vay vốn của hội đều tham gia nhóm tín dụng-tiết kiệm và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, không để thất thoát, trả lãi và gốc đúng hạn. Các đơn vị nhận uỷ thác đã thực hiện nghiêm túc việc uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhiều hình thức tiết kiệm, hùn vốn đã được các cấp Hội Phụ nữ duy trì và phát triển rất hiệu quả. Tiêu biểu trong việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả có các chị: Đinh Thị Thuỷ (thôn Quảng Hoá, xã Lê Hoá), Trần Thị Hiên (xã Nam Hoá), Nguyễn Thị Huế (thôn Nam Sơn, xã Mai Hoá), Lê Thị Thắm (thôn Thanh Trúc, xã Tiến Hoá)...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm gần đây, Hội LHPN huyện Tuyên Hóa rất tích cực trong việc chỉ đạo Hội Phụ nữ các xã thành lập một số mô hình kinh tế mới như: trồng một cây nuôi một con; chăn nuôi lợn nái, gà, thỏ, trồng ớt chỉ thiên, trồng ổi, xây dựng mô hình mỗi gia đình có một hố rác nhằm bảo vệ môi trường, triển khai các mô hình xử lý rác thải. Trong đó tiêu biểu nhất là mô hình “Sạch đường xanh đồng” của Hội Phụ nữ xã Lê Hóa.

Lúc đầu mô hình này được chi hội phụ nữ Yên Xuân làm điểm, thu hút 70 hội viên tham gia và đã thu gom trên 3 tấn phân để bón cho các cánh đồng lúa, lạc; làm sạch gần 1.500m đường giao thông thôn, xóm không có chất thải của động vật. Sau khi phát huy được hiệu quả, mô hình đã được triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn xã và đang tổ chức nhân rộng tại 20/20 xã, thị trấn.

Thông qua nhiều hình thức giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống của chị em phụ nữ huyện Tuyên Hoá, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt, gắn bó hơn, tình trạng đói nghèo được đẩy lùi đáng kể. Nét nổi bật trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường ngày càng thêm sạch đẹp... ở huyện Tuyên Hoá, đó là Hội Phụ nữ các cấp luôn quan tâm đến đối tượng hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ nghèo làm chủ hộ.

Hiện nay, toàn huyện Tuyên Hoá có 346 mô hình của chị em phụ nữ đạt thu nhập từ 30-50 triệu đồng/năm, 115 mô hình có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm. Điển hình như các mô hình của chị Trần Thị Hạnh, Nguyễn Thị Hồng (xã Tiến Hoá), chị Lan (xã Thanh Hoá), chị Phương, Tuyết (thị trấn Đồng Lê)... Mức thu nhập nói trên nếu so sánh với nhiều vùng miền khác ở tỉnh là chưa cao, nhưng đây là sự nỗ lực lớn của chị em vùng miền núi rẻo cao còn lắm khó khăn, rất đáng được biểu dương, động viên khích lệ.

Văn Minh