.

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại Bố Trạch: Tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đời sống nhân dân

Thứ Năm, 26/12/2013, 08:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 36 của Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở, nét nổi bật trên địa bàn huyện Bố Trạch là việc triển khai được tiến hành sâu rộng và đi vào nền nếp, chất lượng. Nội dung QCDC ở cơ sở đã tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đời sống nhân dân, tính công khai, dân chủ ngày càng được thể hiện rõ, từ đó huy động được sự đóng góp tích cực của nhân dân vào quá trình phát triển của địa phương.

Thực hiện Chỉ thị số 36- CT/TU, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở từ huyện đến cơ sở. Quá trình hoạt động, xuất phát từ mục tiêu phục vụ nhân dân, nhiều cơ sở đảng đã tổ chức cho nhân dân góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền; phân công đảng viên về sinh hoạt nơi cư trú; tham khảo ý kiến nhận xét của quần chúng đối với cán bộ, đảng viên ở nơi công tác và cư trú trước khi đề bạt, bổ nhiệm.

Qua triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, ý thức tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng cao; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn có sự đổi mới; tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, CCVC đối với nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực...

Việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, mà trọng tâm là các lĩnh vực liên quan đến đời sống nhân dân, đã phát huy được sức mạnh của nhân dân trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đưa các chỉ tiêu về kinh tế hàng năm đều đạt và vượt. Năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,6%/KH 2,5%, hiện còn 13,4%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng (nông, lâm, ngư nghiệp 33,3%; công nghiệp - xây dựng   22,9%; dịch vụ 43,8%). Dịch vụ thương mại phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 17,02%, cao hơn 1,02% so với mục tiêu đề ra. Thu ngân sách hàng năm vượt kế hoạch đề ra, nếu năm 2010 tổng thu ngân sách đạt trên 73 tỷ đồng, thì năm 2013 đạt 180,6 tỷ đồng/KH 121,2 tỷ, đạt 149% KH huyện giao, đây là điểm nổi bật của địa phương trong những năm qua...

Những con đường
Những con đường "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã mang lại những hiệu quả tích cực. Đến nay toàn huyện đã có 28/28 xã được phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới, trong đó có 17 xã phê duyệt quy hoạch chi tiết, đạt 60,71%. Huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới gần 180 tỷ đồng. Toàn huyện có 3  xã đạt từ 13 đến 16 tiêu chí, 5 xã đạt từ 10 đến 12 tiêu chí, 17 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí. Nhiều địa phương trong huyện đã có những đổi thay tích cực cả về diện mạo và chất lượng đời sống nhân dân cũng như phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.    

Không chỉ phát huy vai trò của nhân dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện Pháp lệnh 34 của UBTV Quốc hội về QCDC, các cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã đã đưa ra những nội dung công việc nhân dân bàn bạc, quyết định và tham gia như  quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công khai tài chính, vốn vay phát triển sản xuất, thực hiện giảm nghèo, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, các tệ nạn xã hội, các phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách hành chính...

Nhiều xã đã chủ động tiến hành rà soát, loại bỏ các thủ tục rườm rà, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong quá trình tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu của tổ chức và công dân. Qua khảo sát năm 2013 toàn huyện có 28/30 xã, thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa”, có 29/30 xã, thị trấn có Ban Thanh tra nhân dân; 28/30 xã, thị trấn có Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Trong quá trình thực hiện, luôn coi trọng phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, tính công khai, dân chủ, nên QCDC ở cơ sở đã thực sự đi vào đời sống nhân dân, tác động tích cực đến các cuộc vận động, các phong trào thi đua của nhân dân ở địa phương.

Cùng với những hoạt động nói trên, thời gian qua huyện Bố Trạch cũng đã thực hiện tốt Nghị định 71 của Chính phủ. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị cơ bản tổ chức hội nghị cán bộ công chức. Qua hội nghị, quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức được phát huy, công khai tài chính và quá trình đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật... Vai trò và trách nhiệm của Ban chấp hành công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân được phát huy. Việc thực hiện Nghị định 07, Nghị định 87 của Chính phủ, ở nhiều doanh nghiệp đều quán triệt đến người lao động thông qua hội nghị toàn thể người lao động; tiến hành xây dựng các quy chế, quy định như thỏa ước lao động tập thể, quy chế phân phối tiền lương, tiền công, quy định thời gian làm việc, các chế độ, các quy định liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động... từng bước được thực hiện.

Có thể nói, việc thực hiện QCDC theo Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, các nghị định của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, đã được các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở coi trọng chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện đạt kết quả. Quá trình thực hiện đã tác động tích cực đến việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, xuất phát từ mục tiêu phục vụ nhân dân đã tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhân dân. Thái độ, phong cách làm việc của cán bộ đã có chuyển biến tốt. Việc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung các kỳ họp HĐND và các buổi chất vấn tại kỳ họp đã có tác dụng nâng cao trách nhiệm của UBND, của các phòng, ban, ngành trong việc thực hiện Nghị quyết của HĐND. Các báo cáo trả lời ý kiến cử tri, các trả lời chất vấn tại kỳ họp cũng được nhân dân quan tâm theo dõi và giám sát chặt chẽ việc thực hiện, làm cho hiệu quả hoạt động cũng như không khí dân chủ trong các cơ quan dân cử ngày càng tăng lên...

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 36 của Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện QCDC, bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, Bố Trạch vẫn còn một số tồn tại. Đó là công tác tuyên truyền, chỉ đạo và thực hiện nhiều nơi còn thiếu hiệu quả, chưa đồng bộ, có địa phương chưa thực sự công khai, minh bạch theo quy định, một số cơ quan hành chính cấp huyện cũng như cơ sở chưa làm tốt việc cải cách hành chính, gây phiền hà cho nhân dân...

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 36 với những bài học kinh nghiệm được rút ra trong thời gian qua, khắc phục triệt để những tồn tại để nâng cao hơn nữa vai trò dân chủ trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần xây dựng quê hương phát triển nhanh và bền vững.

Nguyễn Ngọc Quang
(Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Bố Trạch)

Lãnh đạo huyện Bố Trạch thăm và tặng quà Linh mục và giáo dân nhân dịp lễ Giáng sinh

Nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2013, huyện Bố Trạch đã tổ chức các đoàn cán bộ đi thăm và tặng quà cho các linh mục và bà con giáo dân tại các xã Thanh Trạch, Hoà Trạch, Liên Trạch, Hưng Trạch, Sơn Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch và Sơn Trạch.

Tại các nơi đến thăm, đại diện lãnh đạo huyện đã thông báo tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương trong năm 2013. Trong quá trình phát triển của địa phương, có sự đóng góp quan trọng của các linh mục và bà con giáo dân. Ghi nhận và biểu dương những đóng góp ấy, đồng thời huyện cũng mong muốn các linh mục thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh của mình, tăng cường sự phối hợp cùng chính quyền, giúp bà con giáo dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, hoàn thành các trách nhiệm xã hội và sống tốt đời đẹp đạo.

Thời gian qua, có một số phần tử gây rối, làm mất ổn định an ninh xã hội trên địa bàn, kích động gây mất đoàn kết lương - giáo, vì vậy, huyện đề nghị các linh mục cần tăng cường tuyên truyền giúp bà con giáo dân nâng cao nhận thức, củng cố mối đại đoàn kết toàn dân, chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nhân dịp này, các đồng chí lãnh đạo huyện Bố Trạch cũng đã gửi lời chúc mừng chân thành đến các vị linh mục và toàn thể bà con giáo dân một mùa Giáng sinh an lành, hạnh phúc.

D.C

Hội Nông dân huyện:
Phối hợp với các ngân hàng cho hội viên vay trên 265 tỷ đồng

Năm 2013, Hội Nông dân huyện Bố Trạch đã tích cực phối hợp với các ngân hàng, quỹ tín dụng cho hội viên trên địa bàn vay trên 265 tỷ đồng. Trong đó nguồn từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 136.458 triệu đồng, cho 7.499 hộ vay; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT là 128.688 triệu đồng cho 219 hộ vay; lập hồ sơ giải ngân nguồn vốn 300 triệu đồng từ quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương cho một số mô hình chăn nuôi...

Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ gia đình đã có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất.
Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ gia đình đã có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất.

Từ các nguồn vốn trên, hội viên nông dân toàn huyện đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập. Hội Nông dân huyện và cơ sở cũng đã tiến hành mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho bà con trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nghề thủ công mỹ nghệ... Với sự trợ giúp đắc lực này, nhiều mô hình kinh tế và phương thức sản xuất tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao đời sống người nông dân như làng nghề nón Ba Đề (xã Bắc Trạch), thương hiệu nước mắm Bà Vinh (xã Đức Trạch), mô hình nuôi gà ri (xã Mỹ Trạch, Liên Trạch)...

N.Mai

"Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo" giúp 1.106 hộ thoát nghèo

Với mục tiêu giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, làm giàu chính đáng, năm 2013, Hội LHPN huyện Bố Trạch đã thực hiện tốt phong trào "Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo". Bằng nhiều hình thức khác nhau, các cơ sở Hội đã giúp cho 5.902 hộ phụ nữ nghèo, đạt tỷ lệ 80,8%, trong đó có 2.119 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Kết quả đã có 1.106 hộ thoát nghèo, trong đó có 79 hộ do phụ nữ làm chủ hộ.

Cùng với hoạt động trên, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế được các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh. Năm 2013, có  2.370 chị đã giúp cho 1.899 chị với số tiền, ngày công, con giống, cây giống trị giá trên 1,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, các cấp Hội PN còn vận động quyên góp được 259 triệu đồng giúp đỡ cho 183 chị và 17 cháu là con em của hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, rủi ro, hoạn nạn; trích 299 triệu đồng từ phong trào tiết kiệm, nuôi heo đất giúp cho 535 hội viên dưới hình thức cho vay vốn không lấy lãi. Tiêu biểu trong hoạt động này có các đơn vị như Hòa Trạch, Đại Trạch, Phú Định, nữ công ngành Giáo dục...

T.V