.

Nhân hội thảo: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh: Những bài học từ thực tiễn

Thứ Ba, 24/12/2013, 08:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh hiện có 69 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 35 đảng bộ và 34 chi bộ cơ sở (có 265 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở), với 3.475 đảng viên.

Bám sát Chỉ thị số 10 -CT/TW, ngày 30-3-2007 về " Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ" và Hướng dẫn số 09 -HD/BTCTW, ngày 2-3-2012 Ban Tổ chức Trung ương về "Nội dung sinh hoạt chi bộ", ngày 11-3-2013, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối ban hành Kế hoạch số 228-KH/ĐUK về "Tổ chức đợt sinh hoạt nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh". Sau một thời gian triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Các cấp ủy cơ sở đã nhận thức rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, chủ đề, ý nghĩa và tầm quan trọng của đợt sinh hoạt "Làm gì để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, đảng bộ". Hầu hết các cấp ủy cơ sở đã xây dựng kế hoạch, có văn bản gửi các chi bộ, tổ đảng trực thuộc để chỉ đạo, thành lập ban tổ chức đợt sinh hoạt của các đảng bộ, chi bộ, phân công trách nhiệm cho các thành viên trong ban tổ chức, chuẩn bị nội dung, điều kiện. Các cán bộ, đảng viên được phân công chuẩn bị các tham luận đã tích cực tìm hiểu, nghiên cứu thực tế, tài liệu chuẩn bị tham luận với tinh thần trách nhiệm cao.

Có nhiều tham luận được chuẩn bị công phu, chất lượng tốt, có chứng minh, đối chiếu với thực tế một cách cụ thể, sinh động và thiết thực. Từ trong quá trình chuẩn bị tham luận đã khắc sâu thêm nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng mà mình đang sinh hoạt; đây chính là yêu cầu của đợt sinh hoạt. Sau khi các bài tham luận chuẩn bị xong, các cấp ủy đã xem xét, cho ý kiến về nội dung, bố cục và các giải pháp phù hợp để báo cáo tại buổi tọa đàm trong chi bộ, đảng bộ.

Nhìn chung các đảng bộ, chi bộ đã tổ chức đợt sinh hoạt một cách nghiêm túc, có trang trí, khai mạc, bế mạc; kết thúc buổi tọa đàm các cấp ủy cơ sở đã xếp loại các tham luận và tổ chức trao giải để động viên các chi bộ, tổ đảng và cán bộ, đảng viên có các tham luận tốt, nhiều biện pháp hay có thể áp dụng vào trong công tác của đảng bộ, chi bộ mình. Đài Phát thanh-Truyền hình, Báo Quảng Bình, Tạp chí Sinh hoạt chi bộ đã đưa tin một số buổi tọa đàm cấp cơ sở.

Về kết quả cụ thể: Đảng bộ Khối có 69 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, trong đó có 409 tham luận của 265 chi bộ trực thuộc 35 đảng bộ cơ sở, đảng bộ có nhiều tham luận nhất là 79, ít nhất là 4, các đảng bộ đã chọn được 193 tham luận để tổ chức tọa đàm tại cấp đảng bộ cơ sở; đối với 34 chi bộ cơ sở có 136 tham luận; chi bộ có nhiều tham luận nhất là 30, ít nhất là 3. Qua báo cáo của các đơn vị về kết quả xếp loại ở cấp cơ sở có 188 giải, trong đó có 59 giải A, 90 giải B và 39 giải C.

Về ưu điểm của các tham luận: Đa số các bài tham luận đã bám sát đề cương, nêu lên được vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng gắn với thực tế của các đảng bộ, chi bộ mình đang sinh hoạt; phân tích kỹ những ưu điểm, đồng thời cũng chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân; nghiên cứu từ lý luận đến thực tiễn, nói thẳng nói thật không ngại va chạm, không che giấu khuyết điểm, yếu kém, nguyên nhân, để từ đó đề ra được các giải pháp cụ thể, thiết thực, vận dụng được vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ, chi bộ mình một cách phù hợp. Nhiều tham luận chuẩn bị chu đáo cả về hình thức và nội dung, bài viết vừa mang tính lý luận vừa gắn với thực tiễn của chi bộ, đảng bộ; ý kiến thẳng thắn, khách quan, đưa ra các giải pháp rất thiết thực vận dụng được vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ, chi bộ mình một cách phù hợp. Đây chính là mục tiêu xuyên suốt của đợt sinh hoạt tại các đảng bộ, chi bộ.         

Hội nghị BCH Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2010-2015.
Hội nghị BCH Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2010-2015.

Về hạn chế: Một số tham luận chưa bám sát đề cương, chuẩn bị sơ sài cả về hình thức lẫn nội dung, hoặc một số bài có nội dung giống nhau, viết chung chung, không đi sâu vào thực tiễn của chi bộ, đảng bộ; có bài đưa ra những đề xuất thiên về chức năng nhiệm vụ của chuyên môn, không thuộc chức năng nhiệm vụ của chi bộ, đảng bộ. Vẫn còn không ít bài mang tính lý thuyết chung chung, có thể nêu ở bất cứ chi bộ, đảng bộ nào cũng được, chưa nêu được mục đích của đợt sinh hoạt là phải làm gì để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, đảng bộ mình. Chính vì vậy, mà việc đề ra các giải pháp cũng chung chung, chưa cụ thể, chưa sát với đảng bộ, chi bộ mình.

Kết thúc đợt sinh hoạt ở cấp cơ sở có thể rút ra một số vấn đề sau đây:

1. Nhận thức của cán bộ, đảng viên được nâng lên qua việc nghiên cứu kỹ và sâu hơn về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng; xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, đảng bộ mình; từ đó khắc sâu thêm về các quan đểm, chủ trương của Đảng về xây dựng tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị trong các cơ quan, đơn vị, để lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng tại các đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc. Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, nơi trực tiếp lãnh đạo đảng viên quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước.

Đồng thời, cũng là nơi góp phần phát triển và hoàn thiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thông qua các hoạt động thực tiễn; đây cũng là nơi tiến hành các hoạt động trong công tác xây dựng đảng đó là: kết nạp, quản lý, phân công nhiệm vụ, kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng đảng viên; thực hiện nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; trong hệ thống chính trị ở cơ sở, tổ chức cơ sở đảng vừa là thành viên vừa có vai trò đoàn kết lãnh đạo các tổ chức quần chúng, là sợi dây nối liền Đảng với dân.

2. Phát huy được trí tuệ của mỗi cán bộ, đảng viên tham gia vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, đảng bộ thông qua việc xây dựng các nghị quyết, kế hoạch, văn bản để lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của cơ quan, đơn vị. Mỗi bản tham luận đều mang một thông điệp, một tiếng nói, một lời hứa hẹn, đặc biệt là tìm ra được tiếng nói chung cùng nhau xây dựng chi bộ, đảng bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan đơn vị vững mạnh là phải phát huy được sức mạnh của tập thể và của từng cán bộ, đảng viên, phải bắt đầu xây dựng từ từng đảng viên, từ tổ đảng, từ các chi bộ nhỏ trực thuộc đảng ủy cơ sở.

Việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, đảng bộ gắn liền với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, có khả năng hoàn thành tốt nhiêm vụ được giao, chấp hành tốt nền nếp, kỷ cương, ý thức kỷ luật tốt, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước và quy chế của ngành, của cơ quan, đơn vị.

3. Qua sinh hoạt, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên được xác định rõ hơn, gắn kết chặt chẽ với công việc được giao, với chức năng nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; mỗi cán bộ, đảng viên đặt mình trong tập thể của chi bộ, trong đặc điểm tình hình cụ thể của mình để xem xét, đánh giá vai trò, vị trí của mình, không đứng ngoài chi bộ để phán xét việc làm của chi bộ, chi ủy. Mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên tự liên hệ và đều nhận thấy những thiếu sót, khuyết điểm của mình, trong việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh để khắc phục trong thời gian tới.

4. Đợt sinh hoạt đã tạo được không khí mới trong việc xây dựng sự đoàn kết nhất trí cao trong chi bộ, đảng bộ. Khi cán bộ, đảng viên đã thẳng thắn trao đổi, nói ra được những vấn đề hạn chế, tồn tại của tập thể và cá nhân trong thời gian qua, cán bộ, đảng viên hiểu nhau hơn, gắn kết lại với nhau hơn. Nhìn chung các buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi, nhiều đảng viên tham gia nhiều lần, nhất là những vấn đề gay cấn; bầu không khí trong sinh hoạt không phải như việc kiểm điểm đảng viên, nên thoải mái trong phát biểu, điều này đã làm cho mỗi cán bộ, đảng viên nói ra được những điều muốn nói của mình đối với chi bộ, đảng bộ. Sau sinh hoạt mỗi cán bộ, đảng viên đều nhận thấy đợt sinh hoạt thực sự có ý nghĩa, có tác dụng thiết thực trong xây dựng chi bộ, đảng bộ đáp ứng yêu cần nhiệm vụ hiện nay.

5. Sự phối hợp giữa cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị được xác định rõ hơn, được thể hiện ở chỗ qua sinh hoạt đã phân tích các ưu điểm, khuyết điểm của cấp ủy, giữa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy với việc quản lý, điều hành của lãnh đạo cơ quan, đơn vị; phân biệt và hiểu rõ hơn giữa chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy với chức năng, nhiệm vụ của lãnh đạo cơ quan, đơn vị; từ đây để xác định nội dung sự phối hợp của mỗi bên, bảo đảm và tạo điều kiện cho nhau trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên được rõ ràng. Qua đó đã bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc của cấp ủy phù hợp hơn, phân rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cấp ủy viên; đồng thời xây dựng được các quy chế phối hợp giữa cấp ủy, lãnh đạo, các đoàn thể trong cơ quan, đơn vị, thể hiện rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ của các tổ chức, đây là vấn đề được cán bộ, đảng viên quan tâm.

6. Đợt sinh hoạt cũng đã góp phần vào khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-1-2012 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", những hạn chế, khuyết điểm đã được các cấp ủy chỉ ra trong kiểm điểm vừa qua có dịp để bàn các biện pháp khắc phục được cụ thể hơn, sâu sắc hơn. Qua sinh hoạt cũng đã góp phần đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong các bộ, đảng viên, cũng từ đây cán bộ lãnh đạo, quản lý có điều kiện để nhìn lại sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của mình để khắc phục khuyết điểm, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của mình.

7. Qua đợt sinh hoạt cũng đã gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị "Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Những việc làm được, chưa làm được của chi bộ, đảng bộ trong việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị, cũng đã được nêu lên trong đợt sinh hoạt này; trong đó việc xây dựng tác phong, phong cách làm việc nghiêm túc, thực hiện làm theo bằng các việc làm cụ thể hàng ngày, tận tụy với công việc được giao; thực hiện các chuẩn mực về đạo đức lối sống đã được các cơ quan, đơn vị xây dựng và các quy định về phẩm chất đạo đức, mối quan hệ công tác, việc thi hành công vụ của ngành; cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu vươn lên được thể hiện rõ hơn.       

8. Qua sinh hoạt, các tổ chức đoàn thể hiểu rõ hơn việc lãnh đạo các đoàn thể trong cơ quan, đơn vị là trách nhiệm của cấp ủy đảng, thông qua các tổ chức đoàn thể để tập hợp lực lượng, xây dựng các phong trào và tổ chức vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; ở nơi nào cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị vững mạnh tạo điều kiện cho các đoàn thể hoạt động có chất lượng, thì tạo được nhiều phong trào thi đua, phát huy được thế mạnh của mỗi đoàn thể cùng chung tay thực hiện, góp phần quan trọng vào hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Chính vì vậy, phải xây dựng các đoàn thể trong cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Nguyễn Trung Thực, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối