.

Tâm tình chuyện cứu trợ

Thứ Tư, 09/11/2016, 14:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo thống kê sơ bộ của Ban cứu trợ tỉnh, đến thời điểm này, tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận gần 100 tỷ đồng cứu trợ, trong đó bao gồm tiền mặt, nhu yếu phẩm, thuốc men... Những món quà ý nghĩa này đã góp phần quan trọng giúp người dân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên để công tác cứu trợ đạt hiệu quả, thì vẫn còn đó nhiều chuyện cần bàn.

“Bội thực”... mì tôm

Mì tôm là một trong những món hàng được nhiều đoàn ưu tiên sử dụng trong khi cứu trợ. Và thực tế cho thấy, món quà này đã phát huy hiệu quả trong những thời điểm nhất định. Đó là khi lũ lụt đang ở đỉnh điểm, bà con không thể đun nấu hoặc hạn chế việc đun nấu, mì tôm cùng nước sạch sẽ giúp người dân vùng lũ cầm cự trong thời gian chờ nước rút.

Bà Võ Hạnh Phúc, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với bà con thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy (Lệ Thủy)
Bà Võ Hạnh Phúc, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với bà con thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy (Lệ Thủy).

Tuy nhiên trong đợt mưa lũ vừa qua và cả những năm trước đây, tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, khi nước đã rút và người dân bắt đầu ổn định cuộc sống, thì vẫn rất nhiều đoàn cứu trợ tiếp tục mang mì tôm đến tặng bà con. Nên có nhiều hộ được nhận 5, thậm chí 7 - 8 thùng mì tôm.

“Nói thiệt nhận quà bà con ai cũng vui và cảm ơn nhà hảo tâm. Nhưng ăn mì tôm mãi cũng ớn, mang cho thì ngại. Nên nếu được thì sau khi lũ rút và có thể đun nấu trở lại, chúng tôi muốn được hỗ trợ gạo và mắm muối, thuốc men...”, một người dân xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn) chia sẻ. Đây cũng là tâm tư của không ít người dân vùng lũ.

Cứu trợ chồng chéo

Những năm gần đây, có nhiều đoàn cứu trợ tự tìm hiểu, nắm bắt thông tin và tự tay mang quà tặng cho người dân vùng lũ. Việc các đoàn tự tổ chức có ưu điểm là quà cứu trợ đến kịp thời và tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ cũng hiểu thêm về tình trạng mưa lũ, những thiệt hại mà người dân đang phải gánh chịu để cùng nhau chia sẻ. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm này vẫn tồn tại những bất cập.

Đó là, một số đoàn do không cập nhật những thông tin liên quan từ cơ quan chức năng như Ban Cứu trợ tỉnh, huyện và chính quyền các địa phương nên việc cứu trợ trở nên chồng chéo. Dẫn đến xảy ra tình trạng có những địa phương bị thiệt hại nặng được các phương tiện thông tin đại chúng nêu, thì cả chục, thậm chí vài chục đoàn cứu trợ tìm về. Một số địa phương khác thiệt hại tổng thể không lớn, nhưng cục bộ có những thôn, bản thiệt hại nghiêm trọng, lại ít được quan tâm.

Hoặc có những hộ gia đình bị trôi, sập nhà, được hỗ trợ những khoản tiền khá lớn, thì có những hộ bị mất tài sản trị giá hàng tỷ đồng, gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Đó là thực tế diễn ra tại một số địa phương như Thuận Đức (thành phố Đồng Hới) và Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch).

Họ là những người bị mưa lũ cướp đi cả trang trại chăn nuôi với hàng nghìn con lợn, gà và những tàu cá xa bờ công suất lớn trị giá 500 triệu đến hàng tỷ đồng. Những ngôi nhà vững chãi họ đang sống cũng đã được thế chấp ở các ngân hàng để vay vốn chăn nuôi, đóng tàu, giờ trang trại và tàu cá bị mưa lũ cuốn đi còn món nợ ngân hàng thì ở lại...

“Của cho” không bằng “cách cho”

Trong khi hầu hết đoàn cứu trợ đến với vùng lũ bằng cả tấm lòng, thì vẫn còn đó một số ít cá nhân cứu trợ khiến cho người dân vùng lũ và những người kết nối việc cứu trợ phải buồn lòng. Đó là chuyện về đoàn cứu trợ nọ, khi đến các bản của đồng bào Rục tại xã Thượng Hóa (Minh Hóa) sau đợt mưa lũ trong các ngày 13 đến 15-10, khi không được chứng kiến tình trạng mưa lũ như báo chí và mạng xã hội thông tin, đã bất bình cho rằng địa phương và cơ quan kết nối cứu trợ thổi phồng thông tin thiệt hại.

Họ không hiểu được đặc điểm địa hình của địa phương này là lũ dâng nhanh và rút nhanh nên đã có những lời nói, hành động thiếu tôn trọng người dân cũng như chính quyền sở tại và đơn vị kết nối. Cuối cùng, dù quà cứu trợ vẫn đến tay người dân nhưng không tránh khỏi những dư âm buồn.

Hoặc có những chuyện như có một số người tham gia cứu trợ nhưng chỉ chăm chăm chụp ảnh “tự sướng” để post lên mạng xã hội. Rồi họ viết bài đăng lên facebook rằng “cảm thấy buồn khi người nhận quà không biết cảm ơn!”. Kỳ thực, có không ít những người dân chất phác, thật thà, dù không biết nói lời cảm ơn nhưng ánh mắt, nụ cười của họ còn nói lên nhiều điều hơn thế.

Cho đi, san sẻ chút tấm lòng với đồng bào trong khi khốn khó, sao bạn phải loay hoay vì thiếu một lời cảm ơn để khiến cho nhiều người phải chạnh lòng? Rồi nữa, thi thoảng trong số hàng cứu trợ lại xuất hiện những lô hàng quá hạn sử dụng từ lâu. Dù vô tình hay cố ý, người được nhận quà cũng sẽ cảm thấy buồn và lớn hơn là sẽ nghi ngờ lòng tốt của người cứu trợ.

Và những món quà mang nặng chữ “tâm”

Bên cạnh những câu chuyện trên, thì hàng trăm đoàn cứu trợ đã và đang đồng hành cùng người dân vùng lũ đã mang lại tình cảm và sự chia sẻ rất lớn, giúp người dân Quảng Bình và các địa phương bị ảnh hưởng vượt qua khó khăn, ổn định đời sống.

Đó là 179 suất quà của các con, cháu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Số quà này được các thành viên trong gia đình Đại tướng đóng góp và mang đến tận tay người dân vùng lũ. Mỗi suất quà trị giá 400.000 đồng, bao gồm gạo, muối mè, hóa chất làm sạch nước, thuốc đau bụng, thuốc cảm. Tất cả được đóng gọn gàng trong một chiếc xô để bà con có thể sử dụng tiện lợi. Và cẩn trọng hơn, trong mỗi túi quà đều có tờ hướng dẫn cách thức sử dụng hóa chất làm sạch nước đúng quy trình để bảo đảm an toàn, vệ sinh. Ở thời điểm mưa lũ rút, thay vì tặng mì tôm, đoàn đã tặng bà con những món quà hữu ích và phù hợp. 

Đó còn là sự lăn lộn vừa tác nghiệp và tham gia tiền trạm, kết nối và đồng hành cùng các đoàn cứu trợ của các phóng viên báo chí từ tỉnh đến huyện. Không chỉ nhiệt tình tham gia, anh chị em phóng viên đã tư vấn để các tổ chức, cá nhân hảo tâm tiến hành hoạt động cứu trợ một cách hiệu quả. Họ chia sẻ những thông tin quan trọng trong quá trình cứu trợ, nhằm tránh chồng chéo để mọi người dân bị thiệt hại đều nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ.

Có những món quà, dù người trao không trực tiếp, nhưng ấm áp nghĩa tình. Đó là hàng chục nhà hàng, khách sạn lớn trong tỉnh, dù vẫn còn bộn bề khó khăn do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, nhưng họ đã giảm giá từ 40 đến 70%. Việc làm này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn cứu trợ từ khắp nơi về Quảng Bình, mà còn thể hiện tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái để cùng nhau vượt qua gian khó...

Những cách làm hay

Theo ông Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, số tiền, hàng trị giá gần 100 tỷ đồng là con số tổng hợp các nguồn hàng cứu trợ bao gồm thông qua Ban Cứu trợ tỉnh, huyện và cả các đoàn trao trực tiếp tại các địa phương.

MC Thanh Dũng (thành phố Hồ Chí Minh) tặng bò cho gia đình chị Dư Thị Hoài Phương, thôn 5, Xuân Trạch (Bố Trạch) thông qua kết nối của các phóng viên Đài Truyền thanh Bố Trạch.
MC Thanh Dũng (thành phố Hồ Chí Minh) tặng bò cho gia đình chị Dư Thị Hoài Phương, thôn 5, Xuân Trạch (Bố Trạch) thông qua kết nối của các phóng viên Đài Truyền thanh Bố Trạch.

“Chúng tôi tôn trọng ý nguyện của các nhà hảo tâm khi họ muốn tặng quà trực tiếp cho bà con. Hầu hết các đoàn cứu trợ đều có kinh nghiệm và khá chuyên nghiệp trong cứu trợ. Tuy nhiên vẫn còn những đoàn tự phát nên gặp một số khó khăn trong triển khai. Vì vậy, để nắm chính xác thông tin và bảo đảm cho công tác cứu trợ được công bằng, Ban Cứu trợ tỉnh đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố theo dõi và cập nhật cuối mỗi ngày.

Như thế, khi những đoàn cứu trợ cần thông tin, có thể liên hệ Ban cứu trợ và chính quyền các cấp để nắm, từ đó có sự lựa chọn chính xác và tin cậy! Và thông qua những kênh này, các đoàn cứu trợ cũng nhận được sự tư vấn, hỗ trợ và phối hợp trong quá trình tặng quà cho bà con!”.

Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh (Báo Thanh Niên) chia sẻ kinh nghiệm cứu trợ: Để công việc cứu trợ được thuận lợi, chúng tôi đã liên hệ với các địa phương và tiến hành lập danh sách, phát phiếu đã được đóng dấu cho những gia đình trong diện được hỗ trợ. Lúc tặng quà, bà con chỉ cần mang phiếu lên để nhận, tránh sự lộn xộn và thiệt thòi cho những người không có điều kiện đến điểm tập trung để nhận quà.

Còn nhà báo Lê Hữu Chính (Báo Đại Đoàn kết) cho biết: Để bảo đảm quà cứu trợ đến đúng địa chỉ, bên cạnh việc tự mình và đồng nghiệp đi tiền trạm, thu thập thông tin từ các địa phương, chúng tôi thường thông qua đội ngũ cán bộ xã, thôn để nhờ giúp đỡ, tạo thuận tiện trong quá trình tặng quà. Bởi hơn ai hết, cán bộ thôn, xã là người sâu sát và nắm bắt rõ nhất tình hình của người dân!”...

Thiên tai đã và đang khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng trong gian khó, đã có những tấm lòng tương thân tương ái đồng hành cùng người dân vùng lũ. Dẫu còn đó những tồn tại cần được khắc phục, thì hoạt động cứu trợ đã và đang phát huy hiệu quả, nhất là khi những tổ chức, cá nhân hảo tâm đã hướng cái nhìn xa hơn nhằm mang lại một tương lai bền vững hơn cho người dân vùng lũ.

Ngọc Mai-Phan Tứ