.

Giải quyết việc làm cho thanh niên miền núi: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Thứ Ba, 08/11/2016, 08:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù các hoạt động đào tạo, hướng nghiệp được triển khai thường xuyên, nhưng hiện nay việc giải quyết việc làm cho thanh niên miền núi (TNMN) còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Cơ hội tìm việc của TNMN khá mong manh do trình độ học vấn cũng như hạn chế về tay nghề.

Thiếu việc làm...

Trong một lần đi thực tế tại bản Lâm Ninh, xã miền núi Trường Xuân (Quảng Ninh), chúng tôi bắt gặp hình ảnh rất nhiều thanh niên ở đây đang bốc vác thuê cho những doanh nghiệp thu mua tràm, bạch đàn tại địa phương. Hỏi ra mới biết, thanh niên ở đây ngoài làm ruộng ra thì thu nhập chính của họ chủ yếu từ công việc khai thác bạch đàn thuê.

 Gần 50% thanh niên miền núi chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng chưa ổn định.
Gần 50% thanh niên miền núi chưa có việc làm hoặc có việc làm nhưng chưa ổn định.

Anh Hồ Minh, Bí thư Chi đoàn bản Lâm Ninh cho biết, đời sống của bà con dân bản còn gặp nhiều khó khăn nên phần lớn thanh niên đều đi làm ăn xa, chỉ một số ít thanh niên ở lại trên địa bàn. Nhưng số thanh niên này lại không có việc làm ổn định, ruộng lúa ít không đủ để canh tác nên chủ yếu là làm thuê, ai thuê gì thì làm nấy.

Theo thống kê của Hội LHTN Việt Nam tỉnh, tổng số thanh niên trong toàn tỉnh (độ tuổi từ 16-30) là 195.112 thanh niên, trong đó thanh niên ở miền núi là 3.574 người. Phần lớn, TNMN đều không có việc làm ổn định, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trước đây, người dân miền núi chủ yếu dựa vào rừng để kiếm sống nhưng nay rừng đã được Nhà nước quản lý nghiêm ngặt, vì thế họ không còn nguồn thu nhập nào từ việc khai thác rừng tự do.

Trong khi đó, thực tế cho thấy diện tích sản xuất đất nông nghiệp ở các xã miền núi rất ít, lại chủ yếu là đất dốc nên nhanh bị xói mòn, rửa trôi. Các ngành nghề truyền thống ngày càng bị mai một khi lớp trẻ không kế thừa và phát huy được, còn các nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thì không có điều kiện để phát triển... khiến cho sức ép về việc làm ngày càng lớn, nhất là đối với thanh niên. Lực lượng lao động dồi dào, có sức khỏe nhưng thiếu đất, thiếu vốn, thiếu nghề, cộng với trình độ văn hóa thấp, nhận thức về hướng đi cho tương lai chưa rõ ràng dẫn đến nhiều TNMN rơi vào tình trạng thất nghiệp, hoặc có việc làm nhưng không ổn định, thu nhập thấp khiến họ không thể thoát khỏi cuộc sống nghèo khó.

Anh Nguyễn Thái Bình, Bí thư Huyện đoàn Tuyên Hóa cho biết, hiện tại tổng số đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện là 15.093 đồng chí, số ĐVTN tập hợp được là 9.005 đồng chí. Trong đó có đến 45-50% thanh niên không có việc làm hoặc có việc làm nhưng chưa ổn định. Hiện tại, nhu cầu việc làm của thanh niên Tuyên Hóa là rất lớn nhưng vì thiếu vốn, thiếu kiến thức ngành nghề nên quá trình tìm kiếm việc làm gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trên địa bàn có rất ít các công ty hay nhà máy để tham gia lao động nên thanh niên trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm còn rất nhiều.

Mặt khác, nhiều thanh niên chưa xác định được năng lực bản thân cũng như nhu cầu thị trường lao động để lựa chọn hướng đi phù hợp. Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên ra trường có bằng cấp nhưng thiếu kiến thức thực tiễn về nghề, thiếu kỹ năng mềm, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Một bộ phận thanh niên ngại khó, ngại khổ; thiếu chủ động, nhạy bén, chưa chịu khó trau dồi tay nghề, rèn luyện bản thân. Thực tế này dẫn đến tình trạng nhiều thanh niên không thể kiếm được việc hoặc phải chuyển sang làm những công việc thời vụ, lao động phổ thông.

Chị Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh cho biết, những năm qua, với nhiều cơ chế chính sách quan tâm, ưu đãi nhưng nhiều TNMN không có điều kiện học hành đến nới đến chốn, nhận thức chưa cao, lại đơn giản trong suy nghĩ nên việc hướng nghiệp, dạy nghề cho họ gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như mỗi năm, Trung tâm phối hợp với các Huyện đoàn thường xuyên mở các lớp dạy nghề cho hàng nghìn lao động, chủ yếu là các nghề như xây dựng, hàn, mộc, trồng trọt, chăn nuôi...

Thế nhưng, sau khi đào tạo, rất nhiều thanh niên vẫn chưa tìm được việc làm. Với những người có việc làm thì chỉ được thời gian đầu sôi nổi, về sau do “đầu ra” hạn chế, thu nhập không cao nên bỏ việc rồi dẫn đến thất nghiệp, phải ly hương kiếm kế sinh nhai.

“Cầm tay chỉ việc” vẫn thất bại

Bên cạnh những thanh niên thiếu việc làm, thì nhiều thanh niên lại tự ý bỏ việc. Đây là một nghịch lí vẫn còn tồn tại trong vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên khu vực miền núi tỉnh ta. Chị Thủy cho hay, hiện nay việc xuất khẩu lao động được xem là một hướng đi mới để người lao động thoát nghèo vươn lên làm giàu và hiện tại đã có hàng nghìn lao động tỉnh ta đang làm việc tại khắp các nước trên thế giới. Cụ thể, năm 2015 có 609 lao động và 6 tháng đầu năm 2016, đã có 296 lao động trên địa bàn tỉnh đi xuất khẩu tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... thông qua trung tâm.

Với mức thu nhập cao, ổn định, đã có nhiều lao động sau khi về nước trở thành chủ của những doanh nghiệp tư nhân, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Trong khi đó, người lao động tại các huyện miền núi dù đã được các doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng nhưng qua bên đó lại không chịu làm việc. Các công ty, doanh nghiệp nước ngoài đều phản ánh là lao động làm việc không tốt, chất lượng không đạt, tác phong làm việc còn chậm. Hàng năm, tỷ lệ lao động ở các huyện miền núi bỏ về nước rất nhiều.

 Đào tạo nghề được xem là giải pháp căn cơ hiện nay để giải quyết việc làm cho thanh niên miền núi.
Đào tạo nghề được xem là giải pháp căn cơ hiện nay để giải quyết việc làm cho thanh niên miền núi.

Mặt khác, trong khi việc tập hợp lao động trong độ tuổi thanh niên để đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ cho họ đã vất vả thì việc hướng dẫn họ tiếp thu lại càng khó khăn hơn. Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh có mở rất nhiều lớp đào tạo nghề chất lượng cao như hàn, xây dựng, tin học... nhưng số lượng TNMN tham gia rất ít. Dù được hỗ trợ rất nhiều chi phí như ăn, ở, đi lại, kể cả học phí nhưng họ lại không chịu học nghề hay học ngoại ngữ mà chỉ muốn nhanh được đi xuất khẩu và qua đó đại đa số là làm việc phổ thông.

Trong khi, chủ trương của các nước thuê lao động hiện nay luôn chú trọng đến lao động có tay nghề nên số lượng TNMN được đi xuất khẩu lao động tại các thị trường lớn, tiềm năng rất ít. “Trình độ học vấn thấp, thiếu tác phong làm việc công nghiệp nên dù đã được “cầm tay chỉ việc”, nhưng một số thanh niên vẫn không biết nắm bắt cơ hội.

Từ thực trạng trên, thiết nghĩ, cần chú tâm đào tạo nghề cho thanh niên trong độ tuổi lao động khu vực miền núi trước khi hướng nghiệp; để người lao động có đầy đủ hành trang nhập cuộc với môi trường làm việc đa dạng hiện nay”, chị Thủy nhận định. Trước mắt, giải pháp căn cơ hiện nay đối với TNMN là tạo việc làm ngay tại địa phương.

Chính vì vậy, để tạo sinh kế lâu dài cho TNMN, Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh cần chú trong đến công tác vận động thanh tham gia trồng rừng làm kinh tế thông qua chủ trương giao đất giao rừng của tỉnh; tham gia các lớp dạy nghề, hướng nghiệp việc làm do các ban, ngành, đoàn thể tổ chức; phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ giống, cây trồng, tạo điều kiện để thanh niên vay vốn phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn thanh niên chuyển đổi khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cao...

Lan Chi