.

Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả lũ kép

Thứ Tư, 02/11/2016, 15:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Tại một số địa phương trong tỉnh, ngay khi lũ vừa rút, chính quyền, các lực lượng chức năng cùng người dân bắt tay ngay vào việc dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả lũ lụt, nhằm nhanh chóng ổn định đời sống sinh hoạt và khôi phục sản xuất.

. Quảng Trạch: Tập trung vệ sinh trường lớp sau lũ
 
Sáng nay (2- 11), hầu hết các khu vực bị ngập lụt trên địa bàn huyện Quảng Trạch, nước đã rút. Người dân đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, đường sá để sớm ổn định cuộc sống. Các trường học trên địa bàn cũng đang được các thầy cô giáo nỗ lực dọn dẹp bùn đất, sớm đưa các em học sinh trở lại trường...
 
Các thầy cô giáo trên địa bàn tích cực dọn dẹp , sớm đưa các em học sinh trở lai jtruowfng
Các thầy cô giáo trên địa bàn tích cực dọn dẹp để các em học sinh sớm được trở lại trường.
Mưa lớn những ngày qua khiến nhiều khu vực trên địa bàn huyện Quảng Trạch bị ngập lụt nặng. Theo thống kê của Ban chỉ huy PCTT- TKCN huyện Quảng Trạch, toàn huyện có gần 2.200 ngôi nhà bị ngập trong đợt lũ vừa rồi. Mức ngập trung bình từ 0,5 đến 3m. 
 
Do chủ động các phương án ứng phó và phòng chống bão lụt nên huyện Quảng Trạch đã hạn chế được tối đa những thiệt hại do lũ lụt gây ra. Tuy nhiên, một số khu vực bị ngập lụt, cô lập khiến cuộc sống của người dân càng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt, sau trận lũ lụt lịch sử hồi trung tuần tháng 10.
 Thôn Thuận Hòa, xã Quảng Trường bị lũ vẫn bị cô lập do cầu phao bắc qua thôn bị lũ làm đứt gãy
Thôn Thuận Hòa, xã Quảng Trường bị lũ vẫn bị cô lập do cầu phao bắc qua thôn bị lũ làm đứt gãy
Đến sáng 2-11, mặc dù nước lũ đã rút nhưng một số khu vực ở xã Phù Hóa vẫn bị ngập cục bộ. Hệ thống cầu phao bắc qua thôn Thuận Hòa (Quảng Trường) bị lũ làm đứt gãy khiến thôn này vẫn bị cô lập.
 
Lũ rút nhưng hầu hết khắp các tuyến đường liên xã, liên thôn trên các khu vực bị ngập còn nhão nhoét bùn đất. Học sinh các trường học ở xã Cảnh Hóa, Phù Hóa, Quảng Thanh vẫn chưa thể trở lại lớp.
Người dân tất bật dọn dẹp đường xá
Người dân tất bật dọn dẹp đường xá...

Thầy giáo Hoàng Quốc Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Phù Hóa cho biết, mưa lớn gây lũ lụt mấy ngày nay khiến các em học sinh không thể đến trường. Để không làm gián đoạn việc dạy và học, sáng nay, lũ rút, các thầy cô trong trường tập trung dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả để sớm đón các em trở lại trường.

Ông Phan Ngọc Duy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, trước mắt, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương cho người dân dọn dẹp vệ sinh, đặc biệt ưu tiên ở các trường học để bảo đảm các em học sinh nhanh chóng trở lại trường. Bên cạnh đó, tập trung xử lý môi trường, phun thuốc khử trùng tránh để xảy ra dịch bệnh.
 
Theo dự báo, trong những ngày tới, tình hình mưa lũ có nhiều diễn biến phức tạp, huyện đã chỉ đạo các địa phương sẵn sàng phương án "4 tại chỗ" nhằm đề phòng mưa lớn có thể tiếp tục gây ngập lụt trở lại.
X.Phú
 

. Tuyên Hoá: Tập trung lực lượng, phương tiện giúp dân khắc phục hậu quả lũ kép

>> Tuyên Hoá: Lũ xuống chậm, một người mất tích, hàng ngàn nhà dân vẫn còn ngập

>> Tuyên Hoá: Trên 6 nghìn nhà dân ngập lũ

Ông Hoàng Minh Đề, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hoá cho biết: Ngay từ sáng sớm hôm nay (2-11), tranh thủ lúc lũ rút, huyện đã khẩn trương huy động được hơn 500 người cùng nhiều phương tiện từ lực lượng quân sự, công an, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể... toả về các địa phương bị ngập lũ nặng để giúp nhân dân khắc phục hậu quả của đợt lũ kép, đặc biệt là tại vị trí các trường học, trạm y tế...

Lực lượng Công an huyện Tuyên Hoá về giúp xã Văn Hoá dọn dẹp vệ sinh ở trường học sáng 2-11-2016
Lực lượng Công an huyện Tuyên Hoá về giúp xã Văn Hoá dọn dẹp vệ sinh ở trường học sáng 2-11-2016

Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện Tuyên Hoá cho biết, tính đến 11 giờ trưa nay, tổng lượng mưa đo được tại trạm Đồng Tâm là 962,4 mm, tại trạm Mai Hoá 326,6 mm. Mực nước trên sông Gianh tại trạm Đồng Tâm vào lúc 11 giờ ngày 2-11-2016 giảm xuống còn 8,30 mét, trên báo động 1 là 1,30 mét (đỉnh lũ lúc 9h-10h ngày 1-11-2016 ở trạm Đồng Tâm là 16,03 mét, trên báo động 3 là 0,03 mét); mực nước tại trạm Mai Hoá đạt 3,99 mét, trên mức báo động 1 là 0,99 mét (đỉnh lũ tại trạm Mai Hoá lúc 11h-12h ngày 1-11-2016 là 7,93 mét, trên báo động 3 là 1,43 mét). Hiện nay, nước trên sông Gianh tiếp tục xuống, mưa đã giảm...

Chính quyền thôn Lâm Lang, xã Châu Hoá dựng gấp rào chắn để cảnh báo cho người dân đi lại an toàn sau lũ.
Thôn Lâm Lang, xã Châu Hoá dựng rào chắn để cảnh báo cho người dân đi lại an toàn sau lũ.

Theo thông tin mà phóng viên nắm được, tính đến 11 giờ 30 phút ngày 2-11-2016, trên địa bàn huyện Tuyên Hoá đã có 3 người dân bị thương ở thời điểm xảy ra lũ lụt (gồm: Cao Văn Khương, xã Tiến Hoá; Nguyễn Văn Thìn, xã Phong Hoá; Trần Thị Thu Hương, xã Mai Hoá). Hiện, lũ đã rút bớt những vẫn còn hàng trăm nhà đang ngập nước. Đợt lũ chồng lũ này đã làm thêm 3 nhà dân bị sập, trôi, gồm nhà của Nguyễn Thị Mai (xã Thuận Hoá), Mai Văn Phi (xã Thạch Hoá) và Phạm Cư (xã Mai Hoá).

Lũ cũng khiến cho 28 trường học (với 198 phòng học, 132 phòng chức năng, 9 bếp ăn...); 6 trạm y tế với 31 phòng bị ngập trong nước. Nơi sâu nhất ngập trên 2,5 mét như Trường mầm non Văn Hoá, Trường tiểu học Thiết Sơn... Nhiều hệ thống trường học bị ngập sâu, bàn ghế cùng nhiều trang thiết bị, đồ dùng học tập bị ướt, hư hỏng... Đến sáng nay (2-11), hầu hết các học sinh ở Tuyên Hoá vẫn chưa thể trở lại trường để học sau nhiều ngày bị gián đoạn do lũ chồng lũ.

Bùn đất ngập nhà dân sau lũ kép.
Bùn đất ngập nhà dân sau lũ kép.

Cầu treo Kim Tiến (xã Kim Hoá) bị sạt lở 2 bên mố cầu. chính quyền địa phương buộc phải cấm người dân lưu thông trong thời điểm xảy ra lũ lụt; tường rào Trường THCS Tiến Hoá bị sập khoảng 60m; nhiều hệ thống giao thông, hồ, đập, kênh mương thuỷ lợi bị vùi lấp và bị nước cuốn trôi hàng nghìn mét khối; điện thắp sáng ở nhiều địa phương chưa thể đóng trở lại...

Được biết, trong ngày 2-11, lãnh đạo UBND huyện Tuyên Hoá cùng với các thành viên Ban chỉ huy PCTT & TKCN vẫn đang tiếp tục bám địa bàn được phân công để trực tiếp chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động các biện pháp để khắc phục hậu quả lũ lụt.

Văn Minh

. Quảng Ninh: trên 7.000 ngôi nhà bị ngập lụt, 3 người bị thương
 
 
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Quảng Ninh, đến thời điểm 13h30 ngày 2-11, trên địa bàn huyện vẫn còn có trên 7.000 ngôi nhà bị ngập lụt, nhiều ngôi nhà bị ngập sâu hơn 1m; trên 10.000 hộ gia đình chịu ảnh hưởng; 8 xã bị chia cắt gồm: Trường Xuân, Trường Sơn, Hàm Ninh, Duy Ninh, Hiền Ninh, Võ Ninh (thôn Trúc Ly), An Ninh, Tân Ninh. 
 
Đến nay, trên địa bàn, mưa đã ngớt, tuy nước lũ có rút dần nhưng không đáng kể, mực nước vẫn còn cao.
Cá biệt
Nhiều ngôi nhà trên địa bàn huyện bị ngập sâu
Đợt lũ này, huyện Quảng Ninh có 3 trường hợp bị thương, đang được điều trị tại bệnh viện, gồm: bà Trương Thị Nga (42 tuổi, ở thôn Rào Trù, xã Trường Xuân) bị ngã khi đang khơi thông rãnh thoát nước; ông Hà Văn Cường (60 tuổi, Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Tuy 2, xã Vĩnh Ninh) bị trượt ngã khi đang che lại mái nhà văn hóa thôn và ông Trần Văn Tuyên (43 tuổi, ở thôn Chợ Gộ, xã Vĩnh Ninh) bị ngã khi đang kê các vật dụng chống chọi với lũ. 
Một số trường học trên địa bàn huyện Quảng Ninh bị ngập nặng
Một số trường học trên địa bàn huyện bị ngập nặng, nhất là ở xã Tân Ninh
Ngoài ra, toàn huyện còn có khoảng 1.300 con gia cầm bị chết và cuốn trôi; 2,5 ha sắn của xã Trường Sơn bị thiệt hại hoàn toàn...
 
Đặc biệt có 17/52 trường học bị ngập sâu trong nước, học sinh của 28 trường nằm trong địa bàn vùng trũng, vùng xung yếu, bị chia cắt trên trên địa bàn huyện đang nghỉ học.
 
Theo ông Võ Thái Hòa, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, khi nào nước lũ rút hoàn toàn và tiến hành vệ sinh trường lớp bảo đảm, học sinh trên địa bàn mới trở lại trường học. 
Một số trường đang tiến hành dọn vệ sinh dần khi nước rút
Một số trường đang tiến hành dọn vệ sinh dần khi nước rút
Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, huyện đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương tích cực phòng chống lụt theo phương châm "bốn tại chỗ"; nước lũ rút đến đâu, tiến hành làm vệ sinh môi trường đến đó và triển khai công tác phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức khắc phục hậu quả lũ lụt kịp thời, khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân.
H.Tr

. Thị xã Ba Đồn: Hơn 4 nghìn nhà dân ngập sâu hơn 1 mét

>> Các xã, thôn vùng cồn bãi sông Gianh bắt đầu ngập sâu

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT và TKCN thị xã Ba Đồn, toàn thị xã có 2 nhà bị hư hỏng và 7.487 nhà bị ngập nước; trong đó có 4.216 nhà bị ngập từ 1m trở lên (chiếm 60%) và 2.811 nhà bị ngập dưới 1m (chiếm 40%).

Các thôn có nhiều nhà dân bị ngập nặng gồm: Tân Thượng (xã Quảng Hải), Cồn Sẻ (Quảng Lộc), Văn Phú (Quảng Văn), Cồn Nâm (Quảng Minh), Hà Sơn (Quảng Sơn), Tiên Phong và Tiên Xuân (Quảng Tiên), Công Hoà (Quảng Trung).

Lực lượng PCTT và TKCN xã Quảng Hải đi khảo sát tình hình mưa lũ và hỗ trợ người dân khi có tình huống cấp bách xảy ra
     Lực lượng PCTT và TKCN xã Quảng Hải đi khảo sát tình hình mưa lũ và hỗ trợ người dân khi có tình huống cấp bách xảy ra

Tính đến 18 giờ ngày 1-11, trên địa bàn thị xã Ba Đồn đã có 3 người bị thương do mưa lũ gồm: ông Đinh Quý Sữu, SN 1973 (xã Quảng Lộc), bà Phạm Thị Hoà, SN 1975 và ông Hồ Xuân Tám, SN 1975 (xã Quảng Trung).

Ngoài những thiệt hại về thuỷ lợi như đã thông tin, do mưa lũ kéo dài nên hệ thống cống tại tổ dân phố Chùa, phường Quảng Thuận và một số cống thoát nước đô thị, nông thôn khác bị tắc không thoát nước được, gây xói lở, hư hại một phần các tuyến đường liên quan. Một số đoạn thuộc tuyến đường 559 và các tuyến đường dân sinh khác cũng bị sạt lở, gây hư hỏng nặng, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân trên địa bàn.

Để chủ động đối phó và hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ lụt gây ra, trước khi mưa lớn, UBND thị xã và Ban chỉ huy PCTT và TKCN thị xã đã có công văn về việc ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của gió mùa và công điện chỉ đạo, hướng dẫn các ban, ngành, địa phương và nhân dân chủ động phòng chống. UBND thị xã đã tổ chức cuộc họp đột xuất để triển khai công tác phòng chống thiên tai do ảnh hưởng của không khí lạnh và gió mùa Đông Bắc, phân công các đồng chí trong Ban chỉ huy PCTT và TKCN, các thành viên UBND thị xã và trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thị xã về tại các địa phương phối hợp với lãnh đạo các xã, phường để chỉ huy công tác phòng chống lũ lụt. Các địa phương bảo đảm chế độ trực ban 24/24 giờ trong thời gian trước, trong và sau lũ lụt, tổ chức thực hiện tốt “phương châm 4 tại chỗ”. Nhờ vậy, đã hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Long, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết: Đến thời điểm 15 giờ ngày 2-11, cơ bản nước đã rút ra khỏi nhà dân. Hiện tại, Ban chỉ huy PCTT và TKCN thị xã vẫn thường trực 24/24 để tiếp tục nắm bắt tình hình diễn biến mưa lũ tại các xã, phường để có biện pháp chỉ đạo kịp thời; đồng thời tập trung nguồn lực và huy động lực lượng để khắc phục hậu quả lũ lụt.

Trước mắt, thị xã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương khắc phục thiệt hại về trường học, trạm y tế và trụ sở các cơ quan để kịp thời phục vụ cho công tác học tập, làm việc và khám chữa bệnh cho nhân dân; tiếp đó khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng và vệ sinh môi trường... UBND thị xã đang tiếp tục thực hiện công tác cứu trợ và động viên, thăm hỏi người dân ở các vùng cồn bãi, có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại nặng do mưa lũ.  

Hiền Chi