.

Nhân rộng các mô hình phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng

Thứ Ba, 06/09/2016, 07:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo thống kê từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 72/966 cơ sở kinh doanh dịch vụ nghi vấn tổ chức hoạt động mại dâm và có hơn 300 đối tượng nghi vấn có hoạt động mại dâm. Điều đáng lo ngại là các đối tượng mại dâm đang ngày càng trẻ hóa về độ tuổi, đa dạng về ngành nghề, không chỉ đơn thuần là xuất thân từ nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, nghề nghiệp không ổn định mà trình độ học vấn cũng rất thấp. Chính vì vậy, các mô hình phòng ngừa mại dâm từ cộng đồng đang được xem là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để đẩy lùi tệ nạn này.

Phường Bắc Lý (TP.Đồng Hới) có địa hình và nhân khẩu phức tạp, trên địa bàn có khu công nghiệp, các trường đại học, trung cấp, trường nghề... Theo số liệu thống kê năm 2015, phường có 278 hộ gia đình kinh doanh phòng trọ với tổng số 2.388 phòng cùng với hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở cắt tóc gội đầu.

Bắc Lý cũng có tới 5.275 đối tượng tạm trú trên địa bàn, trong đó, 3.860 đối tượng là sinh viên, số còn lại là công nhân của trên 120 nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn phường. Kéo theo đó, tình trạng nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa, số công nhân thất nghiệp vẫn đang tạm trú tại các phòng trọ để tìm việc làm, số đối tượng làm nghề tự do không có quản lý, đối tượng giả mạo sinh viên với những mục đích khác nhau... đã làm gia tăng nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội, trong đó có hoạt động mại dâm.

Mô hình “Phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng” đã được thành lập tại phường Bắc Lý trong bối cảnh phức tạp đó, thuộc giai đoạn triển khai Chương trình hành động phòng, chống mại dâm 2011-2015. Bà Đỗ Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Lý cho biết, một tổ công tác thực hiện xây dựng mô hình đã được thành lập.

 Đoàn thanh niên đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền ngăn ngừa mại dâm tại cộng đồng.
Đoàn thanh niên đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền ngăn ngừa mại dâm tại cộng đồng.

Tiếp đó, nhiều hội nghị triển khai mô hình, tập huấn công tác phòng ngừa mại dâm cho trưởng các ban ngành đoàn thể, cán bộ công chức trong UBND phường, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận và chi hội trưởng hội phụ nữ của 15 tổ dân phố trên địa bàn được tổ chức.

Hàng tháng, UBND phường đều tiến hành giao ban với tất cả các thành viên trong tổ công tác và ban ngành liên quan nhằm trao đổi công việc, chia sẻ thông tin, nắm bắt và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình mô hình đi vào hoạt động.

Các buổi nói chuyện, truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận về quan điểm giữa tổ công tác và các ban ngành liên quan cũng được diễn ra. Kèm theo đó là nỗ lực duy trì công tác báo cáo tiến độ định kỳ, đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm vào cuối năm.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, tổ công tác đã tổ chức được 63 buổi nói chuyện, tuyên truyền, phát tờ rơi tại các nhà trọ, cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ phát sinh tệ nạn mại dâm, 5 buổi sinh hoạt nhóm các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ với trên 120 người tham gia và duy trì hoạt động cho câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội.

Song song với đó, phường đã tổ chức 3 cuộc kiểm tra liên ngành về việc chấp hành quy định về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại những cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn phường. Công tác truyền thông, tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh không dây của phường, của tổ dân phố được phát huy hiệu quả thông qua các bản tin, bài viết liên quan đến công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tác hại của ma túy, mại dâm, hiểu biết chung về HIV/AIDS...

Bà Đỗ Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Lý khẳng định, trong thời gian tới, phường sẽ tiếp tục triển khai mô hình với các hoạt động cụ thể và linh hoạt hơn, trong đó, chú trọng vận động các cơ sở kinh doanh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội tại các tổ dân phố. Phường sẽ phối hợp với Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế dự phòng TP.Đồng Hới để thành lập nhóm đồng đẳng, nhóm tuyên truyền viên, nhóm người lao động có nguy cơ cao tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ để mô hình đạt kết quả cao hơn trong tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức.

Theo bà Phạm Thị Anh Đào, Trưởng phòng phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, được sự hỗ trợ của Chương trình quốc gia phòng, chống mại dâm, năm 2012, Sở đã trực tiếp chỉ đạo các địa phương tiếp tục xây dựng thí điểm mô hình “Phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa giảm tác hại về phòng chống HIV trong phòng chống mại dâm” tại 5 xã, phường trọng điểm về mại dâm (Bắc Lý-TP.Đồng Hới, Văn Thủy-Lệ Thủy, TT.Ba Đồn-Quảng Trạch (cũ), TT.Đồng Lê-Tuyên Hóa, TT.Hoàn Lão-Bố Trạch) và 4 xã, phường khác do các đoàn thể trực tiếp chỉ đạo, quản lý. Kể từ khi thành lập, các mô hình phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng đã góp phần đáng kể trong nỗ lực giảm thiểu tệ nạn này tại mỗi địa phương.

Cụ thể, các xã, phường, thị trấn đều thành lập ban chủ nhiệm câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội và nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng để duy trì thường xuyên hoạt động. Công tác kiểm tra liên ngành tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, khám sức khỏe cho nữ nhân viên, xét nghiệm HIV cho đối tượng gái bán dâm, các buổi nói chuyện, tuyên truyền, sinh hoạt nhóm... được thực hiện đều đặn, có trọng tâm, trọng điểm. Vai trò của nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng được phát huy với việc cấp phát bao cao su, tuyên truyền tại chỗ...

Các tổ chức đoàn thể, như: Hội liên hiệp phụ nữ cơ sở, Đoàn thanh niên thể hiện được sức mạnh của mình thông qua các mô hình, gồm: “Phụ nữ không tham gia tệ nạn mại dâm”, “Tổ liên gia tự quản”, “Phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng”, “Phòng, chống mua bán người vì mục đích mại dâm”, “Thanh niên nói không với mại dâm”... Thông qua tuyên truyền vận động đã có 42 chị em bán dâm thay đổi nghề, có 34 chị được vay vốn để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay trong quá trình triển khai, phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình phòng chống mại dâm tại cộng đồng chính là khâu quản lý đối tượng, nguồn vốn và nguồn nhân lực. Bà Phạm Thị Anh Đào chia sẻ thêm, việc quản lý hồ sơ của các đối tượng mại dâm ở tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn, hiện tại, Sở mới có được 35 hồ sơ của đối tượng này trong khi con số thực tế lại lớn hơn rất nhiều. Nguồn kinh phí cho mô hình trong giai đoạn 2011-2015 đã hết, hiện đang chờ đợi nguồn kinh phí giai đoạn mới, cho nên, mỗi địa phương phải tự duy trì hoạt động của mô hình.

Mặt khác, trên thực tế, nguồn ngân sách đầu tư cho công tác phòng chống mại dâm cũng rất hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nhất là trong công tác đấu tranh triệt phá ổ nhóm của các ngành, các cấp và kinh phí đầu tư cho xây dựng mô hình phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội của tỉnh ta ở cấp cơ sở còn thiếu, kiêm nhiệm nhiều việc.

Tỉnh ta vẫn chưa triển khai thành lập Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã. Tiếp sau việc nhân rộng mô hình phòng ngừa, tuyên truyền về mại dâm, các mô hình về trợ giúp chị em tái hòa nhập cuộc sống cũng rất cần được triển khai để phát huy hiệu quả của mô hình trước đây.

P.V