.

Chuộc lỗi với rừng

Thứ Năm, 01/09/2016, 09:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2011, Trần Xuân Lành, ở bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa được biết đến là một “lâm tặc” khét tiếng khi cùng một số đối tượng chuyên khai thác gỗ lậu rồi bắt cóc kiểm lâm viên đòi tiền chuộc. Vụ việc đó khiến Lành phải trả giá bằng án tù 14 tháng. Nhờ cải tạo tốt, đúng 1 năm sau, Lành được đặc xá trở về địa phương. Cũng từ đó, anh quyết tâm chuộc lỗi với rừng.

“Lâm tặc” một thời

Theo tài liệu từ các cơ quan chức năng huyện Minh Hóa, khoảng 7 giờ sáng ngày 27- 7- 2011, tổ công tác của Trạm kiểm lâm Thượng Hóa đi tuần tra tại rừng Trổông ở bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa gồm: Hoàng Văn Sáu (tổ trưởng), Hoàng Văn Quế, Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Duy Năng và Cao Dòng Sông.

Khi tổ công tác vào tới lán làm rẫy của Trần Xuân Lành thì phát hiện trong lán có 7 que gỗ vàng tâm được kết lại làm chỗ ngủ. Trong lán còn có nhiều vật dụng phục vụ cho sinh hoạt và khai thác gỗ. Cách lán hơn 16m có 21 hộp gỗ vàng tâm và dỗi.

Sau đó, tổ công tác không tiến hành lập biên bản nhưng vẫn thu giữ 2 cái võng, 3 cái đèn pin, 2 thước đo, bột ngọt đưa về trạm, lấy gạo đưa ra ngoài và tiến hành tháo dỡ bạt, gom tất cả các tài sản còn lại cho lên ván rồi đốt cháy tại chỗ. Ngoài ra, tổ còn đốt cả 21 hộp gỗ gần đó.

Tất cả mọi tài sản đều cháy hết, chỉ có gỗ là cháy xén phần góc. Sau khi đốt xong, tổ công tác trở về có mang theo một số vật dụng thu giữ trước đó, nhưng khi đến vị trí eo thang thì bị Trần Xuân Lành cùng các đối tượng khác dùng hung khí khống chế rồi bắt giữ.

Lúc đó, thấy anh Quế đi sau cùng, Lành từ trong bụi rậm xông ra hô “đứng lại”. Anh Quế bỏ chạy rồi ngã va vào đá làm vỡ xương bánh chè và bị đứt gân gót chân, bò dưới đất không thể tiếp tục chạy. Lành đuổi theo dùng dao chém thì bị anh Quế bắt được tay cầm dao và vật Lành xuống đè lên trên. Chỉ đến khi người trong nhóm nghe Lành kêu cứu mới chạy đến giúp Lành thoát thân.

Trần Xuân Lành đang chăm sóc cánh rừng trồng của mình.
Trần Xuân Lành đang chăm sóc cánh rừng trồng của mình.

Sau đó, các đối tượng trói anh Quế rồi tiếp tục tấn công những người còn lại và trói thêm được anh Phạm Văn Sáu và Nguyễn Đức Minh, còn anh Nguyễn Duy Năng và Lê Dòng Sông chạy thoát. Sau gần 3 giờ đồng hồ dẫn các kiểm lâm viên quay ngược vào khu vực lán trại, nhóm của Lành đã đẩy họ vào một hang đá gần đó canh phòng cẩn mật và đòi tiền chuộc với giá 25 triệu đồng, nếu không có tiền chuộc sẽ bị giết.

Tại đây, nhóm lâm tặc đã dùng những lời lẽ chửi bới, thi thoảng lại đá, đạp các kiểm lâm. Anh Sáu được chúng cho về lấy tiền trong sự kèm cặp của 2 lâm tặc. Khi phát hiện lực lượng chức năng đến giải cứu, anh Minh đã xô ngã mấy tên trong hội của Lành, mang theo cả giây trói chạy ra ngoài, còn anh Quế vẫn bị giữ lại trong hang. Gần 2 giờ đồng hồ được các lực lượng chức năng kiên trì vận động, đến khoảng gần 20 giờ, Lành quyết định cùng đồng bọn dẫn anh Quế ra cửa hang và tháo chạy, riêng đối tượng Trần Xuân Minh bị bắt tại trận.

Sau hai ngày trốn trong rừng, ăn củ và lá rừng cầm hơi, đến ngày thứ 2 đói quá chịu không nổi nên Lành đã gọi đồng bọn trở về bản rồi ra đầu thú để nhận được sự khoan hồng. Trước hành vi của mình, Trần Xuân Lành đã bị Tòa án nhân dân huyện Minh Hóa tuyên phạt 14 tháng tù giam và chịu toàn bộ chi phí chăm sóc, điều trị... cho kiểm lâm Hoàng Văn Quế.

Chuộc lỗi với rừng

Trước đây, Lành cùng bao người Rục sống bằng nghề phá rừng, làm rẫy. Họ nghĩ rằng, mình sinh ra từ rừng thì phải phá rừng mà sống. Từ suy nghĩ đó, đồng bào đã phá đi nhiều cánh cánh rừng nguyên sinh đã che chở họ bao đời nay. Trong số họ đã có nhiều người phải trả giá đắt, mà điển hình nhất là Trần Xuân Lành.

Sau sự việc bắt cóc kiểm lâm rồi đi tù về, Lành được sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương nên anh bỏ hẳn nghề lâm tặc rồi quyết tâm chuộc lỗi với rừng. “Sau khi bắt cóc các anh kiểm lâm, tôi ân hận lắm. Xưa nay, tôi nghĩ rừng là của mình, mình cứ thế mà khai thác. Nhưng giờ thì mình sũy nghĩ khác rồi, rừng tự nhiên có nhiều đến mấy khai thác rồi cũng hết, chỉ có rừng trồng, rừng mình tự bảo vệ, khai thác là còn mãi”, Lành tâm sự.

Rồi anh đã mạnh dạn nhận gần 10 ha đất trống, đồi trọc cách nhà chừng 2km để trồng rừng. Tài sản lớn nhất của anh lúc đó là con trâu kéo gỗ anh cũng đem bán để đầu tư mua dây thép gai về rào vườn, mua giống keo lai về để trồng rừng. Hàng ngày, vợ chồng Lành băng đèo vượt suối vào rừng để dọn thực bì, làm hàng rào và trồng những mầm cây đầu tiên. Hơn 4 tháng trôi qua, vườn rừng của Lành cơ bản đã trồng xong với diện tích 5ha.

Trồng xong rừng cũng là lúc cuộc sống gia đình anh lâm vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Để nuôi vợ và 4 đứa con đang trong độ tuổi ăn học, anh tiếp tục vào rừng nhưng không phải để khai thác gỗ mà chỉ lấy những sản vật từ rừng như: lá nón, mây, măng, cỏ máu, mật ong rừng... về bán kiếm tiền đong gạo. Ở nhà, vợ anh tần tảo nuôi thêm vài con gà. Bán gà xong, vợ anh lại dành dụm mua lợn rồi tiếp tục bán lợn mua trâu bò. Ngoài ra, anh còn đầu tư trồng lúa rẫy, sắn, ngô để đáp ứng nguồn lương thực hàng ngày.

Anh chia sẻ: “Nhờ săn mật ong rừng và khai thác các sản vật từ rừng nên tôi mới nuôi được vợ con và bỏ được nghề lâm tặc”. Nói xong, Lành dẫn tôi đi thăm cánh rừng xanh bạt ngàn do chính mình làm chủ. Cánh rừng đó nay đã xanh tốt, bên ngoài được bảo vệ bằng hàng rào thép gai rất chắc chắn. Trong vườn rừng đó vẫn còn khoảng 5h diện tích anh chưa có điều kiện để trồng. Lành nói: “Nếu khai thác xong vườn rừng này, tôi sẽ có khoảng 150 triệu đồng. Số tiền đó cả đời làm lâm tặc chắc tôi cũng không dám mơ. Khi nào bán xong, tôi sẽ trích lại một phần tiền để tiếp tục đầu tư trồng rừng cho hết diện tích đất được giao”.  

Trưởng bản Ón, ông Trần Xuân Tư cho biết: “Sau khi bắt cóc kiểm lâm và chịu án tù xong, Lành cùng một số thanh niên trong bản được chính quyền xã, bộ đội biên phòng, kiểm lâm giúp đỡ cấp đất và bày cách trồng rừng nên nhiều người đã bỏ luôn nghề lâm tặc.

Đặc biệt, Trần Xuân Lành đã bỏ hẳn nghề khai thác gỗ rừng và chăm chỉ lao động lắm. Nay cậu ấy trở thành một trong những người “mê” trồng rừng số một ở bản Ón đó”. Lành không những trồng rừng mà anh còn có trách nhiệm với rừng khi giúp đỡ, vận động thanh niên trong bản cùng trồng rừng để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đấu tranh với những đối tượng phá rừng trái phép.

Đến thời điểm này, gần 5ha rừng của Lành đang chuẩn bị cho khai thác, cuộc sống của gia đình anh sau này chắc chắn sẽ được cải thiện.

Xuân Vương