.
Chuyện tuần này:

Văn hóa công sở ở đâu?

Thứ Năm, 01/09/2016, 10:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Mong muốn được cung cấp bản án cho một chuyên mục đang thu hút sự chú ý của bạn đọc, tôi tìm đến Tòa án nhân dân cấp huyện nọ. Được văn phòng Tòa án giới thiệu vào gặp đồng chí Chánh án, tôi hăm hở gõ cửa và bước vào phòng ngay khi có sự đồng ý.

Vậy mà, thật bất ngờ, vừa mới xưng tên và cơ quan làm việc, ngay lập tức tôi “được” đón nhận một “màn chào hỏi” vô cùng sốc. Vị Chánh án đạo mạo sử dụng những ngôn từ khó nghe nhất để nói với phụ nữ (chưa kể là một phóng viên đến làm việc) cùng thái độ bực tức, cau có.

Ông cho rằng, tôi vào làm việc không đăng ký qua văn phòng và khi được giải thích đã được văn phòng cho phép, ông ta lại khăng khăng viện cớ không thấy ông bận tiếp khách hay sao mà còn muốn làm việc (?!). Dù rất bất bình với thái độ của vị Chánh án, nhưng tôi vẫn nhẹ nhàng lý giải mình chỉ đến liên hệ làm việc, nếu ông bận, tôi sẵn sàng đặt lịch hẹn. Vẫn chưa hết, vị Chánh án này to tiếng chỉ tay đuổi phóng viên ra khỏi phòng và khẳng định: “Cô dám lý lẽ với tôi à, tôi sẽ gọi cho Tổng Biên tập của cô”.

Tiếng quát tháo của ông làm cho hầu hết cán bộ nhân viên trong cơ quan xôn xao, chú ý, thậm chí có người còn cho rằng, chắc hẳn tôi đã vô phép gì với ông mới gây ra cơ sự trên. Chỉ đến lúc thấy anh bạn phóng viên đi cùng (vốn quen biết với vị Chánh án) vì có việc cá nhân nên đến muộn, ông lập tức chuyển ngay thái độ, vồn vã giải thích sự nóng nảy và có nhã ý xin lỗi. À thì ra, trước khi tôi bước vào, ông bị cấp trên phê bình về một việc gì đó, cho nên không giữ được bình tĩnh.

Thử hỏi, người đứng đầu một cơ quan “cầm cân nảy mực” cho công lý lại không thể giữ bình tĩnh, công tâm sau khi bị cấp trên khiển trách, để rồi “đổ” sự tức giận lên một phóng viên đến liên hệ làm việc, thì với những vụ án nghiêm trọng, chịu sức ép từ nhiều phía, vị Chánh án này sẽ ứng xử như thế nào? Hay, lúc đó vị Chánh án lại “đổ lỗi” cho sự mất bình tĩnh?

Thêm nữa, khi phóng viên đến làm việc theo đúng quy trình còn chịu sự xúc phạm, thái độ thiếu văn minh công sở như vậy, thì đối với người dân mỗi khi có công việc khẩn cấp, cần gặp gấp sẽ còn bị đối xử, tỏ thái độ ra sao? Được biết, không phải chỉ với riêng tôi, mà vị Chánh án này còn “nổi tiếng” với những cách hành xử nóng nảy, bộc phát như vậy với cả một số phóng viên báo chí khác.

Quy định 01-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đang được triển khai sâu rộng ở tỉnh ta, phải chăng vị Chánh án này vẫn chưa từng biết đến?

Không những vậy, trong quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký ban hành (theo Quyết định 1253/2008/QĐ-TANDTC) cũng đã quy định về “Ứng xử với cơ quan tổ chức có liên quan và cơ quan báo chí” rất cụ thể tại điều 7, đó là: Phát ngôn, cung cấp thông tin tài liệu về xét xử, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng với các cơ quan, tổ chức có liên quan và cơ quan thông tin, báo chí khi được cấp lãnh đạo có thẩm quyền giao theo đúng quy định của pháp luật.

Rõ ràng, một người đứng đầu cơ quan tư pháp cấp huyện, nắm rõ tất cả các nguyên tắc, quy định trên lại có sự ứng xử như vậy là điều không thể chấp nhận được. Nếu cấp trên chưa “thông” như thế, thì cấp dưới sẽ xem đó như một tấm gương để rồi có lối hành xử tương tự, và người chịu trận cuối cùng chỉ có thể là người dân mà thôi.

Quảng Hạ