.
Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Làng trẻ em SOS Đồng Hới (7-9-2006 – 7-9-2016)

Hành trình mười năm chắp cánh những ước mơ

Thứ Năm, 01/09/2016, 08:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Thấm thoát đã mười năm trôi qua kể từ ngày Làng trẻ em SOS Đồng Hới chính thức bước vào hành trình chắp cánh giấc mơ cho những mảnh đời con trẻ gặp nhiều bất hạnh. Đó là khoảng thời gian đầy gian khó để những sinh linh bé nhỏ khi vào làng mới còn đỏ hỏn, non nớt nay đã phổng phao trưởng thành về cả thể chất và tinh thần, để các cô bé, cậu bé ở tuổi thiếu niên được chăm bẵm, nuôi dưỡng qua bàn tay các mẹ, các dì và trở thành người công dân có ích cho xã hội. Làng trẻ em SOS Đồng Hới không chỉ đơn thuần mang lại cho các em một mái nhà ấm êm, một người mẹ với trái tim ấm áp, những bữa cơm quây quần mà đó còn thực sự là một gia đình theo đúng nghĩa, nơi các em được sống qua tuổi thơ yêu thương, hạnh phúc và được vun đắp từng giấc mơ thuở thiếu thời.

Ngôi nhà hoa Vạn Thọ của gia đình mẹ Phạm Thị Thịnh cũng như bao ngôi nhà khác trong làng với vườn cây xanh mướt, phòng ốc gọn gàng, sạch sẽ và cả những góc học tập nhỏ xinh, ngăn nắp. Cách đây 10 năm, việc rời quê hương Kỳ Anh, Hà Tĩnh để đến với Quảng Bình, làm mẹ của 14 đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi là điều “phi thường” đối với người phụ nữ mỏng manh, yếu đuối mới chỉ xấp xỉ tuổi 30 này. Vậy mà mẹ Thịnh vẫn nỗ lực vượt qua bằng chính niềm yêu thương tận đáy lòng dành cho những đứa con mình không mang nặng đẻ đau.

Trong 14 người con của mẹ có 4 cháu là chị em ruột trong một gia đình. Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Lam, Nguyễn Thị Mơ và Nguyễn Thị Thương đến với làng ngay từ những ngày đầu thành lập. Lúc đó, Hồng là chị cả vừa lên 8 tuổi, còn cô em út Thương thì chỉ mới 2 tháng tuổi, mỏng manh, thơ dại. Thật khó để nói hết nỗi vất vả, gian nan của mẹ Thịnh trong chăm sóc các con nên người, lo từng bữa ăn giấc ngủ, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và mệt nhoài những lần con ốm đau. Trời không phụ lòng người, các con lớn lên trong sự quan tâm, đùm bọc và đều ngoan ngoãn, học giỏi. Cô bé Hồng là học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp và vừa đỗ Trường đại học kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng với số điểm 22, cô bé Lam vừa đỗ vào lớp 10 Trường THPT Đào Duy Từ.

Ngoài ra, trong nhà còn có cháu Nguyễn Thị Phượng cũng vừa đỗ vào Trường đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh với số điểm cao. Hai cháu Hoàng Sông Cầu và Dương Thị Hải hiện đang học Đại học tại TP.Hồ Chí Minh và TP.Huế. Hai cháu nữa đã tốt nghiệp THPT và tự tìm học nghề, theo đuổi công việc mà mình yêu thích, đam mê. Từng đó niềm vui cũng đủ để nụ cười trên môi mẹ Thịnh lúc nào cũng tươi tắn, hạnh phúc. Mẹ Thịnh bảo, mẹ không có mong muốn gì hơn là các con chăm ngoan, học giỏi, trưởng thành nên người và đóng góp thật nhiều cho xã hội.

Còn cô tân sinh viên Nguyễn Thị Hồng cũng không giấu nỗi xúc động khi nhớ về những tháng ngày được các mẹ, các dì, các cô chú trong làng yêu thương, chăm sóc và nhất là sự tận tụy hết lòng của mẹ Thịnh. Em chia sẻ, sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng tin tưởng của mọi người và sẽ nỗ lực đưa kiến thức của mình mang lại nhiều niềm hạnh phúc cho người khác.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao luôn được Làng trẻ em SOS Đồng Hới quan tâm.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao luôn được Làng trẻ em SOS Đồng Hới quan tâm.

Anh Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Làng trẻ em SOS Đồng Hới cho biết, cũng như gia đình mẹ Thịnh, các trẻ em trong mọi gia đình ở làng đều được sống trong sự bao bọc, sẻ chia, yêu thương đong đầy như thế. Hiện tại, làng đang chăm sóc 149 trẻ, trong đó, 103 trẻ ở trong làng, 16 trẻ ở Lưu xá thanh niên, 20 trẻ đi học ở ngoài, 10 trẻ đã đi làm và hưởng chế độ bán tự lập. Năm học 2015-2016, làng có 12,7% học sinh giỏi, 70% học sinh khá, có 9 em thi vào lớp 10 đều đỗ vào THPT và có 1 em đỗ lớp chuyên Địa Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp.

Bên cạnh việc học, các em được tạo mọi điều kiện để tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao tăng cường thể chất. Năm nay, câu lạc bộ bóng đá cộng đồng lần đầu tiên được thành lập và đi vào hoạt động. Các em yêu thích bộ môn thể thao này được sinh hoạt, tập luyện định kỳ hàng tuần và được tham dự giải bóng đá cộng đồng FFAV tại TP.Huế. Ngoài ra còn có những hoạt động sôi nổi của các câu lạc bộ về bóng chuyền, cầu lông, lớp võ, lớp vẽ cơ bản, vẽ nâng cao... Làng cũng thường xuyên mời chuyên gia tư vấn giáo dục giới tính vị thành niên đến nói chuyện và cung cấp thông tin hữu ích về sức khỏe sinh sản cho các em. Làng đã phối hợp chặt chẽ với Thư viện tỉnh để tổ chức cho các em đọc sách và truy cập Internet miễn phí tại Thư viện vào ngày thứ 6 hàng tuần.

Quan tâm đến việc học, nâng cao thể chất, tinh thần, chia sẻ tâm tư tình cảm của từng em là phương châm hoạt động xuyên suốt của làng trong suốt một thập niên qua.

Trải qua hành trình mười năm yêu thương của mình, thật khó để đong đếm hết những nỗi vất vả của đội ngũ cán bộ, nhân viên và các mẹ, các dì của Làng trẻ em SOS Đồng Hới. Các cán bộ, nhân viên của làng đều nhiệt tình, đoàn kết, có ý thức trách nhiệm đối với công việc mình được giao, mỗi bộ phận luôn xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể hàng tuần và nỗ lực thực hiện tốt. Hiện nay, làng có 12 bà mẹ và 2 bà dì trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ. Các mẹ, các dì luôn dành tình yêu thương, quan tâm, chăm lo cho các con từ bữa ăn, giấc ngủ, động viên, khuyến khích các con trong học tập và rèn luyện tu dưỡng bản thân. Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, các mẹ, các dì cũng tham gia tích cực vào những hoạt động của làng nhằm nâng cao đời sống tinh thần và hòa nhập cộng đồng. Câu lạc bộ bà mẹ hàng tuần đều tổ chức tọa đàm, giao lưu, tư vấn để trang bị, hỗ trợ thêm kiến thức về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ và cập nhật tri thức xã hội cho các mẹ, các dì.

Trường mẫu giáo SOS Đồng Hới cũng luôn được đánh giá là ngôi trường có chất lượng tốt, uy tính cao, giáo viên tận tâm, yêu thương trẻ và là một trong những sự lựa chọn tốt nhất cho phụ huynh gửi gắm con em mình. Cơ sở vật chất của nhà trường từng bước được nâng cấp và đầu tư, như: cải tạo vườn cây không có quả thành khu vườn cổ tích, có đầy đủ khu vui chơi cát, vui chơi nước, khu giáo dục vận động, khu vườn rau, trang thiết bị hiện đại trong các lớp học...

Cô giáo Hoàng Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện, bên cạnh việc chăm lo đời sống, giáo dục các cháu, nhà trường cũng rất quan tâm đến các hoạt động giáo dục tích hợp, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, giáo dục lễ giáo, giáo dục bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng hiệu quả, giáo dục an toàn giao thông, ngoại khóa, trải nghiệm phương pháp “Học mà chơi, chơi mà học”... Mỗi tháng, nhà trường đều có các hoạt động cụ thể theo chủ đề học, xuyên suốt từ đầu năm đến cuối năm và đưa học sinh đi thăm các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trường tiểu học. Trường mẫu giáo SOS Đồng Hới mạnh dạn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học, quản lý giáo dục và coi trọng việc xây dựng đội ngũ, nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, kết hợp chặt chẽ với các lực lượng trong, ngoài nhà trường, nhất là với phụ huynh. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường luôn ổn định bền vững và không ngừng nâng cao. Năm học 2015-2016, 100% giáo viên nhà trường đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn.

Mười năm là một hành trình ghi dấu biết bao nỗ lực vượt khó của đội ngũ cán bộ nhân viên, các mẹ, các dì ở Làng em SOS Đồng Hới. Vẫn biết rằng còn đó không ít những khó khăn, thiếu thốn về nguồn kinh phí cho bữa ăn, cho việc học của các cháu, nhưng theo như khẳng định của anh Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Làng trẻ em SOS Đồng Hới, làng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác và chỉ tiêu, kế hoạch đề ra về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Đồng thời, việc nâng cao chất lượng chăm sóc toàn diện về thể chất và tinh thần cho trẻ, tăng cường công tác giáo dục trẻ, đẩy mạnh chất lượng học tập của trẻ sẽ luôn được đặt lên hàng đầu.

Mai Nhân