.

Yêu cầu về công khai, minh bạch trong cải cách thủ tục hành chính hiện nay

Thứ Năm, 01/09/2016, 08:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Một trong các giải pháp cải cách thủ tục hành chính hiện nay là kiểm soát quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách thủ tục hành chính. Đây là giải pháp có quan hệ gắn kết chặt chẽ với các giải pháp cải cách khác; theo đó thủ tục hành chính sau khi được ban hành phải được công bố, công khai và tổ chức thực hiện theo đúng quy định pháp luật, gắn với trách nhiệm tổ chức thực hiện của cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức và quyền giám sát của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Trong những năm qua, hoạt động kiểm soát quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính gắn với công bố, công khai thủ tục hành chính ở Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung tuy đã đem lại nhiều kết quả tích cực, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Tình trạng thủ tục hành chính có nội dung công bố chưa "đầy đủ, chính xác, kịp thời" theo các quy định pháp luật vẫn thường xuyên xảy ra.

Tính chất đặc thù của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay luôn có các văn bản dưới luật để quy định chi tiết và hướng dẫn luật nên các quy định về một thủ tục hành chính cụ thể có thể được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau, vì vậy tình trạng công bố thủ tục hành chính chưa "đầy đủ, chính xác, kịp thời" sẽ không đáp ứng được yêu cầu về công khai, minh bạch các quy định về thủ tục hành chính.

Quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự đem đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, chưa gắn trách nhiệm giải trình với trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính. Vẫn còn xảy ra tình trạng chưa kiểm soát chặt chẽ quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả thông qua một đầu mối, chưa thực hiện việc giải trình, giải thích lý do rõ ràng, cụ thể bằng văn bản khi đối tượng thực hiện thủ tục hành chính chưa hiểu rõ hoặc thực hiện không đúng quy định.

Những tồn tại trên không chỉ làm hạn chế chất lượng, hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính mà còn làm ảnh hưởng đến việc triển khai áp dụng các giải pháp cải cách khác trong thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay.

Việc công bố, công khai thủ tục hành chính đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Việc công bố, công khai thủ tục hành chính đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách trong tổ chức thực hiện thủ tục hành chính nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, thì điều kiện tiên quyết là phải thực hiện có chất lượng, hiệu quả việc công bố, công khai, minh bạch quy trình giải quyết công việc, thủ tục hành chính, gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính; trong đó, cần thực hiện một số yêu cầu như sau:

- Trước hết, cần chuẩn hóa nội dung công bố các thủ tục hành chính. Để thực hiện được yêu cầu này, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về công bố thủ tục hành chính:

Một là, cần bổ sung các quy định, hướng dẫn về phương pháp, cách thức thống kê, cập nhật thông tin về thủ tục hành chính để công bố; bảo đảm sự thống nhất giữa Trung ương với địa phương và giữa các ngành, lĩnh vực khác nhau. Mẫu quyết định công bố thủ tục hành chính theo thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, các cấp chính quyền hiện nay cũng cần được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu hệ thống và tổ chức công khai theo từng cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết thủ tục hành chính khác nhau, nhất là đối với các thủ tục liên thông hoặc thủ tục có nhiều cơ quan, nhiều cấp cùng có thẩm quyền giải quyết.

Hai là, cần xây dựng cơ chế pháp lý để xác định và thực hiện trách nhiệm phát hiện, phản hồi và xử lý thủ tục hành chính chưa công bố "đầy đủ, chính xác, kịp thời" giữa các cơ quan hành chính nhà nước; bảo đảm nội dung công bố thủ tục hành chính thường xuyên được tiến hành kiểm tra, chuẩn hóa, thường xuyên được hệ thống và gửi kịp thời đến các cơ quan trực tiếp tham gia giải quyết thủ tục hành chính, thực sự trở thành tài liệu chính thống để công khai, hướng dẫn và kiểm soát quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

- Về công khai thủ tục hành chính, cần nghiên cứu đánh giá lại hiệu quả, tính hợp lý của việc đăng tải công khai trên môi trường mạng điện tử hiện nay. Đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, cần cải tiến, nâng cấp theo hướng bảo đảm dễ dàng, tiện lợi cho việc tìm kiếm, tra cứu theo nhiều tiêu thức khác nhau, vừa đáp ứng yêu cầu tìm kiếm theo tên gọi, lĩnh vực công bố, vừa phải đáp ứng yêu cầu tìm kiếm theo từng cơ quan giải quyết thủ tục hành chính khác nhau.

Đối với trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương, bên cạnh yêu cầu xây dựng chuyên mục công khai thủ tục hành chính đáp ứng theo tiêu chí trên, cũng cần xây dựng một chuyên mục độc lập để thống nhất việc công khai các thông tin, tài liệu pháp lý khác thuộc phạm vi quản lý ngành, địa phương có liên quan đến giải quyết công việc, chế độ, chính sách hoặc thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

- Trong tổ chức thực hiện thủ tục hành chính, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về kiểm soát quá trình giải quyết thủ tục hành chính để tăng cường sự minh bạch, gắn với trách nhiệm giải trình của cơ quan thực hiện. Cần hệ thống, tổng hợp, bổ sung thêm một số quy định cải cách vào Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và các văn bản có liên quan đến cải cách thủ tục hành chính như: Bổ sung nội dung về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trả kết quả tại một đầu mối để áp dụng cho tất cả các thủ tục hành chính, kể cả trường hợp thực hiện hoặc chưa thực hiện bộ phận một cửa; bổ sung thêm các quy định để kiểm soát trách nhiệm giải trình của các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức; các quy định về tổ chức thực hiện các kênh trao đổi thông tin giữa cơ quan thực hiện thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp...

Đối với trách nhiệm giải trình, hướng dẫn của cơ quan thực hiện thủ tục hành chính, hiện nay được thực hiện theo nhiều quy định pháp luật chuyên ngành khác nhau. Cụ thể như: Trách nhiệm giải trình, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao khi được cá nhân, tổ chức yêu cầu theo quy định tại Nghị định số 90/2013/NĐ-CP; trách nhiệm tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của công dân theo quy định tại Luật Tiếp công dân; trách nhiệm hướng dẫn, giải thích theo các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện thủ tục hành chính...

Ngoài ra, để tăng cường sự minh bạch, cơ quan thực hiện thủ tục hành chính cũng cần có trách nhiệm giải trình, giải thích việc thực thi pháp luật một cách rõ ràng, cụ thể bằng văn bản khi đối tượng thực hiện thủ tục hành chính chưa hiểu rõ hoặc không thực hiện đúng quy định hoặc có quyền được biết thông tin, ví dụ như nêu rõ lý do bằng văn bản khi yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, từ chối giải quyết hoặc giải quyết hồ sơ chậm trễ...

Các quy định trên cần được hệ thống lại để bổ sung vào Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và các văn bản liên quan để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có quy định về các nội dung cải cách thủ tục hành chính.

Để tăng cường sự minh bạch trong cải cách thủ tục hành chính, cũng cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật để thực hiện các kênh trao đổi thông tin giữa cơ quan thực hiện thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp, như quy định về việc tổ chức đối thoại trực tiếp, về trao đổi thông tin thông qua môi trường mạng điện tử...

Phân định rõ giữa việc đăng tải chuyên mục hướng dẫn, giải đáp, xử lý các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện thủ tục hành chính được pháp luật quy định với việc đăng tải chuyên mục tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi trực tiếp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo Nghị định số 20/2008/NĐ-CP. Việc đăng tải các kênh trao đổi thông tin nêu trên phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp, không chỉ giao cho đơn vị cấp dưới trực thuộc hoặc bộ phận tin học tự xử lý, thực hiện.

Phạm Quốc Oai
(Phòng Kiểm soát TTHC- Sở Tư pháp)