.

Môi trường làng nghề,"bài toán" nan giải - Kỳ 2: Muôn vàn sự khó!

Thứ Năm, 01/09/2016, 07:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Chính vì vậy, việc hoạch định kế sách phát triển bền vững cho các làng nghề là vấn đề cấp thiết. Muốn thực hiện điều đó, không thể bỏ qua vấn đề môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc giải “bài toán” môi trường làng nghề đang thực sự “làm khó” các cơ quan chức năng và chính quyền nhiều địa phương.

>> Kỳ 1: Sống chung với "lũ"

Khó quy hoạch xây dựng cụm làng nghề tập trung

Theo khẳng định của cơ quan chức năng và chính quyền nhiều địa phương, điểm mấu chốt để giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường làng nghề chính là cần nhanh chóng quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để sản xuất tập trung, có quy ước, hương ước rõ ràng.

Mấu chốt để giải quyết thực trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề là quy hoạch xây dựng cụm làng nghề tập trung, nhưng để thực hiện được lại vô cùng khó khăn.
Mấu chốt để giải quyết thực trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề là quy hoạch xây dựng cụm làng nghề tập trung, nhưng để thực hiện được lại vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, trước hết các làng nghề cần phải điều chỉnh lại quy hoạch, trích nguồn quỹ đất để thực hiện nhưng ngặt nỗi quỹ đất và nguồn vốn của nhiều địa phương lại quá hạn hẹp. Do đó, thực hiện điểm mấu chốt này thực sự là một “bài toán” hóc búa.

Tại làng bún bánh Tân An, xã Quảng Thanh (Quảng Trạch), chính quyền địa phương đang xây dựng kế hoạch điều chỉnh quy hoạch để trích nguồn quỹ đất xây dựng làng nghề tập trung. Tuy nhiên, việc quy hoạch xây dựng cụm làng nghề tập trung không phải là điều dễ dàng đối với Tân An bởi quỹ đất của địa phương khá hạn hẹp.

Chính quyền xã đã lập kế hoạch dồn điền đổi thửa, trích lại khoảng 2ha đất để xây dựng làng nghề tập trung. Nhưng từ năm 2012 đến nay, kế hoạch này vẫn đang nằm trên giấy do thiếu sự đồng tình của các hộ dân. “Nhiều người sợ ảnh hưởng đến phần đất của mình nên không ủng hộ quy hoạch của xã.

Hơn nữa, để biến giấc mơ cụm làng nghề tập trung thành hiện thực phải cần một nguồn vốn rất lớn, trong khi đó khả năng tài chính của địa phương lại khá eo hẹp nên khó mà đáp ứng được”, ông Nguyễn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh chia sẻ.

Thiếu đất, thiếu kinh phí để xây dựng làng nghề tập trung cũng là điểm rối khó gỡ của làng nghề đúc rèn Mai Hồng, xã Đồng Trạch (Bố Trạch). Để xây dựng khu công nghiệp làng nghề tập trung, chiêu tụ hơn 30 hộ với hơn 200 lao động làm nghề, Mai Hồng phải cần đến một diện tích đất và nguồn vốn khá lớn, trong khi đó quỹ đất cũng như nguồn vốn của địa phương lại có hạn nên không thể đáp ứng đủ.

Với đặc thù của nghề đúc rèn, việc nằm xen lẫn giữa các hộ dân sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bà con nơi đây. Chính quyền thôn khẳng định, giải pháp duy nhất để khắc phục tình trạng này chỉ có thể là xây dựng cụm làng nghề tập trung nằm tách xa khu dân cư.

Tuy nhiên giải pháp này lại thiếu tính khả thi do thiếu đất lại thiếu cả vốn. Đây cũng là “nỗi khổ” chung của nhiều làng nghề khác ở tỉnh ta. Với hơn 400 hộ sản xuất, làng nghề nước mắm Nhân Nam, xã Nhân Trạch (Bố Trạch) cần một diện tích rất lớn để xây dựng cụm làng nghề tập trung. “Vấn đề này dù khó nhưng với sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền thì vẫn có thể giải quyết được. Nhưng “nút thắt” gần như không thể “gỡ” được của làng nghề chính là nguồn vốn.

Để biến mong ước về cụm công nghiệp tập trung thành hiện thực, làng nghề Nhân Nam cần đến một nguồn vốn khoảng trên 1 tỷ đồng. Với mức thu nhập đủ trang trải cuộc sống của các hộ làm nghề hiện tại, việc huy động đủ nguồn vốn từ các hộ này là rất khó. Trong khi đó, ngân sách của địa phương lại hạn hẹp.

Bởi vậy, nếu không có nguồn hỗ trợ kịp thời thì khu công nghiệp làng nghề tập trung của Nhân Nam chỉ có thể nằm ở “thì tương lai xa” mà thôi”, chị Phạm Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhân Trạch cho biết.

Đầu tư công nghệ xử lý chất thải... còn xa vời

Nếu việc quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề tập trung đang là “giấc mơ xa” của hầu hết các làng nghề tỉnh ta thì việc vận động các hộ làm nghề đầu tư công nghệ, hệ thống xử lý chất thải nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường cũng thực sự là vấn đề nan giải. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ nguồn nước thải làm bún ở làng nghề bún bánh Tân An, chính quyền xã Quảng Thanh luôn tích cực vận động các hộ dân đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghệ cao.

“Vận động mãi cả thôn cũng chỉ được khoảng 2-3 hộ thực hiện. Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải của các hộ này khá đơn giản, được xây dựng bằng các bể bi, kích thước không đủ chứa lượng nước thực tế được thải ra nên khi chưa kịp lắng lọc các tạp chất thì đã phải xả ra môi trường.

Do thiếu tính khả thi, không phát huy được tác dụng nên chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, các hộ này nhanh chóng “chia tay” hệ thống xử lý này và chọn cách “truyền thống” là xả trực tiếp ra cống, rãnh, ao hồ”, anh Ngô Xuân Tứ, Ủy viên UBND xã, phụ trách làng nghề Quảng Thanh cho biết. Cái khó trong việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn ở làng nghề Tân An được xác định do thiếu quỹ đất và khan vốn.

Toàn thôn có 410 hộ với 1.123 khẩu; bình quân mỗi hộ chỉ có khoảng 150-180m2 đất ở. Với diện tích đất ở hẹp như thế, nhiều hộ sẽ rất khó để xây dựng được hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, đủ thể tích chứa được lượng nước thải ra. “Nhiều hộ có điều kiện kinh tế như hộ của chị Ngô Thị Bốn, anh Mai Văn Hường... sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư công nghệ xử lý xả thải nhưng do đất hẹp nên cũng đành bó tay”, anh Tứ cho biết thêm.

Với mức thu nhập đủ sống từ làm nghề, việc huy động nguồn vốn lớn để xây dựng cụm làng nghề tập trung từ các hộ sản xuất nước mắm ở thôn Nhân Nam, Nhân Trạch, Bố Trạch gần như là không thể.
Với mức thu nhập đủ sống từ làm nghề, việc huy động nguồn vốn lớn để xây dựng cụm làng nghề tập trung từ các hộ sản xuất nước mắm ở thôn Nhân Nam, Nhân Trạch, Bố Trạch gần như là không thể.

Tuy nhiên, ở Tân An lại không có nhiều hộ làm nghề có điều kiện kinh tế như hộ chị Hường, anh Bốn, đa phần người làm nghề ở đây chỉ sống đủ chứ khó mà làm giàu được từ nghề, do đó để bỏ ra số tiền khoảng 150 triệu đồng “chỉ để chứa nước thải” đối với họ là chuyện... xa vời.

Đây cũng là lỗ hỏng trong công tác khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do khí thải từ việc nung chì gây nên tại làng đúc rèn Mai Hồng. Về làng, có mỏi mắt kiếm cũng khó mà tìm ra được hộ dân nào đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí loại khí thải độc hại này.

Với họ, việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cho sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm còn khó chứ đừng nói đến chuyện đầu tư cho công nghệ xả thải, bởi kinh phí cho việc làm này khá lớn trong khi thu nhập từ nghề của họ lại không đáp ứng đủ.

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân như vốn, đầu ra, nghề đúc rèn của Mai Hồng đang gặp nhiều khó khăn, kéo theo thu nhập của các hộ làm nghề cũng khá bấp bênh. Chính vì vậy, họ không đủ điều kiện cũng như sự “mặn mà” để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải đạt chuẩn cũng là điều dễ hiểu.

Làng nghề không chỉ là một lực lượng phát triển kinh tế, mà còn là một thành tố hình thành nên đời sống dân cư nông thôn mới, do đó bảo vệ môi trường không chỉ là một nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, mà còn là vấn đề sống còn, bảo đảm sự phát triển bền vững cho chính các làng nghề. Bởi vậy, hơn lúc nào hết các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương và chính các hộ làm nghề cần thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc cùng chung tay giải quyết “bài toán khó” này.

Muốn vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ vận động, tuyên truyền đến kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt; đồng thời vạch định kế hoạch phát triển lâu dài trong sự hài hòa với môi trường cho các làng nghề. Thiết nghĩ đã đến lúc toàn xã hội phải hành động quyết liệt vì sự phát triển bền vững của các làng nghề, nếu không sẽ là quá trễ.

T.An