.

Đón Trung thu nấc thang hòa nhập của trẻ tự kỷ

Thứ Năm, 15/09/2016, 10:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Bạn tôi – một tình nguyện viên vẫn luôn kể rằng trong mỗi chuyến đi thiện nguyện tổ chức lễ Trung thu cho các em học sinh nghèo vùng núi, điều khiến anh luôn đau đáu là câu hỏi ngây thơ của các em: “Trung thu là gì?”. Thế nhưng, ngay tại thành phố rộn rã, vẫn có những đứa trẻ chẳng bao giờ biết tự mình đặt câu hỏi và cũng chẳng đủ khả năng để đòi hỏi cho mình những món quà Trung thu rực rỡ. Các em là những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ.  

Cách đây hơn 10 năm, khi tự kỷ vẫn còn là khái niệm xa lạ ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh ta nói riêng, những đứa trẻ sinh ra với “khuyết tật phát triển” này luôn bị mọi người xung quanh nhìn với ánh mắt e ngại và thiếu thiện chí. Hành trình của những ông bố, bà mẹ có những đứa con không may mắc chứng tự kỷ trở nên gian nan hơn bao giờ hết. Họ vừa phải gồng mình trang trải cho cuộc sống gia đình, vừa phải là người bạn, người thầy dạy cho con những điều nhỏ nhất trong sinh hoạt, ứng xử, lại phải đấu tranh để cộng đồng hiểu, cảm thông và giúp đỡ cho đứa con thơ luôn ngờ nghệch về thế giới quanh mình. Đã không biết bao lần họ cay đắng khi phải nghe những từ miệt thị, những câu nói cào xé ruột gan, rằng tự kỷ là do cha mẹ thiếu chăm sóc, rằng đó là bệnh của con nhà giàu... Trong khi, khoa học thế giới đã khẳng định đây là hội chứng do những rối loạn sinh học chưa tìm được gây ra trong những năm đầu đời của trẻ. Nếu được chăm sóc và giáo dục tốt, trẻ tự kỷ vẫn có thể hòa nhập và vươn lên phát triển bình thường như những đứa trẻ khác.  

Tôi có mặt tại Nhóm mầm non chuyên biệt Trí Tâm 2 (Đồng Phú, Đồng Hới) khi không khí Trung thu đã rộn rã khắp các ngõ nhỏ. Bốn năm qua, nơi đây đã trở thành mái nhà thứ 2 – một mái nhà ấm áp dành cho những trẻ bị chứng tự kỷ đến từ nhiều vùng quê trên địa bàn toàn tỉnh. Các em là những đứa trẻ đặc biệt và cái cách các em đón nhận ngày vui Trung thu cũng đặc biệt không kém. Đặc biệt là bởi khi thành phố các em đang sống ngày ngày vẫn chộn rộn với những hoạt động chào đón Trung thu thì những đứa trẻ ấy vẫn hoàn toàn ngơ ngác, như tách mình hẳn ra khỏi không khí huyên náo ấy. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Yến, trưởng nhóm mầm non chuyên biệt Trí Tâm 2 cho biết, đa phần trẻ bị bệnh tự kỷ đều không ý thức được gì. Có em đã lớn 5-6 tuổi nhưng nhận biết chỉ như mới 1-2 tuổi, thậm chí có những em đã 9-10 tuổi nhưng vẫn không nhận biết được ở lứa tuổi mình có một ngày “trọng đại” như thế. Việc tổ chức Trung thu hàng năm sẽ giúp cho các em nhận được một ngày thật đặc biệt dành cho chính mình.

Các cô giáo Nhóm trẻ chuyên biệt Trí Tâm 2 chuẩn bị đèn Trung thu cho các em.
Các cô giáo Nhóm trẻ chuyên biệt Trí Tâm 2 chuẩn bị đèn Trung thu cho các em.

Vậy là 4 năm kể từ ngày thành lập cho đến nay thì cũng chừng ấy mùa Trung thu đi qua, những đứa trẻ đặc biệt ấy được đón một đêm trăng rằm ấm áp giữa tình thương của gia đình và các cô giáo. Để các em có được một đêm Trung thu ý nghĩa nhất, những ngày trước đó, 17 cô giáo của Nhóm mầm non chuyên biệt Trí Tâm 2 đã bắt tay vào các khâu chuẩn bị từ việc làm đèn lồng, gói quà, tập văn nghệ... Ai cũng háo hức dù công việc tại lớp học đã quá vất vả nhưng như cô giáo Ngọc Yến chia sẻ thì chỉ cần nghĩ đến những đôi mắt đen tròn chăm chú nhìn những món quà nhận được, họ đã thấy ấm lòng. Ngoài sự hỗ trợ thường xuyên của Công ty TNHH Nguyệt Phúc (Đồng Hới), mùa trung thu năm nay của nhóm trẻ còn có sự đồng hành và giúp đỡ từ các tình nguyện viên đến từ Trường đại học Quảng Bình và những tấm lòng hảo tâm xa gần. Ai cũng chỉ với mong muốn cho những đứa trẻ kém may mắn này có được một lễ hội Trung thu đủ đầy nhất.

Những ngày này, các học sinh nơi đây đang háo hức chuẩn bị các tiết mục văn nghệ để chào đón Trung thu. Để có được những những tiết mục “cây nhà lá vườn” này, các cô giáo đã rất vất vả để tập luyện cho các em, từ việc hát sao cho tròn vành, rõ chữ, đôi khi chỉ là việc để các em có thể chịu đứng yên trên sân khấu. Việc này cần lắm sự kiên trì, nhẫn nại và hơn tất cả là tình thương, sự thấu hiểu dành cho những đứa trẻ kém may mắn này.

Trẻ tự kỷ, với gia đình các em, đó là nỗi đau mà họ không hề muốn ai khơi lên. Nhưng tự sâu thẳm, những người làm cha, làm mẹ ấy vẫn luôn nhen nhóm lên những tia hy vọng rằng chỉ một ngày không xa nữa thôi, con cái họ sẽ sớm được hòa nhập và phát triển như bao trẻ thơ bình thường khác. Nhiều phụ huynh không ngần ngại chia sẻ rằng khi con cái họ được đón Trung thu hay Tết thiếu nhi như chúng bạn cũng là lúc các em đang bước dần lên trên những nấc thang hòa nhập.

Chị Võ Thị Phương Lan (Đồng Phú, Đồng Hới) có con gái nhỏ mắc chứng tự kỷ và đã theo học ở Nhóm mầm non chuyên biệt Trí Tâm 2 nhiều năm nay. Năm nào cũng vậy, dù bận rộn đến mấy, nhưng đêm Trung thu, gia đình chị vẫn thu xếp cho con tham gia vui lễ cùng các bạn. Điều khiến người làm mẹ như chị cảm thấy ấm lòng đó là con gái mình đã có thể tận hưởng được niềm vui rước đèn, cũng được đón Trung thu như những đứa trẻ bình thường khác. Với chị, niềm hạnh phúc đó bình dị, đong đầy lắm mà những ai đã và đang trong hoàn cảnh như chị mới có thể thấu hiểu được.

Một mùa Trung thu nữa lại về. Với những đứa trẻ sinh ra đã kém may mắn hơn chúng bạn, tận hưởng không khí đêm Trung thu không chỉ là niềm vui con trẻ mà còn là nấc thang nhỏ để các em có thể bước ra hòa nhập cùng thế giới. Đâu đó, trong những ánh mắt ngô nghê nhìn ngắm cuộc đời, vẫn lấp lánh niềm vui và niềm hạnh phúc ngập tràn.

Diệu Hương