.

Ứng phó với biến đổi khí hậu: Cơ hội và thách thức

Thứ Hai, 16/05/2016, 08:14 [GMT+7]

Bài 1: Việt Nam trực diện với biến đổi khí hậu

(QBĐT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một khái niệm không còn xa lạ đối với người dân Việt Nam và tỉnh Quảng Bình khi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và Quảng Bình thuộc một trong 33 tỉnh, thành cả nước thường xuyên đối mặt với BĐKH, thiên tai, lụt bão… Lần đầu tiên tại thành phố Đồng Hới đã diễn ra một hội nghị quy mô lớn vào cuối tháng 4-2016 do Trung ương Hội CTĐ Việt Nam tổ chức liên quan đến BĐKH, ứng phó với BĐKH thu hút nhiều chuyên gia đầu ngành về môi trường tham gia.

Nội dung hội nghị nhằm đánh giá rủi ro, tác động BĐKH đối với 14 tỉnh miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) trong tổng thể chung cả nước chịu ảnh hưởng BĐKH và sự lồng ghép hoạt động ứng phó của Hội CTĐ Việt Nam, chính quyền, Hội CTĐ các địa phương tổn thương nặng bởi BĐKH.

Các chuyên gia đến từ Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐKH (Bộ Tài nguyên-Môi trường), Trung tâm nghiên cứu BĐKH miền Trung, Hội CTĐ Việt Nam, Hội CTĐ Đức, Sở Tài nguyên-môi trường tỉnh Quảng Bình... khái quát khá hoàn chỉnh bức tranh tổng thể về BĐKH, những ảnh hưởng BĐKH chi phối đến con người và môi trường sống trong quá khứ, hiện tại và những kịch bản diễn ra ở tương lai.

Theo tiến sỹ Lê Minh Nhật, Trưởng phòng thích ứng BĐKH, Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH (Bộ Tài nguyên-Môi trường): Việt Nam nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, bờ biển dài trên 3.200 km; hơn 1 triệu km2 lãnh hải, 3.000 hòn đảo gần bờ, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; nhiều vùng đất trũng thấp ven biển, trong đó có đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Địa hình hẹp, dốc hướng ra biển, khả năng tích nước kém, rất dễ bị tổn thương trước thiên tai đến từ biển.

Việt Nam thuộc 5 quốc gia đứng đầu thế giới chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH. Trong 2 thập kỷ qua, ước tính mỗi năm thiệt hại khoảng 1,5% GDP do các thảm họa thiên nhiên. Đơn cử, cơn bão Xangsane năm 2006 tràn vào 15 tỉnh miền Trung, thiệt hại đến 1,5 tỷ USD. Năm 2013, có 14 cơn bão đổ bộ vào Việt Nam làm hàng triệu người dân chịu ảnh hưởng.

Tiến sỹ Lê Minh Nhật dẫn chứng: Biểu hiện BĐKH ở Việt Nam rõ nét nhất trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình tăng 0,5 độ C; mực nước biển dâng 0,2 m; lượng mưa có xu hướng giảm phía Bắc, tăng ở phía Nam; thiên tai, bão lụt gia tăng cường độ và tính cực đoan. Các hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở miền Trung, Nam Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long, thành phố Hồ Chí Minh... Diện tích hoang mạc hóa ngày càng mở rộng. Riêng đồng bằng sông Cửu Long, dự báo đến năm 2030, khoảng 45% diện tích sẽ bị ngập mặn cục bộ, gây thiệt hại nghiêm trọng về sản xuất nông nghiệp do lũ lụt và ngập úng. Nếu không có kế hoạch đối phó, phần lớn diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập trắng trong thời gian dài, thiệt hại ước tính trên 17 tỷ USD”.

Toàn cảnh hội nghị đánh giá rủi ro và tác động của BĐKH lồng ghép vào sự hoạt động Hội CTĐ khu vực miền Trung.
Toàn cảnh hội nghị đánh giá rủi ro và tác động của BĐKH lồng ghép vào sự hoạt động Hội CTĐ khu vực miền Trung.

Dẫn chứng thêm về ảnh hưởng BĐKH, bà Trần Thị Hồng An, Phó chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam minh họa: “Đến giữ thế kỷ 21, mực nước biển Việt Nam dâng thêm khoảng 30 cm và đến cuối thế kỷ có thể lên đến 75 cm so với thời kỳ 1989-1990. Nếu nước biển dâng cao 1m, thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập hơn 20% diện tích; khoảng 10 đến 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp; tổn thất 10% GDP. BĐKH rõ nét nhất là khi chúng ta đang cùng nhau bàn về nó tại thành phố Đồng Hới, tìm ra cách đối phó hiệu quả nhất thì hiện tượng cực đoan thời tiết ngày càng gia tăng. Hạn hán nặng nề, triều cường gây ngập mặn diện rộng, kéo dài nhất trong 100 năm qua tại Nam Trung bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, đây là một điển hình về BĐKH”

Việt Nam đã làm gì để ứng phó với BĐKH? Những cơ hội và thách thức?

Tiến sỹ Trần Quốc Hùng, Trưởng ban Phòng ngừa và ứng phó thảm họa, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam nhận định: “Hội nghị là cơ hội tốt nhất nhằm chia sẻ thông tin khoa học, chính xác, mới nhất về BĐKH trong cả nước, khu biệt có 14 tỉnh miền Trung, nơi thường xuyên đối mặt với BĐKH, thiên tai, hạn hán, lụt bão. Chúng ta nhận thấy rõ rủi ro, hiểm họa đang ngày càng tăng do khí hậu thay đổi. Để phòng ngừa rủi ro hiệu quả thì việc cung cấp thông tin cho cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng, vì vậy liên kết kiến thức khoa học với thực tiễn sẽ giúp cộng đồng thích ứng, phòng ngừa, đối phó hiệu quả hơn trước những thảm họa, thiên tai do BĐKH”.

Trước diễn biến phức tạp của BĐKH, phát thải khí cacbon, hiệu ứng khí nhà kính, Việt Nam đã hoạch định một chính sách dài hơi nhằm phòng ngừa, ứng phó với BĐKH, sống chung cùng BĐKH. Ngày 5-12-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về BĐKH. Ứng phó với BĐKH của Việt Nam phải gắn liền với phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế cacbon thấp, tận dụng các cơ hội để đổi mới tư duy phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức mạnh quốc gia.

Ngày 5-10-2012, Thủ tướng Chính phủ  ký Quyết định số 1474/QĐ-TTg  phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH, xác định 10 nhóm mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020 gồm: tăng cường năng lực giám sát khí hậu, cảnh báo sớm thiên tai; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh về nước; chủ động ứng phó với thiên tai, chống ngập cho các thành phố lớn, củng cố đê sông, đê biển và an toàn hồ chứa; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế theo hướng cacbon thấp; tăng cường năng lực quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách về BĐKH; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, chính trị-xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức phi chính phủ trong ứng phó BĐKH, xây dựng cộng đồng thích ứng hiệu quả với BĐKH; nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách, đánh giá tác động, xác định các giải pháp thích ứng và giàm nhẹ BĐKH; hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong các hoạt động quốc tế về BĐKH; huy động các nguồn nhân lực và tài chính ứng phó với BĐKH.

Việt Nam tham gia Công ước khí hậu (COP) trong khuôn khổ Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC). Tại hội nghị COP21, Việt Nam tuyên bố đóng góp 1 triệu USD vào quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020; tổ chức thành công phiên đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của BĐKH tại đồng bằng sông Cửu Long”. Việt Nam đệ trình Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (iNDC), trở thành quốc gia thứ 101 trên thế giới hoàn thành báo cáo này, là những nỗ lực quan trọng của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH.

Tiến sỹ Mai Quý Khiêm, Trung tâm nghiên cứu Khí tượng- Khí hậu quốc gia nhận định về những thách thức trong ứng phó BĐKH: “BĐKH làm cho các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan biến động mạnh hơn, bất thường hơn, có thể gây ra những tác động lớn với ngành nông nghiệp, nguồn nước và các hoạt động của con người”.

Thanh Long

Bài II:  Quảng Bình ứng phó biến đổi khí hậu