.

Dự án khu tái định cư ở xã Cao Quảng: Bao giờ hết cảnh... "rùa bò"?

Thứ Năm, 12/05/2016, 08:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Dự án tổng thể di dân khẩn cấp do ngập lụt và sạt lở xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hoá chính thức được phê duyệt vào ngày 14-10-2011 theo Quyết định số 2639/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Sau hơn 4 năm được triển khai, đến nay dự án này vẫn đang trong cảnh "rùa bò" vì khát vốn. Chia sẻ với điều kiện kinh tế khó khăn của Nhà nước, tỉnh, huyện..., thế nhưng, nhiều hộ dân nơi đây vẫn rất trông chờ dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào hoạt động để giúp người dân chủ động phòng tránh thiên tai một cách an toàn, hiệu quả hơn...

Sau hai trận lũ của năm 2007 và 2010, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hoá đã gấp rút xây dựng phương án di dân tổng thể nhằm phòng tránh thiệt hại cho nhân dân, trình cấp trên phê duyệt. Xét thấy yêu cầu của xã Cao Quảng là rất cấp thiết, ngày 14-10-2011, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2639/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án tổng thể di dân khẩn cấp do ngập lụt và sạt lở xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hoá. Tổng mức vốn đầu tư cho dự án này hơn 49 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian thực hiện dự án được ghi trong quyết định số 2639/QĐ-UBND đối với những hạng mục như: san ủi mặt bằng, xây dựng đường GTNT và đường điện... sẽ được hoàn tất trong 2011. Đối với hạng mục hệ thống thoát nước và một số hạng mục khác sẽ được đầu tư trong những năm tiếp theo (không ghi rõ mốc thời gian hoàn thành).

UBND xã Cao Quảng được giao nhiệm vụ thực hiện công tác GPMB dự án và tổ chức di dời dân; hàng năm xây dựng kế hoạch vốn cho dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; định kỳ báo cáo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan về quá trình thực hiện dự án; giải thích, vận động nhân dân về mặt tư tưởng và chịu trách nhiệm huy động nhân dân vùng dự án thực hiện các nội dung của dự án...

Trong khi chờ đợi các hạng mục của Dự án tổng thể di dân khẩn cấp do ngập lụt và sạt lở xã Cao Quảng hoàn thiện, các hộ dân ở khu vực tái định cư Phú Nguyên hàng ngày vẫn qua lại trên chiếc cầu phao để về vùng trung tâm xã giao thương, học tập...
Trong khi chờ đợi các hạng mục của Dự án tổng thể di dân khẩn cấp do ngập lụt và sạt lở xã Cao Quảng hoàn thiện, các hộ dân ở khu vực tái định cư Phú Nguyên hàng ngày vẫn qua lại trên chiếc cầu phao để về vùng trung tâm xã giao thương, học tập...

Mục tiêu đầu tư của dự án đề ra là: di dời khẩn cấp, sắp xếp ổn định, bảo đảm tính mạng và tài sản cho 160 hộ dân (trong đó có 130 hộ trong vùng sạt lở, 30 hộ thiếu đất sản xuất...); ổn định đời sống và phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế...; giảm tỷ lệ hộ đói nghèo; bảo vệ môi trường và củng cố an ninh quốc phòng... Quy mô xây dựng dự án có diện tích 34 ha (nằm trong hai khu vực Quảng Văn và Phú Nguyên, thuộc xã Cao Quảng).

Dự kiến, khi dự án được xây dựng hoàn tất, sẽ có một hệ thống cơ sở hạ tầng gồm các hạng mục: điện phục vụ sinh hoạt, đường giao thông, công trình thoát nước cho các khu tái định cư, công trình nước sinh hoạt, kênh tưới tiêu phục vụ sản xuất, trường mầm non...

Tìm hiểu được biết, dự án nói trên dù đã được triển khai hơn 4 năm rồi nhưng vẫn đang còn dang dỡ, chậm tiến độ ở nhiều hạng mục công trình. Hiện tại, hầu như dự án chỉ mới dừng lại ở phần san lấp mặt bằng để bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân (bình quân mỗi hộ được cấp khoảng 1.000 m2, bao gồm đất ở và đất sản xuất).

Cũng do hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu thốn, hiện ở khu vực Quảng Văn mới chỉ có 10 hộ dân trong xã chuyển đến ở. Khu vực Phú Nguyên với 5 hộ định cư từ trước, nay chỉ mới tiếp nhận thêm 4 hộ nữa. Nói chung, các hộ dân đang định cư tại khu vực Quảng Văn và Phú Nguyên hiện vẫn đang trong cảnh "nhiều không" (không có điện thắp sáng, không có điểm trường học cho các em mầm non, không có nhà sinh hoạt cộng đồng, không có nước sạch để sinh hoạt...).

Vợ chồng anh Trần Hùng và chị Nguyễn Thị Thanh Hoài trước đây đã có nhà ở khá kiên cố tại thôn Phú Xuân, xã Cao Quảng. Trong đợt lũ năm 2010, do nhà ở bị ngập sâu trên 2 mét và bị nước lũ làm cho xiêu vẹo, vợ chồng anh Hoàng, chị Hoài làm đơn xin chính quyền xã được chuyển đến khu vực tái định cư Quảng Văn sinh sống. Chính quyền xã Cao Quảng chấp thuận, trước mắt bố trí cho gia đình một lô đất khoảng 1.000m2 (bao gồm đất ở và đất sản xuất)... Chuyển đến nơi ở mới, trong quá trình chờ dự án triển khai một số hạng mục công trình tiếp theo, vợ chồng anh Hùng, chị Hoài đã tự bỏ ra gần 10 triệu đồng để đào giếng nước sinh hoạt.

Chị Hoài tâm sự, sống ở đây tìm được nguồn nước sạch để sinh hoạt khó khăn lắm. Nhà tui đã đào giếng sâu tới gần 13 mét rồi mà hễ cứ đến mùa hè thì lại cạn khô, đành phải dùng nước ở khe Thác Kim. Hầu hết các hộ dân tới định cư ở đây cũng đều sử dụng nước ở khe Thác Kim cả... Sống ở nơi "nhiều không", hàng ngày vợ chồng anh Hùng phải chở các con về vùng trung tâm xã cách 6 km để chúng được đi học. Gia đình anh Hùng và nhiều hộ dân sống ở đây rất mong cấp trên quan tâm, sớm đầu tư một số hạng mục thiết yếu như: điểm trường học, điện thắp sáng, công trình nước sinh hoạt, kênh mương tưới tiêu phục vụ sản xuất... để mọi người có thể an tâm định cư, tập trung phát triển sản xuất. 

Trao đổi với phóng viên, ông Mai Xuân Tuyên, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Cao Quảng giải thích nguyên nhân dự án hiện đang  dở dang: Sau thời điểm Dự án tổng thể di dân khẩn cấp do ngập lụt và sạt lở xã Cao Quảng được phê duyệt không lâu thì Nhà nước có chủ trương thắt chặt đầu tư công. Tiếp đến là do điều kiện kinh tế của tỉnh, huyện đang khó khăn nên chưa thể bố trí đủ kinh phí để hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Trước mắt, địa phương đã tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân sinh sống ở những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, vùng bị ngập sâu, vùng dễ bị sạt lở... chuyển vào sâu trong làng để sinh sống tạm thời. Khi nào dự án hoàn thiện, chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai được chuyển đến chỗ ở an toàn, có điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt và sản xuất...

Trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, khó lường, rất mong các cấp, ngành liên quan tạo điều kiện để hoàn thiện Dự án tổng thể di dân khẩn cấp do ngập lụt và sạt lở của xã Cao Quảng, giúp người dân ở khu tái định cư sống ổn định cuộc sống, sản xuất.

Văn Minh