.

Lời giải cho bài toán xử lý rác thải ở vùng nam Ba Đồn

Thứ Năm, 12/05/2016, 08:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngoại trừ một số địa phương đã thành lập được tổ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải thì phần lớn các xã còn lại thuộc vùng nam thị xã Ba Đồn đều có chung thực trạng rác thải bị vứt bỏ bừa bãi, đặc biệt là tại các khu vực giáp ranh không có dân cư sinh sống, dọc các tuyến đường, trên hệ thống kênh mương, ven bờ sông... Làm gì để đưa công tác quản lý môi trường và xử lý rác thải đi vào nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng dân sinh trên địa bàn đang là bài toán khó cho chính quyền các địa phương nơi đây. 

Rác thải được vứt bừa bãi

Qua buổi làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Ba Đồn, chúng tôi đã có được cái nhìn toàn diện về thực trạng rác thải tại các xã vùng nam thị xã Ba Đồn. Những năm gần đây, do điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên nên mức tiêu thụ hàng hoá tăng, lượng rác thải sinh hoạt trong cộng đồng dân cư ngày càng nhiều.

Hoạt động của mô hình tổ tự quản thu gom rác thải tại xã Quảng Hải.
Hoạt động của mô hình tổ tự quản thu gom rác thải tại xã Quảng Hải.

Để bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn, một số xã đã thành lập các tổ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại địa phương và đến nay vẫn duy trì hoạt động thường xuyên và hiệu quả. Điển hình đó là mô hình tại các xã Quảng Hải, Quảng Tiên và một số thôn xã Quảng Lộc. Riêng đối với Quảng Hoà và một số xã khác, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực trong công tác vận động, tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường đến người dân và tổ chức các đợt tổng vệ sinh, thu gom rác thải. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn đã có chuyển biến, các điểm đổ rác tự phát đã được thu dọn và đưa đi xử lý.

Tuy nhiên, do lượng rác thải theo sông và các dòng chảy đổ về từ thượng nguồn, một bộ phận người dân không duy trì ý thức bảo vệ môi trường xung quanh, thường xuyên vứt bỏ rác thải bừa bãi đã làm cho thực trạng ô nhiễm rác thải ở một số địa phương tiếp tục tái diễn. Đi dọc các tuyến đường liên thôn, liên xã thuộc địa phận vùng nam thị xã Ba Đồn, chúng tôi tận mắt chứng kiến thực trạng rác thải được vứt bỏ bừa bãi 2 bên đường, ven bờ sông, bờ ruộng, trên các tuyến kênh mương nội đồng và cả những nơi có cắm biển "Cấm đổ rác".

Những mô hình hay

Chúng tôi đã thực hiện chuyến đi thực tế về xã Quảng Hải để tìm hiểu mô hình thu gom rác thải sinh hoạt ở đây. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi đó là những con đường làng, ngõ xóm thật thông thoáng và sạch sẽ. Trên địa bàn xã không có hiện tượng xả rác bừa bãi và những điểm đổ rác tự phát, ý thức bảo vệ môi trường được người dân thực hiện rất nghiêm túc. Các hộ gia đình đều có thùng hoặc bao bì chứa rác thải sinh hoạt.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Hới, phụ trách công tác tài nguyên môi trường xã Quảng Hải cho biết: Quảng Hải là xã thuần nông, có 6 thôn, 720 hộ với khoảng 3.200 nhân khẩu. Những năm trước đây, trên địa bàn xã không có nơi tập kết rác thải cố định nên người dân xả rác rất tùy tiện, nhưng từ năm 2012 đến nay, khi các tổ tự quản thu gom rác thải được thành lập và đi vào hoạt động thì công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn đã thực sự đi vào nền nếp. Xã đã thành lập 6 tổ tự quản thu gom rác thải tại 6 thôn, mỗi tổ gồm 3 đến 5 thành viên (tuy theo số lượng hộ trong thôn) hoạt động trong các tổ chức, đoàn thể như: phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, nông dân...

Các thành viên tổ tự quản được trang bị công cụ hỗ trợ và phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ thu gom và xử lý rác thải. Mức phí thu gom rác thải trên địa bàn xã được thực hiện theo quy định với 2.000 đồng/khẩu/tháng. Theo lịch thu gom, đúng ngày 10 hàng tháng, các hộ dân sẽ tập kết rác ở trước cửa nhà hoặc mang đến điểm thu gom rác cố định của thôn, sau đó xe lấy rác sẽ đến thu gom và vận chuyển đến bãi rác huyện Quảng Trạch.

Bình quân mỗi tháng, các tổ tự quản thu gom rác thải của xã Quảng Hải thu gom trên 30 khối rác các loại. Từ khi thành lập mô hình tổ tự quản thu gom rác thải, công tác bảo vệ môi trường thôn, xóm ở xã Quảng Hải được cải thiện rõ nét, dọc các tuyến đường, sông ngòi không còn rác thải ô nhiễm, đời sống và sức khỏe của nhân dân được bảo đảm. Nhận thức của người dân địa phương về bảo vệ môi trường cũng được nâng lên, góp phần đưa công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng.

Xã Quảng Lộc có 6 thôn, trong đó có 2 thôn đã thành lập được tổ tự quản thu gom rác thải là Cồn Sẻ và Phù Trịch. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Nguyên, Trưởng thôn Phù Trịch cho biết: Thôn có 245 hộ, với khoảng 880 nhân khẩu. Năm 2015, thôn đã thành lập tổ tự quản thu gom rác thác với 4 thành viên, chủ yếu là hội viên hội nông dân. Tổ tự quản thu gom rác thải của thôn hoạt động 3 lần/tháng, mỗi lần cách nhau 10 ngày.

Trước khi tổ chức thu gom rác thải 1 ngày, thôn thông báo qua hệ thống loa truyền thanh và yêu cầu các hộ dân tập kết rác thải trước nhà hoặc địa điểm thuận tiện để tổ tự quản đến thu gom. Rác thải sau khi thu gom, phân loại được đưa về đổ tại hố chứa rác của thôn nằm cách xa khu dân cư và được xử lý tại chỗ bằng phương pháp thiêu đốt thủ công. Song song với việc duy trì hoạt động ổn định và thường xuyên của tổ tự quản thu gom rác thải, thôn còn tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất kinh doanh, buôn bán tạp hoá, dịch vụ ăn uống tại các điểm đông dân cư ký cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.

Nhờ vậy, ý thức bảo vệ môi trường của phần lớn hộ dân trên địa bàn thôn đã có sự chuyển biến tích cực, các hủ tục, thói quen mất vệ sinh có hại cho môi trường và cuộc sống xung quanh trước đây đã dần dần được xoá bỏ.

Cũng với cách làm tương tự, tổ tự quản thu gom rác thải thôn Cồn Sẻ cũng đã duy trì hoạt động ổn định và ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu và cải thiện ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khoẻ cho cộng đồng dân cư.

Lời giải cho bài toán khó

Thị xã Ba Đồn hiện chưa có bãi xử lý rác tập trung riêng mà từ trước đến nay sử dụng chung bãi rác với huyện Quảng Trạch tại khu vực giáp ranh 2 xã Quảng Lưu-Quảng Tiến. Tại các phường trung tâm thị xã, công tác thu gom rác thải và xử lý môi trường được giao cho Ban quản lý Công trình công cộng đảm nhiệm, có xe ô tô chuyên dụng và đội ngũ công nhân chuyên nghiệp để thực hiện việc thu gom, ép rác và vận chuyển đến bãi rác tại huyện Quảng Trạch.

Một số người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường đã vứt bỏ rác thải ngay tại nơi
Một số người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường đã vứt bỏ rác thải ngay tại nơi "Cấm đổ rác".

Riêng đối với các xã vùng nam, do điều kiện địa hình nên các địa phương phải tự tổ chức hoặc thành lập mô hình thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn. Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, hàng năm UBND thị xã Ba Đồn đã trích một phần kinh phí để hỗ trợ các xã vùng nam thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác tại các điểm tồn đọng và dồn ứ rác thải.

Tuy nhiên, do bãi chứa rác chung với huyện Quảng Trạch cách xa khu vực các xã vùng nam, trong khi nguồn kinh phí có hạn nên việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác tại các điểm tồn đọng không được thường xuyên và hiệu quả. Nhằm giải quyết những bức xúc về xử lý rác thải, UBND xã Quảng Tiên đã làm tờ trình đề nghị UBND thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện, hỗ trợ địa phương đầu tư lò đốt chất thải rắn cho các xã vùng nam nói chung và Quảng Tiên nói riêng.

Thế nhưng, do điều kiện cần và đủ để xây dựng bãi xử lý và lò đốt rác phải có diện tích đất quy hoạch lớn, nguồn vốn đầu tư cao, trong khi thị xã Ba Đồn chưa thể đáp ứng được những yếu tố trên nên đề xuất của xã Quảng Tiên chưa được chấp thuận.

Ngoài một bộ phận người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường, thường xuyên vứt bỏ rác thải bừa bãi thì phần lớn hộ dân các xã vùng nam đều tự xử lý rác thải sinh hoạt của gia đình bằng cách chôn lấp và thiêu đốt thủ công. Cách làm này chỉ giải quyết tình thế trước mắt.

Do vậy, lời giải cho bài toán xử lý rác thải sinh hoạt tại các xã vùng nam thị xã Ba Đồn đó là, mỗi địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường đến mỗi người dân, hướng dẫn người dân tự phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý hợp vệ sinh tại gia, đồng thời có quy chế xử phạt nghiêm minh đối với những đối tượng có hành vi vi phạm trong bảo vệ môi trường. Tham khảo cách làm từ những mô hình hiệu quả đi trước, các xã phải tự thành lập các đội tự quản thu gom rác thải và quy hoạch các điểm chứa rác tập trung để người dân thuận lợi trong việc thu gom và tập kết rác.

Và trong tương lai gần, thị xã Ba Đồn cũng cần nghiên cứu, khảo sát địa điểm và lập phương án quy hoạch chi tiết về xây dựng bãi xử lý rác thải và lò đốt rác trên địa bàn nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác của người dân địa phương.

Hiền Chi